Thực tế, đến nay nhà thầu mới khai thác được 0,7 triệu m3 (tỉnh An Giang khoảng 0,2 triệu m3; tỉnh Đồng Tháp 0,5 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long 2.300 m3).
"Ngày 17/11/2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã làm việc với các địa phương về nguồn cát, các địa phương đã cam kết hoàn thành các thủ tục cấp mỏ trong năm 2023.
Song, hiện vẫn còn khoảng 2,1 triệu m3 chưa xác nhận được nguồn cung cấp (tỉnh An Giang 0,44 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long 1,65 triệu m3) và công suất khai thác của các mỏ hiện nay rất thấp, chỉ đạt khoảng 8.000 m3/ngày đối với các mỏ đang khai thác (chưa tính đến công suất của 13 mỏ đang làm thủ tục cấp mới). Trong khi nhu cầu của dự án khoảng 70.000 m3/ngày", Bộ Giao thông Vận tải cho hay.
Với thực tế trên, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh: An Giang, Vĩnh Long khẩn trương xác định nguồn cung cấp 2,1 triệu m3 cát cho dự án để các nhà thầu triển khai thủ tục khai thác trong năm 2023. Đồng thời, rà soát nâng công suất các mỏ đang khai thác để đáp ứng tiến độ thi công, trường hợp không đủ công suất đề nghị bố trí thêm các mỏ mới.
Với các dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo tính toán, tổng nhu cầu cát cần gần 10 triệu m3.
Trong đó, hơn 4,7 triệu m3 được sử dụng từ 79 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng gần 11 triệu triệu m3, tổng công suất khai thác khoảng gần 1,7 triệu m3/năm, cần phải nâng công suất khai thác mới đáp ứng nhu cầu.
Hơn 5 triệu m3 còn lại được sử dụng từ 14 mỏ mở mới có tổng trữ lượng khoảng gần 12 triệu m3. Đến nay, các nhà thầu đã khai thác được 8/14 mỏ.
Tổng nhu cầu vật liệu đất khoảng gần 50 triệu m3. Trong đó, 2,7 triệu m3 được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng hơn 10 triệu m3, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
"Gần 47 triệu m3 còn lại được sử dụng từ 74 mỏ mở mới có tổng trữ lượng hơn 64 triệu m3. Hiện, các nhà thầu đã khai thác được 27/74 mỏ", Bộ Giao thông Vận tải thông tin.
Về tình hình thi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021-2025), theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, sau khi các mỏ vật liệu xây dựng được đưa vào khai thác, các nhà thầu đã tập trung thi công. Đến nay, sản lượng thi công đạt hơn 14.700 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 15% giá trị hợp đồng. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn chưa được như kỳ vọng do khó khăn về nguồn cung vật liệu vẫn chưa được tháo gỡ hoàn toàn.
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 – 2025) dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị dài 267 km, Quảng Ngãi - Nha Trang dài 353 km và Cần Thơ - Cà Mau dài 109 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 146.990 tỷ đồng.
Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026; trong đó, 12 dự án thành phần được chia thành 25 gói thầu, gói thầu có giá trị lớn nhất là gần 8.000 tỷ đồng.