Chưa giải tỏa được đất hai bên đường, lo ngại nhà mặt tiền mọc lên ven vành đai 3 TP HCM

Vấn đề nhà mặt tiền mọc lên ven đường vành đai 3 TP HCM đã được các chuyên gia trao đổi ý kiến.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ, tại hội thảo "Thúc đẩy Dự án Vành đai 3 - Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" tổ chức cách đây ít ngày, nhiều ý kiến lo ngại hiệu ứng nhà mặt đường sẽ hạn chế ý nghĩa của đường vành đai này. Cụ thể, khi vành đai 3 hoàn thành, nhà dân riêng lẻ mọc lên ven đường thì sẽ gây lộn xộn cảnh quan, đồng thời không tạo ra không gian, lợi ích cho cả vùng, cho cộng đồng. 

Ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam cho biết, vành đai 3 hình thành sẽ đem lại lợi ích rất lớn và là sự mong chờ của không chỉ quốc gia, của 4 tỉnh mà cả 8 tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ. Tuyến đường Vành đai 3 này ảnh hưởng đến 30 đô thị, cả mới và cũ, đều có ảnh hưởng đến bất động sản. Bản thân đường này hình thành cũng sẽ ảnh hưởng đến mạng lưới giao thông. Hệ thống đường giao thông vành đai kết hợp với hàng không, đường sắt, đường thủy, tất cả tạo ra động lực thực sự mới cho cả vùng.

"Nhưng cả tuyến này hình thành như thế nào và bảo vệ nó ra làm sao thì thực sự về mặt quy hoạch chúng tôi có định hướng còn về mặt bảo vệ thì làm sao để không hình thành việc gì đó gây lộn xộn, gây ách tắc, gây vấn đề sau này. Bài toán đó thuộc vấn đề quản lý của chính quyền địa phương," ông Hải nói.

 Một đoạn vành đai 3 TP HCM theo quy hoạch. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, từ năm 2019, chúng ta đã có Luật Quy hoạch do Bộ KH&ĐT quán xuyến việc này. Còn mặt xây dựng, chúng tôi là lớp tiếp theo để các địa phương triển khai cụ thể về mặt không gian.

Việc này phải kết hợp giữa quản lý, từng lớp lang quy hoạch, quy hoạch tỉnh rồi đến quy hoạch vùng, huyện, phân khu và chi tiết; rồi đi qua các loại đô thị đến các vùng nông thôn để làm sao có giải pháp quản lý. Vai trò rất quan trọng này là của chính quyền địa phương.

Trên cơ sở tuyến đường đã hình thành như thế thì những người quản lý về mặt quy hoạch ở địa phương phải xác định cho mình những điểm trọng tâm về phát triển đô thị, phát triển kinh tế xã hội, mặt kinh tế và những vấn đề khác liên quan.

Ở đây có sự trùng lặp, đó là quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía nam lại trùng với quy hoạch kinh tế vùng đô thị TP HCM. Đô thị đi theo thì phải dựa trên vấn đề sản xuất, các vấn đề kinh tế - xã hội khác và phải đảm đương được một số lượng dân đến năm 2050 khoảng 30 triệu người.

Đây là bài toán đặt trên vai TP HCM cũng như các tỉnh xung quanh là gánh nặng về vấn đề nhà ở, bất động sản và phát triển, dân sinh. Trong 30 triệu dân đó, có khoảng 18 - 20 triệu là dân đô thị, nên ảnh hưởng của vành đai 3 lớn như thế, sẽ kích cầu toàn bộ khu vực Đông Nam Bộ.

Liên quan đến chủ đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, Luật Quy hoạch quy định việc giải phóng mặt bằng cả hai bên đường, nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được. Vì vậy, cơ quan chức năng cần quan tâm đến trường hợp nhà dân sát với đường vành đai. 

"Ở cạnh đường cao tốc không phải mơ ước của người dân các nước phát triển. Đường cao tốc chỉ có hiệu quả là kết nối giao thông thuận lợi, rút ngắn thời gian, mà lợi ích của nó nằm ở điểm đầu, điểm cuối, tiếp đến là các đường nhánh rẽ. Chúng ta phải đề phòng trường hợp nhà dân sát với đường vành đai. Thực ra chúng ta có làm Luật Quy hoạch năm 2009, quy định giải phóng mặt bằng rộng ra hai bên nhưng chúng ta không làm được, chúng ta thiếu nguồn lực, phương thức làm," ông Châu nói.

Tại hội thảo, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đã trao đổi ý kiến liên quan đến giải pháp để tránh tỉnh trạng thổi giá bất động sản và hình thành khu đô thị hoang ở khu vực tuyến đường này. 

Ông Thái cho biết, khi triển khai các dự án giao thông nói chung và dự án xây dựng đường Vành đai 3 nói riêng thì có thể dự báo rất rõ ràng là mặt bằng giá chung của bất động sản sẽ có sự biến động theo chiều hướng tích cực hơn.

"Qua thực tiễn của địa phương và thế giới, dự đoán không quá lạc quan thì tôi cho rằng tăng 11-12% là tối thiểu," ông Thái nói. 

Để hạn chết việc thổi giá bất động sản, theo ông Thái, một trong những giải pháp là cần thực hiện quy hoạch theo từng khu vực, không làm dàn trải. 

"Quy hoạch đó đòi hỏi tầm nhìn tổng thể, dài hạn, không chộp giật nhưng khi tổ chức thực hiện thì không thực hiện dàn trải mà được phân chia theo khu vực.

Về việc này trong thời gian dài chúng tôi đã thực hiện quan điểm khi ta thực hiện phát triển thì ta tập trung theo khu vực và quy hoạch đi trước, hạ tầng đi trước. Nếu chỉ có quy hoạch hạ tầng đô thị mà không có hạ tầng kết nối thì sức hấp dẫn của bất động sản sẽ không có hoặc giả định có người vào ở thì cũng sẽ kêu ca, kiện tụng.

Đây cũng là quan điểm nêu rất rõ trong Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị: Quy hoạch và hạ tầng phải đi trước trong phát triển đô thị thì mới hạn chế tối đa tình trạng hình thành các cấp khu vực không đáp ứng được nhu cầu thực, dẫn đến tình trạng các khu đô thị bị bỏ hoang,"  Cục trưởng Cục Phát triển đô thị chia sẻ.

chọn
[Photostory] Dự án vừa khởi công của MIK Group ở khu tây Hà Nội
The Solar Park - giai đoạn 2 của Imperial Smart City do MIK Group làm chủ đầu tư có quy mô hơn 2 ha. Tại đây sẽ xây dựng 5 toà tháp căn hộ cao 35 tầng.