Chung kết SV 2016 đã diễn ra với sự so tài của 3 trường: Đại học Y Hà Nội đại diện cho miền Bắc, Đại học Quy Nhơn đại diện cho miền Trung và Đại học Ngoại Thương cơ sở 2 TP.HCM đại diện cho miền Nam.
Ở phần thi đầu tiên - SV nói, với chủ đề Việt Nam - Thế giới, các đội đã mang đến cho sân khấu những tiết mục vô cùng sôi động, hài hước mà không kém phần sáng tạo.
Đại học Y Hà Nội là đội mở màn đầu tiên trong SV Nói với những màn hỏi đáp mang đậm chất sinh viên trường Y. (Ảnh: VTV) |
Mặc dù bị gặp sự cố trong lần đầu tiên đến với thủ đô Hà Nội, nhưng Đại học Ngoại Thương TP.HCM cũng đã thể hiện xuất sắc phần thi SV Nói của mình ở vòng 1.(Ảnh: VTV) |
Đại học Quy Nhơn mang tới thông điệp cho vòng SV Nói là "Đi tìm chiếc chìa khóa để Việt Nam hóa rồng phải trông chờ ở thế hiện sinh viên" đầy sáng tạo và hài hước. Phần thi được BGK đánh giá rất cao và giành được số điểm tuyệt đối. |
Trong phần thi thứ 2 mang tên SV Thông Thái, với chủ đề Việt Nam - Thế giới. Đại học Ngoại Thương cơ sở 2 TP.HCM là đội đầu tiên bắt đầu vòng thi này. "Bài toán" mà đội này đưa ra thuộc lĩnh vực kinh tế, với hình ảnh một cô gái ngậm kẹo mút. Trường Đại học Quy Nhơn đưa ra đáp án là Xuất nhập khẩu, trong khi Đại học Y Hà Nội trả lời là Kinh tế toàn cầu. Và đáp án của sinh viên Đại học Ngoại Thương trong chủ đề này là "Rút vào thì phải rút ra/ Thời cơ thách thức phải lo trung hòa".
Đại học Y Hà Nội với chủ đề thể thao, đội đã thể hiện câu hỏi bằng hình ảnh một thanh niên cầm cây súng bắn "pằng" vào một người khác để truyền đi thông điệp "Thể thao công bằng", nhưng Đại học Ngoại Thương đã trả lời "Một phát súng làm nên lịch sử/ Hoàng Xuân Vinh trở thành bất tử" và Đại học Y đưa ra ý kiến "Thể thao có thắng có thua/ Xuân Vinh tỏa sáng, Việt Nam vươn cầu".
Với vấn đề về xã hội, Đại học Quy Nhơn truyền tải thông điệp "Mất cân bằng giới tính" bằng hình ảnh một cô gái e thẹn và mắc cỡ. Đại học Y Hà Nội đáp là "Đã nghiện rồi còn ngại", câu trả lời hóm hỉnh của Đại học Ngoại thương là "bước ra thế giới e dè/ Ở trong đất S kè kè váy U".
Phần thi Gameshow cuối cùng mang chủ đề "Nếu còn một ngày để sống" do nhà báo Lại Văn Sâm đưa ra. Tác phẩm của Đại học Y Hà Nội để lại thông điệp rất ý nghĩa, gây xúc động mạnh mẽ đến khán giả, nếu còn một ngày để sống những sinh viên trường Y sẽ dốc hết sức làm công việc mình đã chọn.
Còn Đại học Quy Nhơn lại mang đến câu chuyện về tình yêu thương gia đình, đầy nước mắt và cảm động. Đội tuyển đã khai thác một vấn đề rất giản đơn và quen thuộc - tình yêu thương trong gia đình - nhưng lại có góc nhìn đậm chất phản biện: Không đợi đến ngày cuối cùng được sống mới bắt đầu biết yêu thương người thân, mà phải sống với người thân như là ngày mai sẽ chết.
Thú vị hơn, các động tác trình diễn võ thuật đầy khéo léo trên sân khấu của chàng đội trưởng có mái tóc ấn tượng - Nguyễn Văn Hoàng đã đem đến sự tranh luận sôi nổi cho Ban giám khảo. Mọi người hào hứng, thậm chí còn đề nghị anh chàng diễn thêm nhiều động tác khác, khiến cả hội trường thán phục, gọi to tên: “Quy Nhơn!”.
"Tại sao cứ phải đến lúc chết mới biết yêu thương?" đó là thông điệp của Đại học Quy Nhơn. |
Kết thúc vòng thi này là phần thể hiện của Đại học Ngoại Thương TP.HCM, thông điệp mà đội muốn truyền tải là "Con người không chết nếu ước mơ vẫn còn" thông qua biểu diễn múa bóng trên sân khấu.
Trải qua 3 vòng thi, mỗi đội đều thể hiện rất xuất sắc, với phong cách riêng của mỗi trường, mỗi vùng miền. Với số điểm cao nhất sau cả 3 vòng thi là 176,5 trường Đại học Quy Nhơn đã nhận được giả nhất của SV 2016 và một lần nữa, chiếc cúp vô địch lại trở về với đơn vị miền Trung sau chiến thắng của trường Đại học Yersin Đà Lạt năm 2012.