Dòng vốn ngoại từ Trung Quốc đang chảy đều về các tỉnh

Trung Quốc đang đứng thứ 4/110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với gần 4 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, dòng vốn từ Trung Quốc đã và đang liên tục đổ về các địa phương như Bắc Giang, Thái Bình, Quảng Ninh, Nghệ An...

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/11, vốn thực hiện của các dự án FDI trên cả nước đạt 20,25 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 5 năm trở lại đây (2018 - 2023). 

11 tháng qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Tổng cộng có 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Trong đó, xét về tổng vốn đầu tư, Trung Quốc đứng thứ 4 với gần 4 tỷ USD. Về số dự án, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,1%). Ngoài ra, Hong Kong và Đài Loan cũng có dòng vốn ngoại lớn đổ vào Việt Nam, lần lượt đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 6 trong số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Trước đó, tính đến hết quý III, Trung Quốc cũng nằm trong nhóm dẫn đầu cơ cấu đầu tư khi về ngôi á quân với 2,92 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư của cả nước (chỉ xếp sau Singapore). 

 Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam (Nguồn: VnExpress).

Thời gian qua, nhiều địa phương trên cả nước đã lần lượt đón nhận dòng vốn ngoại từ Trung Quốc đổ về, chủ yếu tập trung tại một số tỉnh ven biển, thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa hai nước.

Khu vực phía bắc có vị trí địa lý giáp Trung Quốc, do đó, phần nào giúp gia tăng cơ hội phát huy lợi thế hút vốn ngoại từ quốc gia này. 

Tại Hà Nội, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết Trung Quốc đứng thứ 2 trong các quốc gia lớn đầu tư tại địa phương. Cụ thể, thu hút vốn FDI của Trung Quốc vào thành phố từ năm 1986 đến nay đạt trên 11,3 tỷ USD. 10 tháng năm 2023, Hà Nội thu hút 29,6 triệu USD vốn FDI từ Trung Quốc.

Tại Bắc Ninh, hiện có hơn 400 dự án đến từ Trung Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 900 triệu USD. Trong đó, tại các khu công nghiệp (KCN) tập trung có gần 170 dự án đến từ Trung Quốc với tổng số vốn đạt hơn 700 triệu USD.  

Vừa qua, vào ngày 12/12, Ban Quản lý các KCN tỉnh vừa có buổi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp Hehehui (Trung Quốc) đến khảo sát môi trường đầu tư, kinh doanh. Trước đó, trong tháng 10, một số doanh nghiệp thuộc hiệp hội cũng đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh.

Trong tháng 11, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần thứ 10 cho dự án thành lập Công ty TNHH Luxshare- ICT Việt Nam.

Doanh nghiệp Trung Quốc này đã tăng thêm 330 triệu USD để mở rộng sản xuất. Dự án được thực hiện tại KCN Quang Châu (Việt Yên), trên diện tích đất hơn 291.200 m2. Tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh là 504 triệu USD.  

Với số vốn đầu tư tăng thêm, đây là doanh nghiệp nước ngoài có vốn điều chỉnh tăng lớn thứ 2 tại Bắc Giang trong 11 tháng năm 2023. Đứng đầu là Công ty TNHH JA Solar Việt Nam có số vốn tăng thêm 378 triệu USD và đây cũng là một doanh nghiệp Trung Quốc, thuộc Tập đoàn JA Solar. 

Tại Hải Phòng, cuối tháng 9, thành phố đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho loạt dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 1,4 tỷ USD. Qua đó, đưa tổng vốn FDI của thành phố từ đầu năm đến nay lên khoảng 3 tỷ USD, dẫn đầu cả nước lúc này.

Trong đó, có nhiều dự án đến từ nhà đầu tư Trung Quốc như dự án 40 triệu USD của nhà đầu tư CCTY Bearing Company; dự án 30 triệu USD của Ningbo Huaping Intelligent Control Technology; dự án 19,5 triệu USD của Yibin Tianyi New Material Technology; dự án 15 triệu USD của Daimay Investment (Hong Kong),... 

Ảnh minh họa: Cổng tin tức TP Hải Phòng.

Tại Thái Bình, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tính đến cuối tháng 11, Đài Loan đứng đầu về số lượng dự án FDI. Còn nếu tính theo quy mô vốn đầu tư, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc) là 2 cái tên dẫn đầu. 

Trước đó, vào đầu tháng 11, Tập đoàn Geleximco đã bắt tay Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) ký hợp đồng hợp tác đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại KCN Hưng Phú trong Khu Kinh tế Thái Bình. Ước tính tổng vốn đầu tư cho 3 giai đoạn của dự án khoảng 800 triệu USD.  

Tính hết tháng 11, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu cả nước với tổng vốn FDI đạt trên 3,11 tỷ USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; tăng 42,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 dự án FDI với gần 3,1 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn 3 dự án với số vốn tăng thêm 28,8 triệu USD. Riêng đối với các dự án thu hút mới, Hồng Kông và Đài Loan (Trung Quốc) dẫn đầu về tổng vốn đầu tư.

Trước đó, vào cuối tháng 10, tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án có tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD cho Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam, thuộc tập đoàn Jinko Solar Holding đến từ Trung Quốc. 

Tại Hưng Yên, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 3 quý đầu năm 2023, tỉnh này đứng thứ 10 cả nước về thu hút FDI với gần 700 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ và gần bằng thu hút FDI cả năm 2022 (747 triệu USD). 

Toàn tỉnh có 533 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 6,7 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc là một trong 3 quốc gia có số lượng dự án nhiều nhất, cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Đầu tháng 11, Hải Dương đã thông qua chủ trương về hai dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc. Đó là dự án của Tập đoàn Deli với tổng mức đầu tư đăng ký 270 triệu USD và dự án của công ty con thuộc Tập đoàn BoWay với tổng vốn khoảng 120 triệu USD.

Ở khu vực miền Trung, Nghệ An hiện có 132 dự án của các nhà đầu tư đến từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ, chủ yếu thuộc khu vực Đông Bắc Á và ASEAN. Tổng số vốn đăng ký đạt trên 4 tỷ USD.  

Trong đó, nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Hồng Kông và Trung Quốc đứng đầu về số dự án và vốn đầu tư; với 53 dự án có tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 2,7 tỷ USD (chiếm gần 40% về số lượng dự án và 67,5% tổng vốn đăng ký đầu tư). 

Ngày 6/12, Công ty TNHH Công nghệ Qtech (Trung Quốc) đã về địa phương khảo sát địa điểm và tìm hiểu môi trường đầu tư tại các KCN. Dự án mà doanh nghiệp này đang tìm hiểu tại Nghệ An có diện tích 10 - 15 ha đất, tổng vốn đầu tư 430 triệu USD. 

Một KCN ở Nghệ An (Ảnh minh họa: Hoàng Huy).  

Ở khu vực phía Nam, Tây Ninh có hơn 350 dự án FDI với vốn đầu tư trên 9 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là quốc gia có tổng vốn nhiều với gần 5 tỷ USD và 75 dự án đang hoạt động. Cuối tháng 1 vừa qua 1, tỉnh vừa tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư Ninh Ba - Tây Ninh, qua đó kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm, tìm hiểu đầu tư tại KCN Phước Đông.    

Tại Đồng Nai, Ban Quản lý các KCN tỉnh thông tin, 10 tháng đầu năm thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN đạt 146,2% kế hoạch năm 2023 (700 triệu USD). Địa phương này có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động đầu tư tại các KCN với 1.440 dự án, tổng vốn đầu tư 29,5 tỷ USD.

Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) là một trong 3 quốc gia/vùng lãnh thổ đứng đầu với 245 dự án có tổng vốn đầu tư 5,48 tỷ USD.

Tính riêng 3 quý đầu năm, Đồng Nai đã cấp mới gần 50 dự án FDI; trong đó có 17 dự án vốn đầu tư từ Trung Quốc với tổng vốn gần 150 triệu USD. Theo Trưởng Ban Quản lý KCN Đồng Nai, điểm nổi bật trong thu hút FDI của tỉnh là có nhiều doanh nghiệp đầu tư từ Trung Quốc đã chuyển một phần vốn sang Việt Nam...

Các doanh nghiệp Trung Quốc mỗi năm đầu tư ra nước ngoài hàng trăm tỷ USD, song lượng vốn FDI vào Việt Nam vẫn chưa đáng kể. Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Việt Nam và hai nước đã ký 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Sự kiện lần này được kỳ vọng sẽ khơi thông dòng vốn FDI của Trung Quốc đổ vào Việt Nam trong thời gian tới. Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, dự báo vốn FDI từ Trung Quốc sẽ tốt hơn nữa trong giai đoạn 2024 - 2025.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.