Chuỗi cửa hàng Cafe Amazon của Thái Lan sẽ chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM ngày 18/12

Chuỗi cửa hàng Cafe Amazon của Thái Lan mới đây công bố sẽ chính thức mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM vào ngày 18/12. Ngoài phục vụ cafe, cửa hàng cũng kinh doanh cả sản phẩm trà sữa Thái cho người tiêu dùng Việt với các hương vị như trà vải, trà đào, trà sữa Thái đỏ, Matcha trân châu đường đen cùng với các loại bánh bông lan.
Cafe Amazon mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM vào 18/12 - Ảnh 1.

Cafe Amazon mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM vào 18/12. (Ảnh minh họa: Renews).

Trên trang fanpage Facebook của Cafe Amazon, chuỗi cửa hàng đồ uống với hơn 3.000 địa điểm tại Thái Lan mới đây đã công bố sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại TP HCM vào ngày 18/12 tới, tại 156 Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận.

Mô hình ‘’Ốc Đảo Xanh’’ của cửa hàng mới vẫn được giữ nguyên, kèm với đó là nội thất tông gỗ ấm và hệ thống cây xanh. Theo Cafe Amazon, cửa hàng sẽ bày trí thêm "bức tường cây" tương tự như cánh rừng nhiệt đới thu nhỏ để làm địa điểm check-in cho khách tới cửa hàng.

Trước đó vào tháng 11, Cafe Amazon đã chính thức vào Việt Nam và âm thầm mở cửa hàng đầu tiên tại Trung tâm thương mại Big C Go! Bến Tre sau lần hợp tác thành công giữa Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTTOR) và Tập đoàn Central Group để thành lập thương hiệu Cafe Amazon tại Việt Nam vào năm 2019.

Lí giải việc lấn sân sang thị trường cafe Việt, Phó Chủ tịch điều hành cấp cao của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTTOR) chia sẻ với Bangkokpost rằng thị trường Việt Nam có nhiều tiềm năng để kinh doanh cửa hàng cà phê như nền kinh tế đang tăng trưởng cao, nhu cầu tiêu thụ cà phê của người tiêu dùng ngày một lớn.

Tại Thái Lan, Cafe Amazon chính thức bắt đầu hành trình với cửa hàng đầu tiên tại trạm xăng dầu PTT vào năm 2002. Đây là chuỗi cà phê phổ biến nhất tại Thái Lan với 3.513 cửa hàng trong nước với mô hình được thiết kế như những "Ốc Đảo Xanh".

Từ năm 2011, Cafe Amazon bắt đầu mở rộng ra nước ngoài và đến nay có mặt tại 10 quốc gia khu vực châu Á với 278 cửa hàng, thu hút hơn 2,4 triệu lượt khách mỗi năm và vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ với mục tiêu trở thành thương hiệu cà phê toàn cầu.

Theo thông tin Cafe Amazon Việt Nam cung cấp, ngoài các dòng cà phê được cung cấp phổ biến trong toàn hệ thống chuỗi như Mocha, Latte, Amazon Signature thì tại Việt Nam, Café Amazon còn bổ sung các món đặc trưng với văn hoá cà phê của người Việt như đen đá, sữa đá, bạc xỉu.

Ngoài phục vụ cafe, cửa hàng cũng kinh doanh cả sản phẩm trà sữa Thái cho người tiêu dùng Việt với các hương vị như trà vải, trà đào, trà sữa Thái đỏ, Matcha trân châu đường đen cùng với các loại bánh bông lan.

Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng kí doanh nghiệp, CTCP Orc Coffee Passion Group (ORCG) thành lập ngày 28/5/2020, trụ sở chính tại Cao ốc Satra Eximland, quận Phú Nhuận, TP HCM.

Ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ phục vụ đồ uống (hoạt động của các quán chế biến và phục vụ khách hàng tại chỗ các loại đồ uống, trừ quán bar và quán giải khát có khiêu vũ).

Ngay từ khi thành lập, ORCG có có số vốn điều lệ là 57,6 tỷ đồng. Công ty có ba cổ đông sáng lập đồng thời là các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm: PTTOR International Holdings (Singapore) PTE. LTD có trụ sở tại Singapore với 60% cổ phần phổ thông, tương ứng với tổng giá trị cổ phần là 34,57 tỷ đồng;

Công ty TNHH Central Restaurants Group Việt Nam, trụ sở tại TPHCM, với 39,9% cổ phần phổ thông, tương ứng với tổng giá trị cổ phần là 22,99 tỷ đồng; và nhà đầu tư Ty Chirathivat với 0,1% cổ phần phổ thông, tương ứng với tổng giá trị cổ phần là 57,6 triệu đồng.

Người đại diện theo pháp luật của ORCG đều mang quốc tịch Thái Lan bao gồm ông Niti Kittisatien, giữ cương vị là Tổng giám đốc; ông Wisarn Chawalitanon, giữ vị trí là Chủ tịch HĐQT; và ông Nath Vongphanich và thành viên HĐQT.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.