Troh Bư – thung lũng cá lóc
Ông Hưng bên vườn lan tại vườn Troh Bư. Ảnh: Trang Anh |
Vườn Troh Bư ngụ buôn Niêng 3 (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) được nhiều người biết đến với một truyền thuyết thú vị. Theo đó, Troh Bư theo tiếng Ê Đê là thung lũng cá lóc.
Thuở xa xưa, người dân của một khu làng nọ phải chịu cảnh khô hạn kéo dài triền miên, đất đai nứt nẻ không có cây cối nào có thể mọc được.
Người dân trong làng phải vào tận những cánh rừng sâu để tìm nước uống, thức ăn. Nhưng chỉ được thời gian ngắn, nguồn thức ăn lại cạn kiệt, khiến cuộc sống của bà con như đứng trên bờ vực thẳm.
Nhận thấy không thể tiếp tục sinh sống tại đây, người dân đã bàn nhau thu dọn đồ đạc để đi tìm kiếm vùng đất mới.
Sau nhiều ngày trèo đèo, lội suối, băng qua những cánh rừng với vô vàn hiểm nguy, người dân bắt đầu kiệt sức bởi đói và khát.
Những giò lan rừng bám trên cây. Ảnh: Trang Anh |
Dừng chân nghỉ qua đêm ở một quả đồi, đến sang thức dậy ai nấy đều ngỡ ngàng bởi trước mắt là một vùng đất màu mỡ, cây cối tốt tươi.
Đưa tay hứng nước suối uống, mọi người phát hiện ẩn nấp sau những tảng đá là vô số cá lóc. Người dân trong làng bắt đầu gọi nhau ra be bờ bắt cá. Ngạc nhiên thay, cá bắt mãi, bắt mãi mà chẳng hết.
Mọi người tỏ vẻ phấn khởi nhận thấy rằng, đây chính là mảnh đất phù hợp để họ xây dựng buôn làng mới và cùng nhau sinh sống.
Từ đó, người dân đặt tên cho buôn mới là Buôn Niêng và gọi dòng suối chảy qua làng là suối Ea Nuôl, còn thung lũng đầy cá lóc suối đã nuôi sống dân làng khi mới đến là Troh Bư.
Troh Bư đạt ba kỉ lục Việt Nam
Dàn chiêng đá cổ xưa nguyên bản nhiều thanh nhất. Ảnh: Trang Anh |
Hiện nay, chủ khu vườn này là ông Đỗ Tuấn Hưng (SN 1972, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Ông Hưng cho hay, vào năm 1995, khu vườn được thành lập với mục đích ban đầu là vườn thực vật vùng Tây Nguyên - Việt Nam.
Đến đầu năm 2013, vườn bắt đầu được xây dựng thành Khu bảo tồn các loài lan rừng tự nhiên Việt Nam vùng Tây nguyên.
Với diện tích 5ha, vườn Troh Bư hiện nay đang bảo tồn tự nhiên và bán hoang dã trên 200 loài lan với hơn 10.000 giò lan rừng các loại được trồng vào các thân cây sống.
Những loại lan trên được ông Hưng sưu tập, mua lại từ khắp mọi nơi trên mảnh đất Tây Nguyên nắng gió.
“Khoảng thời gian đầu, do không có kiến thức sâu rộng về lan và cách chăm sóc nên nhiều giò lan bị chết. Sau đó, tôi bắt đầu đi học hỏi từ những người nhiều năm nghiên cứu về loại cây này nên giờ mới có vườn lan đủ chủng loại, màu sắc”, ông Hưng tâm sự.
Theo ông Hưng, trong 200 loài lan mà ông đang sở hữu thì có rất nhiều loại quý hiếm như: Thủy tiên, Quế lan hương, Nghinh xuân, Giả hạc, Phượng vĩ, Hồng nhạn, Lan sậy… Đây đều là những giống lan quý đang bị đe dọa.
Thuyền độc mộc được công nhận kỉ lục Việt Nam. Ảnh: Trang Anh |
Bên cạnh bộ sưu tập lan rừng, vườn Troh Bư còn đang sở hữu chiếc thuyền độc mộc với chiều dài 9m, rộng hơn 1,7m. Chiếc thuyền này do một nghệ nhân ở Buôn Đôn chế tác từ một cây cổ thụ nguyên khối, sau đó nhượng lại cho chủ nhân khu vườn.
Ngoài ra, tại đây còn có bộ chiêng đá cổ xưa 23 thanh, khoảng 10 triệu năm tuổi, khi diễn tấu được cho là rất lạ rất độc đáo.
Vào ngày 6/5/2017, vườn Troh Bư - Buôn Đôn đã được tổ chức Kỉ lục Việt Nam xác lập và trao ba Giấy chứng nhận Kỉ lục Việt Nam cho: Bộ sưu tập lan rừng tự nhiên lớn nhất, thuyền độc mộc bằng gỗ sao lớn nhất và dàn chiêng đá cổ xưa nguyên bản nhiều thanh nhất.
Đắk Lắk: Phát hiện xe tải vận chuyển 70 cây gỗ giáng hương Công an tỉnh Đắk Lắk vừa phát hiện, bắt giữ một xe tải vận chuyển 70 cây gỗ giáng hương quý hiếm trên địa bàn. |
Đắk Lắk: Rừng bị phá tan hoang, chính quyền không hề biết? Sau khi được giao quản lý đất rừng tại tiểu khu 293, người dân ồ ạt vào phá rừng mà không có bất cứ sự ... |