Bị phụ huynh phản ứng, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh) phải bỏ VNEN. |
Những nghịch lý cười ra nước mắt
Thứ nhất, nghịch lý “Cán bộ nói hay, dân…tẩy chay”. Phát biểu với báo chí, nhiều cán bộ quản lý giáo dục, nhiều Hiệu trưởng, giáo viên đều có cái nhìn lạc quan, tích cực về VNEN, coi đây là sự đổi mới, tiên tiến, có nhiều điểm ưu việt, “thành công vượt trội”… Khi báo chí phỏng vấn về những mặt trái, hạn chế của VNEN, thì nhiều cán bộ tìm cách lảng tránh, hoặc từ chối.
Trong khi đó, rất nhiều phụ huynh phản đối gay gắt VNEN, thậm chí đã nổ ra nhiều cuộc tụ tập đông người, đeo băng rôn yêu cầu bỏ VNEN, quay lại chương trình truyền thống. Đã có nhiều cuộc “tỵ nạn” VNEN bằng cách xin cho con chuyển lớp, chuyển trường; nhiều đơn thư, nhiều cuộc họp hành. Người dân “kêu trời” vì VNEN, đã có nhiều phụ huynh khóc tức tưởi, chỉ nằng nặc cho con "thoát” VNEN, với một lý do là càng học càng dốt.
Tại Nghệ An, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP Vinh) được nhiều cấp quản lý giáo dục đánh giá cao về hiệu quả của mô hình VNEN. Đây là trường được chọn để thí điểm VNEN, được tài trợ từ dự án. Thế nhưng, vào năm học 2016-2017, hàng trăm phụ huynh liên tục tụ tập phản đối, yêu cầu bỏ VNEN, và rút cuộc, nhà trường đành phải trở về chương trình SGK truyền thống.
Mô hình học nhóm theo dự án VNEN. |
Tại Hà Tĩnh, trường Tiểu học Cẩm Quang là đơn vị duy nhất được chọn làm thí điểm, được dự án tài trợ, nhưng chất lượng giáo dục không được như mong muốn, nếu không nói là yếu kém. Vào năm học 2016-2017, khối 2 của trường này đã “tạm biệt” VNEN, trở về học SGK hiện hành. Lý do, được HĐND tỉnh Hà Tĩnh chỉ ra là, “trường không muốn thực hiện”.
Thứ hai, nghịch lý “Bộ chỉ đạo, cơ sở không nghe”. Tại các trường như Tiểu học Hưng Dũng, THCS Hưng Dũng, THCS Lê Lợi (TP Vinh-Nghệ An), đều có rất nhiều phụ huynh kiến nghị dừng VNEN, nhưng không được chấp nhận.
Mặc dù vào đầu năm học, Bộ GD – ĐT đã ban hành Công văn 4068, chỉ đạo triển khai VNEN trên cơ sở tự nguyện. Thế nhưng khi hầu hết phụ huynh kiến nghị bỏ VNEN, các nhà trường và các cấp quản lý giáo dục tại TP Vinh đều “phớt lờ”, không chịu giải quyết.
Vừa qua, Sở GD – ĐT Nghệ An tổ chức lấy ý kiến của các nhà trường, giáo viên về việc có đồng ý tiếp tục triển khai VNEN hay không, kết quả khảo sát ý kiến của giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn về việc triển khai thực hiện VNEN: 73 trường nằm trong dự án thì có 70 trường có trên 90% cán bộ, GV đề nghị tiếp tục mô hình VNEN (có 58 trường với 100% đồng ý). Chỉ có 3 trường có hơn 10% GV không đồng ý tiếp tục. Hơn 80% số trường được khảo sát đồng ý đăng ký áp dụng ít nhất một thành tố của VNEN.
Nhưng khi được hỏi, thì các trường đều trả lời phương thức lấy ý kiến là … giơ tay. Cách làm này rất khó bảo đảm tính khách quan, khi mà mỗi giáo viên đều mang trên mình rất nhiều… nỗi sợ. Sở GD – ĐT Nghệ An cũng “hồn nhiên” bỏ qua việc lấy ý kiến chủ thể của giáo dục và học sinh, và cha mẹ các em.
Thứ ba là nghịch lý “thí điểm đại trà”. Chương trình VNEN là chương trình thí điểm, điều này đã được in trên bìa tài liệu học tập của chương trình và mục tiêu của dự án. Thế nhưng, khi chưa có sự tổng kết, đánh giá, VNEN đã được triển khai ồ ạt trên 65 tỉnh thành, với hàng ngàn trường tiểu học, THCS, hàng trăm ngàn học sinh tham gia.
Tại Nghệ An, chương trình được “thí điểm” trên 73 trường tiểu học, và nhiều trường THCS. Sau khi hết dự án, không có thêm trường tiểu học nào nhân rộng VNEN toàn phần. Điều này cũng cho thấy tính chất, mức độ “thành công” của dự án.
Tại Hà Tĩnh, sau “thí điểm” một trường, Sở GD – ĐT chỉ đạo triển khai ồ ạt, thậm chí chuẩn bị triển khai đại trà. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu đình chỉ việc triển khai đại trà VNEN và yêu cầu kiểm điểm cán bộ Sở GD – ĐT.
Thứ tư là nghịch lý “Hồn truyền thống, da VNEN”, lúng túng , mâu thuẫn trong triển khai thực hiện, sau khi vấp phải phản ứng từ phụ huynh. Hiện, tại nhiều trường, các lớp học VNEN đã sắp xếp bàn theo hướng ngang, song song như chương trình hiện hành; việc hoạt động nhóm được tiến hành linh hoạt; thay vì kiểu tổ chức bàn học theo kiểu nhóm bàn tròn.
Tại huyện Anh Sơn (Nghệ An), bên cạnh việc điều chỉnh về sắp xếp bàn ghế (quay về như hiện hành), các trường cũng đã có nhiều điều chỉnh về nội dung dạy học, bảo đảm về mặt kiến thức, bài tập… “gần trùng với quỹ đạo chương trình truyền thống”.
Đây là một cách làm theo kiểu “cải lùi”, hoàn toàn trái ngược với nguyên lý, mô hình VNEN. Theo mô hình dự án VNEN, lớp học bố trí chỗ ngồi theo nhóm hình tròn (tương tự các mâm cỗ); và sử dụng tài liệu hướng dẫn học VNEN, chủ yếu HS tự học, tự khám phá theo hướng dẫn của GV.
Ngoài ra, những bất cập về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số… làm cho nhiều cơ sở giáo dục không muốn triển khai VNEN.
Cần quyết sách kịp thời
Học sinh trường THCS Chu Văn An (Hương Khê-Hà Tĩnh) vui mừng '"thoát" VNEN |
Qua hai kỳ họp HĐND, nhiều đại biểu tỉnh Nghệ An đã thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập, bức xúc từ thực tiễn triển khai VNEN, đề nghị xem xét nên tiếp tục hay dừng hẳn chương trình này. HĐND tỉnh Nghệ An cũng đã có chương trình giám sát về việc thực hiện VNEN.
Tại Hà Tĩnh, UBND tỉnh giao cơ quan chức năng lập hội đồng đánh giá toàn diện về VNEN, đề xuất UBND tỉnh quyết định sẽ triển khai tiếp hay đình chỉ chương trình.
Kết quả khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy: Về cán bộ quản lý các trường được khảo sát thì chỉ có 31/94 phiếu (32,97%) ủng hộ việc triển khai đại trà VNEN và 36/94 phiếu (38,29%) ủng hộ triển khai thí điểm ở một số trường thuận lợi. Về phụ huynh của những trường tham gia VNEN thì có đến 62/94 phiếu (65,96%) phản đối triển khai đại trà và 59/94 phiếu (62,77%) phản đối triển khai thí điểm.
Dù chưa có kết luận cuối cùng về VNEN, nhưng thực tế cho thấy việc triển khai chương trình này đã rất “vướng” về mặt pháp lý và khoa học giáo dục. Theo khoản 3, Điều 29, Luật Giáo dục 2005: “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông, duyệt SGK để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và SGK”.
Nghĩa là, chương trình, SGK phải được Hội đồng giáo dục quốc gia thẩm định, thông qua, sau đó mới được Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện thống nhất trên cả nước. Tuy nhiên, tài liệu hướng dẫn học VNEN, chưa qua quy trình nói trên đã được áp dụng ở phạm vi rất rộng.
Về mặt khoa học giáo dục, một chương trình thí điểm chỉ được tiến hành trên một số địa chỉ, ở diện hẹp, được đánh giá hết sức chặt chẽ, sau đó mới có quyết định triển khai đại trà. Còn đối với VNEN, một chương trình thí điểm nhưng đã “bỏ qua” bước thẩm định, đánh giá và được triển khai khá ồ ạt.
Đến nay, Hà Tĩnh đã quyết định đình chỉ triển khai đại trà VNEN, nhiều trường THCS đã chuyển sang chương trình truyền thống sau khi vấp phải sự phản đối của phụ huynh. Tại Nghệ An, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi đã dừng VNEN. Tuy nhiên, việc thay đổi này chỉ có tính chất cá biệt, nhỏ lẻ, theo kiểu “con khóc mẹ mới cho bú”, ở đâu phản đối, thì nhà quản lý cho dừng.
Còn nhiều trường khác, thì vẫn tiến hành bình thường. Như vậy, sẽ có rất nhiều học sinh có thể phải chịu rủi ro khi phải học một chương trình có tính chất thí điểm, chưa được kiểm định.
Đã đến lúc, các cơ quan quản lý giáo dục, HĐND, UBND các cấp cần tổ chức đánh giá, khảo sát toàn diện, khách quan về VNEN; tôn trọng ý kiến của học sinh, phụ huynh, giáo viên, để sớm có quyết sách về chương trình này.
Thiết nghĩ, không nên để tình trạng “tranh tối tranh sáng” này kéo dài, thế hệ tương lai sẽ phải chịu thiệt thòi. Điều này hoàn toàn hợp lệ, khi mà với Công văn 4068 ngày 18/8/2016, Bộ GD – ĐT đã trao quyền quyết định về “số phận” VNEN cho các địa phương.