Trong số những điểm sáng trên lĩnh vực thu hút đầu tư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh đến những kết quả tích cực trên cả 5 phương diện là số lượng dự án FDI tăng mạnh, đạt mức kỷ lục từ trước đến nay; vốn đăng ký đầu tư vượt mục tiêu đề ra; cơ cấu thu hút đầu tư chuyển dịch theo hướng tăng số lượng dự án và vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài; lĩnh vực đầu tư chuyển mạnh sang sản xuất công nghiệp; địa bàn thu hút đầu tư chủ yếu tập trung vào Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp - là động lực tăng trưởng của tỉnh.
Những năm trước đi dọc đường nối từ Quốc lộ 1A xuống Thị xã biển Cửa Lò (đoạn qua huyện Nghi Lộc) hay đường tránh Thành phố Vinh đoạn qua huyện Hưng Nguyên sẽ thấy đồng ruộng sản xuất nông nghiệp nằm san sát.
Tuy có ruộng nhưng cuộc sống của các hộ nông dân địa phương không mấy khấm khá, thiếu tính ổn định trên chính đồng ruộng của mình. Không phủ nhận phải đảm bảo an ninh lương thực và tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp, nhưng nhìn những cánh đồng và cuộc sống các hộ nông dân như vậy, nhiều người đặt câu hỏi biết đến bao giờ những vùng đất như vậy mới có được đổi thay.
Nhưng nay đã khác, đi dọc khu công nghiệp Nam Cấm hay Khu công nghiệp VSIP, WHA... sẽ thấy bộ mặt ở những vùng đất như vậy đang đổi khác rất nhiều.
Xác định tầm quan trọng của thu hút đầu tư, tỉnh Nghệ An đã có những chiến lược, tầm nhìn dài hơi cả trong việc quy hoạch; định hướng ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư; nỗ lực cải cách hành chính; đào tạo nguồn nhân lực...
Đơn cử như trong vấn đề quy hoạch, tỉnh trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 11 khu công nghiệp, hiện đang triển khai lập đề án mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam lên hơn 100.000 ha. Hay như trong việc chuẩn bị mặt bằng để thu hút các dự án đầu tư, tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư lớn, như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt đến để triển khai xây dựng thêm khu công nghiệp lớn, dự kiến đến năm 2025 đảm bảo có khoảng 1.500 ha đất, mặt bằng sạch để thu hút các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp quan trọng này.
Ngoài ra, tỉnh cũng thành lập các tổ công tác để đôn đốc, giải quyết các vướng mắc của các dự án đầu tư; giao các sở, ngành rà soát, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, các vấn đề được nhà đầu tư phản ánh, kiến nghị; lồng ghép các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh vào các chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành Trung ương và các hoạt động xúc tiến đầu tư với hoạt động ngoại giao, xúc tiến thương mại, du lịch.
Trong nhiều cuộc họp do Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức, lãnh đạo tỉnh luôn nhấn mạnh đến việc làm sao và giải pháp nào để thu hút hiệu quả các dự án đầu tư, không chạy theo số lượng dự án mà phải chú ý nhiều đến chất lượng và hiệu quả dự án đầu tư đem lại.
Hơn nữa, việc mời gọi, thu hút các dự án đầu tư và kể cả khi dự án đầu tư đã có mặt tại địa phương thì không phải mọi việc đều “thuận buồm, xuôi gió” mà trên thực tế vẫn nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, có cả những vướng mắc do cơ chế, chính sách và cả những khó khăn phát sinh mới. Tuy nhiên, những điều này luôn được lãnh đạo tỉnh Nghệ An đề ra chủ trương nhất quán là đồng hành để tìm giải pháp tháo gỡ, không bỏ rơi, bỏ mặc nhà đầu tư. Tại Nghệ An, “dấu ấn” của một số lãnh đạo tỉnh thể hiện khá rõ trong việc mời gọi, thu hút, “đem” được các dự án đầu tư có chất lượng, hiệu quả về với địa phương.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, thu hút đầu tư là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, phát triển các ngành kinh tế, thúc đẩy xuất nhập khẩu và đây cũng là nguồn lực để địa phương có điều kiện thực hiện các mục tiêu phát triển.
Với nhiều nỗ lực và bước đi thích hợp theo chân lý trồng cây có chăm bón, vun trồng, chăm sóc mới cho kết quả, đến nay Nghệ An đã đạt được những thành quả quan trọng trong thu hút đầu tư, "cây xanh" đã bắt đầu cho "hoa thơm, quả ngọt". Thực tế này càng đúng hơn trong bối cảnh một địa phương như Nghệ An không thuận lợi trên nhiều mặt do xa các trung tâm, cực tăng trưởng lớn của đất nước; giao thông không thuận tiện, hạ tầng chưa đồng bộ; thiên tai, khí hậu khắc nghiệt; trình độ, kỹ năng và nhiều tập tục cố hữu, lạc hậu bao đời nay ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm, có cả những tư tưởng bảo thủ, trồng chờ, ỷ lại...
UBND tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2023 Nghệ An thu hút được 15 dự án FDI và điều chỉnh vốn cho 10 dự án FDI; tổng số vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh là 1.298,07 triệu USD, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, như: Dự án nhà máy sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn Runergy PV Technology (440 triệu USD); dự án Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam (165 triệu USD); dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Thọ Lộc giai đoạn 1 (164,6 triệu USD); dự án đầu tư cơ sở mới Sunny Automotive Quang Học Vina (150 USD)...
Tuy đạt được nhiều kết quả trong thu hút đầu tư, nhưng hiện nay tỉnh Nghệ An cũng đang gặp những khó khăn, hạn chế. Đó là trên địa bàn tỉnh quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư còn mất nhiều thời gian, một số dự án quy mô lớn dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2023 nhưng chậm tiến độ, chưa hoàn thành theo kế hoạch, đơn cử như dự án sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Juteng; các dự án may An Hưng 2, may NAGACO, dự án Nhà máy sản xuất và gia công giày dép Huali, gỗ MDF Nghệ An...
Mặt khác, tại địa phương, việc giám sát, đôn đốc và hỗ trợ triển khai dự án sau cấp phép đầu tư chưa thực sự hiệu quả; một số dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm so với tiến độ đã đăng ký dẫn đến phải gia hạn tiến độ hoặc chấm dứt hoạt động dự án; phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết thủ tục hành chính, hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư còn thiếu tính chủ động, còn kéo dài về mặt thời gian.
Đây rõ ràng đang là những lực cản, “điểm yếu” ảnh hưởng đến thu hút đầu tư mà năm 2024 tỉnh sẽ tập trung giải pháp để tháo gỡ; trong đó, có việc thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư đa dạng bằng nhiều phương thức nhưng bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, tổ chức, đối tác trong và ngoài nước, các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các nhà đầu tư hiện hữu trên địa bàn tỉnh để quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của tỉnh.
Cùng với đó tỉnh đẩy mạnh hoạt động kết nối đầu tư với các nhà đầu tư từ thị trường truyền thống đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc)... Đồng thời mở rộng thu hút các đối tác tiềm năng của Hoa Kỳ, châu Âu; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ từ các tham tán đầu tư của Việt Nam tại nước ngoài, tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại, các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đóng tại Việt Nam.
Mặt khác, tỉnh cũng tập trung hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An; hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp Thọ Lộc giai đoạn 1 (500 ha), Hoàng Mai II (334,79 ha); thành lập mới các khu công nghiệp để sẵn sàng quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư...