Chuyển giao 5 Tổng Công ty về SCIC

Chiều 31/8, Bộ Xây dựng và Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức Lễ chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 4 Tổng Công ty.

Theo Cổng thông tin Bộ Xây dựng, 4 Tổng Công ty từ Bộ Xây dựng sang Tổng Công ty SCIC gồm: Sông Đà, Vật liệu xây dựng số 1 (FiCO), Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN), Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC). 

Theo Biên bản chuyển giao được kí kết, giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại các doanh nghiệp từ Bộ Xây dựng được chuyển giao về SCIC lần này là 5.876.834.600.000 đồng, trong đó: Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam-CTCP là 312.377.480.000 đồng, chiếm 87,32% vốn điều lệ; Tổng Công ty Sông Đà-CTCP là 4.485.961.120.000 đồng, chiếm 99,79% vốn điều lệ của doanh nghiệp; Tổng Công ty Vật liệu xây dựng số 1-CTCP là 509.001.000.000 đồng, chiếm 40,08% vốn điều lệ; Tổng Công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam-CTCP là 569.495.000.000 đồng, chiếm 98,16% vốn điều lệ.

Chuyển giao 5 Tổng công ty về SCIC - Ảnh 1.

(Ảnh: Cổng thông tin Bộ Xây dựng)

Việc chuyển giao vốn nhà nước tại 04 Tổng Công ty này có ý nghĩa quan trọng, thực hiện theo Quyết định 908/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn và chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước trong năm 2020.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thực hiện chủ trương chung của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, hiện các công việc liên quan giữa Bộ Xây dựng và SCIC đã được làm rõ trên tinh thần đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định hiện hành.

Các Tổng Công ty chuyển giao lần này đều là các Tổng Công ty có lịch sử và bề dày gắn bó với Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh bày tỏ mong muốn, dưới sự quản lý phần vốn nhà nước của SCIC, các Tổng Công ty sẽ hoạt động tốt hơn, đáp ứng được định hướng của Nhà nước và doanh nghiệp, gia tăng giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu, Tổng Công ty Sông Đà tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ năm 1961. Ngày 26/3/2018, Tổng Công ty Sông Đà đã chính thức chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp nhà nước sang mô hình công ty cổ phần: Tổng Công ty Sông Đà - CTCP, Tổng Công ty tiếp tục định hướng tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng các nhà máy điện, cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà máy công nghiệp, công trình dân dụng; chế tạo và cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng; cung cấp dịch vụ nhân lực, công nghệ xây dựng, kinh doanh bất động sản. Tổng Công ty Sông Đà-CTCP là nhà thầu chính của hầu hết các dự án thủy điện tại Việt Nam với tổng tài sản 30.000 tỉ đồng;  Vốn chủ sở hữu 7.537 tỉ đồng. 

Tổng Công ty FICO trực thuộc Bộ Xây dựng, được thành lập từ năm 1976. Tổng Công ty FiCO có tổng số 8 đơn vị thành viên và 2.189 CB CNV. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là: Sản xuất vật liệu xây dựng cơ bản như gạch, ngói XD, gạch Block, gạch ceramic, gạch ốp lát, cao lanh, sứ vệ sinh; Xây lắp các công trình dân dụng và công nghiệp; Kinh doanh vật tư phục vụ sản xuất VLXD; Khai thác và chế biến khoáng sản.

Tổng Công ty VIWASEEN là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con với 23 đơn vị thành viên là các công ty cổ phần hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cấp thoát nước và môi trường. 

Trước đó, ngày 28/8/2020, Bộ Công thương và Tổng công ty SCIC đã tổ chức lễ bàn giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) về SCIC.

Theo biên bản bàn giao được kí kết, giá trị vốn đầu tư của nhà nước tại Sabeco chuyển giao về SCIC là 2.308.765.470.000 đồng, chiếm 36% vốn điều lệ của Sabeco. Số cổ phần Nhà nước nắm giữ là 230.876.547 cổ phần.

Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) - tiền thân là nhà máy bia Chợ Lớn thuộc hãng bia B.G.I. Sabeco được thành lập ngày 06/05/2003 trên cơ sở Công ty Bia Sài Sòn và tiếp nhận các thành viên mới: Công ty Rượu Bình Tây; Công ty Nước giải khát Chương Dương; Nhà máy Thủy tinh Phú Thọ; Công ty Thương mại Dịch vụ Bia Rượu nước giải khát Sài Gòn.

Ngành nghề kinh doanh chính của Sabeco là sản xuất đồ uống; sản xuất, chế biến thực phẩm; mua bán các loại bia, cồn – rượu, nước giải khát, các loại bao bì, nhãn hiệu cho ngành bia, rượu, nước giải khát và lương thực thực phẩm...

chọn
Cầu vượt thép Mai Dịch chờ thông xe
Cầu vượt thép Mai Dịch nằm trên nút giao Vành đai 3 - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã hoàn thành, không còn hoạt động thi công từ lâu nhưng chưa thông xe.