Tại Diễn đàn Bất động sản Du lịch 2019 với chủ đề Triển vọng thị trường và Thách thức nguồn nhân lực, vừa diễn ra tại TP HCM, tuy condotel không phải là nội dung chính thảo luận, nhưng các chuyên gia trong và ngoài nước đã dành nhiều thời gian cho mô hình "con lai" này.
"Từ năm 2014 đến nay, khi du lịch tăng trưởng mạnh thì việc đầu tư bất động sản du lịch cũng lên cơn sốt. Các dự án bất động sản du lịch đã được mở bán tại các thành phố lớn. Trong đó, Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc là ba địa bàn đang phát triển rất mạnh. Điều này cho thấy sự tăng trưởng của du lịch đã tạo sức hấp dẫn cho các kênh đầu tư vào bất động sản du lịch", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết.
Theo chuyên gia nước ngoài, Việt Nam đang đánh giá quá cao condotel, vượt mức giá trị thực của nó.
Các dự án condotel cũng mọc lên nhiều nhất tại những thành phố trọng điểm về du lịch, nghỉ dưỡng này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tình hình chung là nhiều dự án đang bị đóng băng.
Theo Phó Chủ tịch cấp cao JLL Hotels & Hospitality Group - ông Adam Bury, mô hình bất động sản condotel tuy từng phát triển mạnh ở nước ngoài từ nhiều năm trước, gần đây mới du nhập vào Việt Nam.
Tuy nhiên, ông cho hay hiện condotel tại các nước đã không còn lớn mạnh nữa. Ngay cả nước láng giềng là Thái Lan từng phát triển bất động sản condotel phục vụ du lịch từ 5-10 năm trước, nhưng hiện không phải là một miếng bánh "dễ ăn".
"Tại Việt Nam, vừa ra khỏi sân bay Cam Ranh, các dự án condotel hiện đang bị đóng băng, tắc nhà đầu tư, xây dựng dự án lại không đảm bảo. Trong khi đó, thậm chí những dự án từ 1.000-2.000 phòng cũng đóng băng", ông Adam Bury, nói.
Cùng quan điểm này, ông Kai Marcus Schroter - CEO Hospital Tourism Management, cho rằng dường như mô hình condotel đã được đánh giá quá cao tại Việt Nam, trên mức hấp dẫn thực sự mà nó mang lại.
"Toàn thế giới, không ở đâu có chuyện tỉ suất lợi nhuận của các dự án condotel được cam kết từ 10-15% như ở Việt Nam. Để duy trì được ở mức 10% là điều không hề dễ dàng. Tôi nghĩ các cam kết này thực chất nhằm mục đích quảng cáo chứ không khả thi", ông Kai Marcus Schroter, thẳng thắn nói.
Ông Kai Marcus Schroter - CEO Hospital Tourism Management, cho rằng cam kết lợi nhuận cho condotel tại Việt Nam từ 10-15% là cao nhất thế giới.
Ông nói các chủ đầu tư đang nghĩ quá đơn giản khi xem condotel chỉ phục vụ việc lưu trú. Đó chỉ là bản chất, thực tế, có thu hút và duy trì trong thời gian dài được hay không còn phụ thuộc vào các tiện ích khác đi kèm ở vùng lân cận.
"Tính hiệu quả của condotel phải được duy trì, sau hàng chục năm, khách du lịch vẫn phải muốn quay lại để ở và condotel phải phục vụ được đến cả thời điểm đó. Tại Việt Nam, theo tôi thấy ít khách du lịch nào muốn quay lại Nha Trang, Phú Quốc bởi thực sự chưa có nhiều điểm đến và cả tiện ích khiến họ quay lại", CEO Hospital Tourism Management, nói.
Trước đó không lâu, tại một hội nghị về bất động sản, CEO DKRA Việt Nam Phạm Lâm cũng cho biết, condotel dường như đang là "game" của các chủ đầu tư, khi đua nhau cam kết tỉ suất lợi nhuận 10-15%. Thậm chí để thu hút, các chủ đầu tư cũng không ngần ngại nhìn sang đối thủ để đưa ra cam kết lợi nhuận hấp dẫn hơn.
"Một chủ đầu tư tiết lộ với tôi rằng trên thị trường ai cũng cam kết lợi nhuận nếu mình đầu tư bài bản, chắc chắn, nên không cam kết lợi nhuận thì lại lo sợ, nên nhiều khi phải điều chỉnh theo", CEO Phạm Lâm nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, đây là một "game" không dễ chơi. Bởi nếu không chuyên nghiệp, bền vững và có kế hoạch kinh doanh không chắc chắn sẽ dễ "game over".
Trong khi các chuyên gia lên tiếng cảnh báo về condotel thì những người làm chính sách cũng thận trọng với mô hình bất động sản mới này.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết condotel bắt đầu xuất hiện với khái niệm về mô hình "lai" giữa căn hộ và nghỉ dưỡng, nhưng hiện đã phát triển mạnh tại thị trường bất động sản du lịch Việt Nam. Chỉ sau hai năm, mô hình này đã có mặt tại nhiều địa phương mạnh về du lịch nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng quá trình xây dựng chính sách cho condotel là "trên nóng - dưới lạnh".
Tuy nhiên, trong hai năm đó, chính sách, quy định cho condotel vẫn không có gì thay đổi. Ông Nam cho rằng về tinh thần, các Bộ ngành đều đồng ý cho phát triển condotel nhưng vai trò cụ thể của từng bên thì không xác định được, do "ai cũng giao người kia".
"Tình hình là ở trên vẫn rất nóng nhưng bên dưới lại rất lạnh". Ông Nam nói và cho biết gần đây Thủ tướng vừa có quyết định về việc hối thúc các chính sách liên quan condotel, nhưng khi chính ông hỏi về một Bộ được giao thì đại diện Bộ cho hay vẫn chưa nhận được thông tin.
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2018 có hơn 15,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 20% so với năm 2017. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam hiện này được xem là tăng trưởng mạnh.
Ngoài khách du khách quốc tế, năm 2018, ngành du lịch trong nước cũng đón nhận khoảng 80 triệu lượt khách nội địa, đưa tổng doanh thu từ du lịch mang lại đạt khoảng 620.000 tỉ đồng, đóng góp trên 8% vào GDP toàn ngành kinh tế.
Ngành du lịch phát triển, doanh thu từ du lịch mang lại ngày càng nhiều là điều kiện phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng condotel. Tuy nhiên, việc phát triển condotel tại Việt Nam được khuyến cáo phải hết sức thận trọng, đặc biệt là vấn đề cam kết lợi nhuận phải phù hợp