Chính sách đối địch của Mỹ đối với Trung Quốc trong nhiệm kì ông Trump đã không ngăn được đà tăng của chứng khoán Trung Quốc. Kể từ năm 2016, chứng khoán Trung Quốc đã vượt trội so với mọi thị trường lớn khác ở châu Á, chỉ trừ Ấn Độ. Giới phân tích kì vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn dù ai trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo.
Theo Nikkei Asia, chứng khoán Trung Quốc sụt giảm trong giai đoạn giữa năm 2018 sau khi ông Trump tung ra cú đánh lớn đầu tiên trong thương chiến, áp thuế quan lên hàng chục tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, chứng khoán Trung Quốc phục hồi khi hai nước dần tiến đến thỏa thuận giai đoạn một.
Năm nay, qui mô thị trường chứng khoán Trung Quốc đã đạt mức cao kỉ lục trong bối cảnh nền kinh tế rũ bỏ tác động của đại dịch và đồng nhân dân tệ mạnh lên. Các nhà phân tích cho rằng thu nhập doanh nghiệp phục hồi sẽ giúp nối dài đà tăng.
Kể từ khi ông Trump thắng cử tháng 11/2016, chỉ số CSI 300 đã tăng 41,2%. Tại châu Á, mức tăng đáng nể này chỉ thua kém thành tích của chỉ số Sensex thuộc Sàn giao dịch chứng khoán Bombay – 47,8%. Trong cùng kì, chỉ số S&P 500 thêm 62,6%.
Để so sánh, chỉ số Nikkei của Nhật tăng 38,4% và chỉ số Kospi của Hàn Quốc đi lên 18%, trong khi đó các chỉ số chính của Singapore và Indonesia lại sụt giảm.
Thu nhập của doanh nghiệp Trung Quốc được kì vọng là sẽ được thúc đẩy nhờ vào nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gia tăng tiêu dùng trong nước, các điều khoản vay được nới lỏng, thanh khoản sẵn có của ngân hàng trung ương và cải cách thị trường.
Một số biện pháp trên bù đắp cho tác động đến lợi nhuận của thuế quan và tình trạng thiếu hụt thanh khoản phát sinh từ nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm hạn chế các ngân hàng "bóng tối".
Ông Frank Benzimra, người đứng đầu chiến lược cổ phiếu châu Á tại ngân hàng Societe Generale nhận xét dù căng thẳng Mỹ-Trung sẽ tiếp diễn, việc bỏ qua chứng khoán Trung Quốc sẽ khiến nhà đầu tư bỏ lỡ một thị trường tăng trưởng hiếm có.
Cứng rắn với Trung Quốc là một trong những chính sách đối ngoại hiếm hoi thu hút sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Mỹ. Trong giai đoạn chạy đua trước Ngày bầu cử 3/11, ông Trump đã đưa ra triển vọng "tách rời" nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc, trong khi đó ông Biden cũng hứa sẽ sử dụng thuế quan và cam kết "đoàn kết sức mạnh kinh tế của các nền dân chủ thế giới để chống lại các hành vi kinh tế sai trái".
Ông Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Oxford Economics nhận định chiến thắng của ông Trump đồng nghĩa với sự tiếp diễn của chiến tranh thương mại và các nỗ lực nhằm tách rời kinh tế Mỹ-Trung.
Chính quyền của ông Biden sẽ "quan tâm hơn đến các cam kết và thỏa thuận", nhưng không có nghĩa là lập trường của Mỹ về Trung Quốc sẽ mềm mỏng đáng kể.
Trung Quốc đang trên đường trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng trong năm 2020. Khảo sát các nhà kinh tế vào cuối tháng 10 của Reuters dự đoán GDP nước này sẽ tăng vọt 8,4% trong năm 2021 trong bối cảnh các nền kinh tế phục hồi từ khủng hoảng Covid-19.
Một trong những yếu tố hỗ trợ lập luận đầu tư vào Trung Quốc là những cải cách trong lĩnh vực tài chính đã giúp nhà đầu tư nước ngoài triển khai vốn tại nước này dễ dàng hơn.
Năm ngoái, Trung Quốc đã dỡ bỏ trần hạn mức cổ phiếu và trái phiếu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Năm nay, Trung Quốc cũng mở cửa thị trường tài chính để các ông lớn Phố Wall như JP Morgan và Goldman Sachs được quyền sở hữu hoàn dự án kinh doanh tại nước này.
Những động thái trên đã tăng cường sự minh bạch trên thị trường Trung Quốc, giảm phần bù rủi ro từ hơn 10% năm 2015 xuống khoảng 6%, theo Societe Generale.
Nhà kinh tế trưởng Anatole Kaletsky của Gavekal Research nhận định xu hướng tách rời kinh tế Mỹ-Trung sẽ tiếp diễn bất kể ai trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.
Việc tách rời sẽ thúc đẩy Trung Quốc trở nên tự chủ và phát triển công nghệ cũng như hệ sinh thái giao dịch của riêng mình, giúp nhà đầu tư dễ dàng sở hữu trực tiếp chứng khoán Trung Quốc hơn trước.
Ông Kaletsky dự đoán "các dòng vốn khổng lồ sẽ được đổ vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc. Mức tăng lớn của qui mô thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm nay và sự gia tăng đột ngột về lợi suất trên thị trường trái phiếu Trung Quốc có lẽ là khởi đầu cho xu hướng dài hạn chứ không chỉ là bong bóng đầu cơ".
Đến cuối tháng 6, nhà đầu tư nước ngoài nắm lượng chứng khoán Trung Quốc kỉ lục trị giá 2.460 tỉ nhân dân tệ (355 tỉ USD), tăng 50% so với một năm trước, theo dữ liệu mới nhất từ ngân hàng trung ương Trung Quốc. Con số này thậm chí còn chưa bằng 5% tổng vốn hóa thị trường Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới lần đầu vượt mốc vốn hóa 10.000 tỉ USD trong tháng 10, được trợ giúp từ các chính sách khuyến khích đầu tư của Bắc Kinh, làn sóng niêm yết mới và sức mạnh của đồng nhân dân tệ. Chỉ trong năm nay chỉ số CSI 300 đã tăng 17%.
Nikkei Asia dẫn lời ông David Choa, Giám đốc đầu chứng khoán Trung Quốc của BNP Paribas Asset Management cho biết: "Chúng tôi tin rằng các rủi ro sụt giá có thể mang đến cơ hội mua vào cho những nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận dài hạn từ cổ phiếu Trung Quốc".
"Dù chúng tôi không lờ đi rủi ro ngắn hạn, nhà đầu tư nên đánh giá cao cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp cạnh tranh trong dài hạn với cái giá hấp dẫn".