Chuyện làng đúc đồng trăm năm 'hồi sinh' vào những ngày giáp Tết

Dù trải qua bao thăng trầm, làng đúc đồng An Hội luôn đỏ lửa và vẫn còn rất nhiều những nghệ nhân quyết tâm bám nghề để giữ gìn truyền thống cha ông.
 

Vang danh một thời

chuyen lang duc dong tram nam hoi sinh vao nhung ngay cuoi nam
Làng đúc đồng An Hội đang tất bật hàng hóa cung cấp cho thị trường Tết Đinh Dậu.

Thời hưng thịnh nhất, ở An Hội có hơn 40 lò đúc, đi đâu cũng thấy người lớn, trẻ nhỏ, đàn bà… tất bật với nghề. Riêng dịp Tết đến, các lò đúc nổi lửa ngày đêm, người tứ phương về đây đặt hàng, lấy hàng nhộn nhịp cả vùng. Đó là chưa kể không biết bao nhiêu lớp thợ từ miền Trung, Nam đến An Hội học nghề và trở về địa phương mở lò đúc nên danh tiếng đúc đồng An Hội nhanh chóng lan xa.

Sản phẩm của làng ngày đó thường là chảo đồng, ô đồng, bộ đồ thờ (lư, chân đèn, lư hương, cặp hạt…), bình hoa, đồ tam khí, siêu đao… Tuy nhiên, theo thời gian, các lò đúc lần lược đóng cửa vì nhiều lý do. Không khí sôi nổi một thời ở An Hội dường như mất hẳn, cả làng chỉ còn một vài hộ nổi lửa cầm chừng.

“Thời điểm đó, nguyên liệu trở nên khan hiếm, người dân cũng không dư giả để chơi đồ đồng nên nhiều người trong làng bỏ nghề kiếm việc khác sinh sống. Nhiều chủ lò quyết giữ nghề phải lên tận Biên Hòa mua đồng nát để có nguyên liệu nhưng cũng vô cùng khó khăn”, nghệ nhân Trần Văn Thắng (Hai Thắng) đã có gần 50 năm trong nghề kể với giọng trầm buồn.

chuyen lang duc dong tram nam hoi sinh vao nhung ngay cuoi nam
Cánh thợ hàn đang hoàn thiện những khâu cuối cùng của lư đồng.

Ngoài những lý do trên, một nguyên nhân khác dẫn đến nhiều hộ bỏ nghề là vì nghề đúc đồng rất cực và là một trong những nghề thuộc loại siêu chôn vốn. Nói như dân trong nghề thì làm một năm – bán một tháng (tháng 11 Âm lịch) nên hàng hóa cứ chất hết tháng này qua tháng nọ, đó là chưa kể tiền công thợ, nguyên liệu, nhiên liệu… nên nhưng người vốn ít không thể trụ nổi.

Hiện nay, ở An Hội chỉ còn đúng năm lò đúc của Hai Thắng, Ba Cồ, Sáu Bảnh, Năm Toàn và Út Kiểng, đây đều là hậu duệ của ông Trần Văn Kỉnh - ông tổ của làng. Trong đó ông Hai Thắng, Sáu Bảnh và Út Kiểng là anh em ruột, những người còn lại đều là bà con.

Đây là những cơ sở trong buổi khó khăn vẫn kiên quyết bám nghề vì không chỉ coi việc đúc đồng để kiếm sống mà còn là truyền thống của tổ tiên. Chính vì thế, các cơ sở này không còn sản xuất đại trà mà tập trung vào ưu điểm của mình là làm đồ thờ cúng. Và cũng chính những món hàng tinh xảo đã giúp họ duy trì làng nghề và phát triển mạnh cho đến thời điểm này.

Rộn ràng Xuân về

chuyen lang duc dong tram nam hoi sinh vao nhung ngay cuoi nam
Ở làng, mỗi người giữ một khâu riêng để làm thành lư hương, chân đèn.

Các lò đúc ở An Hội hiện chỉ sản xuất hai loại lư, lư Bắc có dáng tròn trĩnh hoặc bầu dẹp, lư Nam dáng vuông. Dù là loại Bắc hay Nam, một bộ lư đồng đầy đủ gồm có một vuông (lư chính), hai bên vuông là hai chân đèn và lư hương ở giữa.

Mỗi bộ như vậy có nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau như vuông nhất, vuông nhì, chân đèn truyền thống, chân đèn cổ, lư nhang tay rồng, lư nhang tay phụng… và vô số hoa văn, họa tiết truyền thống được chạm khắc trên thân lư. Loại lư phổ thông ở đây thường có chiều cao từ 4 – 8 tấc, riêng loại hàng đặt có cái cao tận 1,5m nên giá cả một bồ lư rất vô chừng, giá từ vài triệu đến gần cả trăm triệu.

Để làm ra một bộ lư dù lớn hay nhỏ cũng mất gần một tháng. Bước đầu là khâu làm khuôn, muốn lư cao hay thấp nằm là do khâu này quyết định. Sau khi làm khuôn bằng đất sét trộn với tro, trấu người thợ sẽ dùng sáp ong tạo hình cho bộ lư.

Ông Trần Quốc Kiểng (Út Kiểng), một nghệ nhân lâu năm giải thích: “Sau khi dáng sáp ong đã được tạo hình lên khuôn, người ta sẽ đắp một lớp đất khác bao quanh khuôn và sáp, rồi nung cho nguyên khối đất cứng lại. Lúc này sáp sẽ chảy ra, tạo khe rỗng để đổ đồng vào. Do đó, khâu dán sáp rất quan trọng vì đây là bước tạo hình sơ bộ cho bộ lư và độ mỏng dày của lư cũng tùy thuộc vào độ dày của sáp”.

chuyen lang duc dong tram nam hoi sinh vao nhung ngay cuoi nam

Ông Võ Văn Vinh, một nghệ nhân chạm hình bậc thầy ở làng cho biết: “Dân làm nghề lâu năm như tui có “hình” trong đầu sẵn rồi, chỉ cần cầm bộ lư lên là đục thôi, không cần vẽ mẫu như thợ mới. Mà “hình” trong đầu sẽ làm nét đục mềm mại và phóng khoáng hơn nét đục theo hình vẽ. Riêng hàng đặt thì phải nhìn hình cho đến lúc nhập tâm mới đục chứ không vẽ lên thân lư”.

Thường thì mỗi người thợ trong xưởng sẽ nắm một khâu trong quy trình làm lư, không một thợ nào kiêm nhiều việc trừ chủ lò. Do đó, mỗi thợ hay nghệ nhân ở An Hội đều am hiểu tường tận công việc của mình, chính vì thế mà dù mọi công đoạn đều làm bằng tay nhưng sản phẩn gần như được nhân bản đến tuyệt đối và ít có sai sót.

Có thể nói, dù trải qua bao cuộc thăng trầm nhưng những người quyết trụ với nghề đã có cuộc sống ổn định và sung túc. Một thợ trẻ, học việc trong lò cũng có thu nhập ngoài 4 triệu/tháng, riêng những thợ lâu năm và lành nghề thu nhập rất cao, có tháng họ kiếm trên 10 triệu đồng, do lương được tính theo sản phẩm.

Ông Hai Thắng khẳng định: “Giá đồng ngày một thất thường, giá nhân công ngày một tăng nhưng sản phẩm không thể tăng nhiều để giữ khách. Nhưng dù vì lý do gì, tôi tin tưởng làng nghề đúc đồng ở An Hội vẫn sẽ bền vững vì người tiêu dùng còn tin tưởng chúng tôi và chúng tôi cũng quyết giữ nghề truyền thống này”.

Những ngày cận Tết Đinh Dậu, làng lư đồng như sống lại thuở nào. Mọi người đang cố gắng hoàn thiện những mẻ lư cuối cùng để lư An Hội có mặt trên các bàn thờ gia tiên ở mọi miền đất nước.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.