Chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản nói về lý do rời bỏ TP HCM

Trước thực tế các doanh nghiệp BĐS rời bỏ TP HCM để tìm đến những vùng đất mới, hầu hết các chuyên gia đều ủng hộ vì các chủ đầu tư phải tìm cách tồn tại và phát triển. Theo dự báo của các chuyên gia, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong tương lai, đặc biệt ở những thị trường Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,…
Chuyên gia và doanh nghiệp BĐS nói về lý do rời bỏ TP HCM - Ảnh 1.

TP HCM với sự khan hiếm về nguồn cung và khó khăn về pháp lý nên các chủ đầu tư có sự dịch chuyển ra những thị trường vùng ven. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư).

Kể từ khi thị trường bất động sản (BĐS) TP HCM chững lại vì nhiều nguyên nhân, trong đó vấn đề trọng yếu ở pháp lý, các chủ đầu tư đã tìm đến những địa điểm mưa thuận gió hòa hơn ở thị trường lân cận, thậm chí nhiều doanh nghiệp sẵn sàng theo đuổi chiến lược đánh bắt xa bờ.

Theo dự báo của các chuyên gia, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong tương lai, đặc biệt ở những thị trường Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,…

Tại Hội thảo Bắt mạch dòng tiền vào Bất động sản 2021 diễn ra sáng ngày 18/12, đại diện một doanh nghiệp BĐS đặt vấn đề "các doanh nghiệp bỏ TP HCM đi hết rồi thì ai sẽ phát triển thị trường TP HCM?"

Ở khía cạnh người quan sát thị trường, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE, cho rằng đây là xu hướng không mới. Những năm trước, TP HCM phát triển mạnh do nguồn cung và hạ tầng phát triển. Còn những thị trường lân cận như Đồng Nai, Long An,… hơi mờ nhạt.

Hiện nay, TP HCM với sự khan hiếm về nguồn cung và khó khăn về pháp lý nên các chủ đầu tư có sự dịch chuyển. Theo đó, nơi nào có quỹ đất tốt, nhu cầu khách hàng có, có khả năng bán hàng thì chủ đầu tư sẽ đầu tư vào.

"Đây là bức tranh chúng ta thấy ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Phú Quốc, Lâm Đồng,… Bản thân các chủ đầu tư đã chạy rất nhiều để tìm được quỹ đất. Trong bối cảnh thị trường TP HCM đang khó khăn, các chủ đầu tư phải tìm cách tồn tại và phát triển", ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt nhận định.

Đại diện CBRE cũng chia sẻ thêm, TP HCM vẫn còn tiềm năng phát triển BĐS bởi nhu cầu nhà ở của người dân vẫn rất cao. Khi các yếu tố về pháp lý ở thị trường này được tháo gỡ, các nhà đầu tư sẽ tự động quay lại thị trường.

Còn theo quan điểm của TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam, tùy theo sản phẩm và chiến lược, doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm mưa thuận gió hòa về pháp lý làm nhanh nhất. Đó là lý do vì sao các nhà phát triển trong nước đi tỉnh tìm cơ hội.

TS. Sử Ngọc Khương chỉ ra một khó khăn điển hình, doanh nghiệp muốn làm dự án ở TP HCM thì thời gian từ chấp thuận chủ trương đến ra được 1/500 mất 2 - 3 năm. Sau đó, doanh nghiệp phải mất thêm 6 tháng để xác định nghĩa vụ tài chính, thậm chí thời gian thực tế kéo dài hơn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) cho rằng việc dịch chuyển ra thị trường ra vùng ven là một chiến lược linh hoạt của doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn.

Ông Vũ chia sẻ, Phát Đạt đã tìm đến những thị trường mới như Quy Nhơn, Bình Định,… bởi ngoài phát triển về hạ tầng, những nơi này còn phát triển cả về kinh tế và du lịch.

Tương tự, đại diện Hưng Thịnh Land đánh giá doanh nghiệp phát triển ở các tỉnh thành khác có chiến lược linh hoạt.

"Hưng Thịnh cũng buộc phải linh hoạt ở những nơi khác để phát triển đội ngũ, duy trì kinh doanh của mình. Chúng tôi phải tạm hoãn một số hoạt động kinh doanh để nghiên cứu, thay đổi chiến lược.

Thực tế, một số thị trường như Lâm Đồng, Bình Định, Quy Nhơn, tuy cơ sở hạ tầng phát triển chưa hoàn chỉnh như chúng ta mong muốn nhưng vẫn phát triển khá tốt trong những năm qua", ông Nguyễn Thế Nhiên, Phó Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH Fulbright Việt Nam, cũng thẳng thắn nêu quan điểm: "Tôi ủng hộ doanh nghiệp và người dân, chỗ nào khó tôi bỏ đi, chỗ nào dễ tôi đến. Nhìn ở góc độ tích cực, điều này tạo áp lực cho chính quyền địa phương cần có sự thay đổi cho thời kỳ mới."

Theo các chuyên gia, trong 5 năm tới, nếu phát triển hạ tầng làm tốt sẽ là cú huých thúc đẩy phát triển đầu tư công nghiệp, du lịch và đô thị hóa mạnh mẽ ở các thị trường vệ tinh như Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng,…

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030
Nam Định được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng. Cùng điểm qua những thông tin nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.