Chuyện về những người mưu sinh bằng nghề cắt cỏ ven Sài Gòn hoa lệ

Nhiều người ở miền Tây bỏ quê lên Sài Gòn hoa lệ để mưu sinh bằng nghề... cắt cỏ. 
chuyen ve nhung nguoi muu sinh bang nghe cat co ven sai gon hoa le
Tốc độ đô thị hóa nhanh nên nguồn cỏ cho bò ăn ngày một khan hiếm. Ảnh Đ.V

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhóm thợ cỏ quê Sóc Trăng sống gần cầu Bà Năm (xã Nhị Bình – Hóc Môn). Khi chúng tôi đến, mọi người đang ra sức chất cỏ từ dưới ghe lên bờ.

Anh Thạch Bé Cường, trưởng nhóm hồ hởi khoe: “Hôm nay phát tài, đám cỏ này phải gần 2.000 bó (mỗi bó 4-5kg), trừ các chi phí, mỗi anh em có thể đút túi 300.000 đồng”.

Nhóm của anh Cường gồm năm người đa số là họ hàng và hàng xóm dưới quê. Họ bắt đầu lên ghe đi cắt cỏ tận quận 2 từ một giờ đêm, đến tận bốn giờ chiều mới về tới nhà.

Theo anh Cường, nghề này sống với con nước, nước lớn là dong ghe đi, đến bãi đợi nước giật mới cắt, rồi đợi nước lớn lại quay ngược về. Bởi vậy nên chẳng có giờ giấc gì, có hôm đi từ sớm đến chiều tối, hôm khác lại từ giữa trưa đến giữa đêm.

Cách cầu Bà Năm không xa còn hai nhóm cắt cỏ khác của anh Hoàng Em, chú Tư Lâm cũng vừa cập bến, ghe nào cũng chất đầy cỏ. Hầu hết, họ là những người cắt cỏ thuê cho các chủ ghe, mỗi bó chủ ghe bán lại cho các hộ nuôi bò sữa từ 1.400 – 2.00 đồng, thợ cỏ được chia 900 – 1.200 đồng.

chuyen ve nhung nguoi muu sinh bang nghe cat co ven sai gon hoa le
Mỗi bó chủ ghe bán lại cho các hộ nuôi bò sữa từ 1.400 – 2.00 đồng, thợ cỏ được chia 900 – 1.200 đồng. Ảnh: Đ.V

Trung bình một thợ cỏ một ngày có thể cắt khoảng 200 bó, thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày. Một số người cỏ thể cắt 250 – 300 bó/ngày nếu gặp bãi cỏ dày. Tuy nhiên, để kiếm được từng ấy tiền, thợ cỏ phải dầm mình dưới nước từ 3-5 tiếng.

Muốn cắt được nhiều cỏ họ phải ra ven sông, chủ yếu ở quận 2, Thủ Đức và Bình Thạnh… vì ở vùng ngoại thành người nuôi bò đã cắt hết, đặc biệt là vùng nước dơ cỏ mọc rất dày. Nước dơ cũng đồng nghĩa với muỗi và bù mắt nhiều nên anh em thợ cỏ hay nói vui là vừa cắt vừa lắc để đuổi muỗi và bù mắt.

“Có hôm bù mắt dày đậu cắn khắp mặt không thể cắt được. Nhưng tội nhất là phụ nữ, họ dễ bị bệnh phụ khoa do ngâm mình dưới nước lâu và dơ. Nhưng vì miếng cơm, chấp nhận tuốt luốt”, anh Lâm Dung, một thợ cỏ cho biết.

Theo những người dân nuôi bò ở Hóc Môn, những năm gần đây số người nuôi bò sữa ở Hóc Môn và Củ Chi tăng mạnh, lượng cỏ địa phương ngày một khan hiếm nên họ phải mua cỏ từ các chợ cỏ để phụ thêm.

Một con bò ăn từ 20 - 30 kg cỏ/ngày (tùy cách cho ăn của từng chủ) nên nhà nào có đàn bò lớn bắt buộc phải mua cỏ, dù ở nhà đã “quy hoạch” đất trồng cỏ.

Thống kê năm 2015, của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM cho biết, tổng đàn bò sữa của TPHCM đạt 160.000 con, tăng gần 26% so với cùng kỳ và chiếm hơn 58% tổng đàn bò sữa cả nước, chủ yếu tập trung ở huyện Củ Chi và Hóc Môn. Có lẽ nhờ vậy mà nghề cắt cỏ ở hai địa phương này tăng mạnh.

chuyen ve nhung nguoi muu sinh bang nghe cat co ven sai gon hoa le
Thợ cỏ thường là bà con hoặc người cùng quê. Ảnh: Đ.V

Đa số thợ cỏ là người gốc Khmer đến từ Sóc Trăng và Trà Vinh. “Anh em trong nghề đều là bà con hoặc ở cùng xóm, người đi trước kéo người đi sau, có đứa 10 tuổi đã theo cha mẹ cắt cỏ, đến giờ đã có 15 năm trong nghề như Lâm Dung.

Làm một thời gian, anh em có vợ thì đưa vợ theo cắt cỏ như vợ tôi cũng đã làm nghề gần chục năm.

Người ta nói nắng không ưa, mưa không chịu, ghét gió, kỵ mùi sương thì nghề này dính đủ, nhưng dù gì cũng có đồng ra đồng vô, còn hơn ở dưới quê không có việc làm”, anh Cường tâm sự.

Mỗi ngày, thợ cỏ chỉ ngủ chừng vài tiếng rồi lại trở mình tất tả cho chuyến ghe mới và luôn canh cánh bên mình nỗi lo bệnh tật. Mấy tuần nay mưa nắng thất thường, anh em thợ cỏ đã có vài người cảm sương và say nắng nằm bệnh cả tuần ở nhà.

Vậy mà, bệnh chưa khỏi hẳn, họ lại mài liềm theo ghe đi cắt cỏ, vì họ cần tiền để trang trải cuộc sống và lo cho gia đình dưới quê, nhất là tiền nuôi đám nhỏ ăn học và người già mất sức lao động.

“Nhờ mấy bó cỏ này mà cuộc sống dưới quê đỡ hẳn, ba đứa con được đến trường và nhà cửa cũng tươm tất. Người làm nghề này tằn tiện dữ lắm, trừ tiền nhà trọ, chi phí ăn uống, số còn lại chủ yếu để dành gửi về quê”, anh Thạch Út một thợ cỏ bộc bạch.

chuyen ve nhung nguoi muu sinh bang nghe cat co ven sai gon hoa le
Một thợ cỏ mỗi ngày có thể cắt được 180 bó. Ảnh: Đ.V

Thợ cỏ không chỉ vật lộn với cuộc sống thường nhật mà còn đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên trong từng chuyến đi.

Những ngày nắng với họ là một cuộc chiến đầy khốc liệt, dù là thợ cỏ lâu năm cũng phải trải qua cảnh say nắng và cảm nước. Mùa mưa, tuy mát mẻ hơn nhưng ai cũng ngán "ông thiên lôi", không ít người sinh nghề tử nghiệp vì bị sét đánh.

Nhưng chuyện thường xuyên gặp nhất là đang cắt cỏ thì trời mưa bất chợt, chạy về ghe không kịp là cơm canh coi như tanh bành do ghe cắt cỏ không có mái che. Vậy là cả nhóm thợ nguyên ngày cắt cỏ với bụng đói.

Những thợ cỏ chúng tôi gặp đều có chung một dáng vẻ gầy gò bởi công việc nặng nhọc và làn da đen sạm do dãi nắng dầm sương, nhưng nhìn vào mắt họ lại tràn đầy nghị lực và ánh lên niềm vui.

Đưa bàn tay móp méo vì ngâm nước nhiều, các móng tay biến dạng đen xì và gồ ghề bởi mủ cỏ, chị Thạch Ba La vợ anh Cường chia sẻ: “Cực khổ, xấu xí vậy chứ ngày nào không ngâm nước, tay ráo mủ cỏ là lo trăm bề. Tụi tui chỉ mong có việc làm, có cỏ để cắt và có người mua cỏ để mình có thu nhập lo cho gia đình, con cái”.

chuyen ve nhung nguoi muu sinh bang nghe cat co ven sai gon hoa le Độc đáo nghề bắt cào cào: 'Làm nghề này sướng lắm!'

“Chưa bao giờ nghề của những người được coi là long bong lại sống khỏe như hiện nay. Chỉ khoảng hai giờ quơ quào là ...

chọn
Bất động sản tuần qua (28/4 - 4/5): Ba luật lớn kỳ vọng hiệu lực sớm, TP HCM dừng dự án BT của Phát Đạt
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có thể hiệu lực sớm từ 1/7; điểm mới về thành lập cụm công nghiệp từ 1/5; loạt doanh nghiệp tiến vào Thái Nguyên... là những thông tin thị trường và dự án nổi bật tuần qua.