Nghĩa trang liệt sĩ huyện Diên Khánh có khuôn viên xanh mát và rộng thoáng. Ảnh: Khải An |
Chúng tôi ghé nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) Hòn Dung vào một sáng trung tuần tháng 7, các phần mộ nơi đây đã sạch đẹp, tươm tất, mùi nhang trầm thơm nhẹ trong gió tạo một cảm giác an lành, thánh thiêng cho người đến thăm.
Ông Bùi Ngọc Trừ (SN 1964) đội trưởng đội quản trang có hơn 16 năm làm quản trang tại Hòn Dung chia sẻ: “Một năm có 5 lễ lớn (30/4, 27/7, 2/9, 22/2 và Tết Nguyên Đán) chúng phải dọn dẹp các phần mộ, khuôn viên nghĩa trang gọn gàng, sạch đẹp hơn ngày thường để đón gia đình các liệt sĩ, đoàn thể, chính quyền đến thăm viếng.
Riêng ngày giỗ của các anh (27/7) và Tết Nguyên Đán phải chuẩn bị chu đáo hơn cả vì đây là hai ngày đặc biệt và có nhiều hoạt động diễn ra”.
Theo ông Trừ, NTLS Hòn Dung rộng khoảng 5 hecta với hơn 800 ngôi mộ liệt sĩ và nhiều ngôi mộ tập thể nên tổng số liệt sĩ an nghỉ tại đây phải trên 1.000 người.
Do diện tích khuôn viên lớn nên được chia làm 6 khu nhỏ, mỗi khu do một quản trang coi sóc. Các quản trang ngoài việc dọn vệ sinh, phát quang khu vực quanh mộ và chăm sóc cây cảnh còn thắp hương cho các liệt sĩ vào mỗi ngày.
Ông Bùi Ngọc Trừ thắp hương tại các ngôi mộ liệt sĩ được chôn tập thể. Ảnh: Khải An |
Chạy ngược lại NTLS huyện Diên Khánh chúng tôi cũng cảm nhận được sự thân thiện, gọn gàng từ cổng vào đến các phần mộ.
Ông Đỗ Hữu Nghĩa (SN 1966) quản trang tại đây cho biết, NTLS huyện Diên Khánh có 1.324 phần mộ, rộng khoảng 10.000m2 nhưng chỉ mỗi mình ông coi sóc nên ngay từ đầu tháng 7 ông phải làm việc cật lực để khuôn viên và các phần mộ sạch đẹp đón khách và gia đình liệt sĩ tới thăm viếng.
“Để cỏ xanh tốt và lên măng đúng ngày giỗ các liệt sĩ, tôi phải tưới tắm thường xuyên và cắt trước hai tuần.
Các chiến sĩ đã nằm xuống vì quê hương là sự hy sinh vô cùng to lớn, mình chỉ góp một phần nhỏ để họ yên nghỉ được thoải mái và người thân đến thăm cũng mát lòng”, ông Nghĩa tâm sự.
Công việc quản trang nghe qua tưởng chừng nhẹ nhàng như nếu không có sự hy sinh và yêu công việc thì khó lòng bám trụ.
Chỉ đơn cử như nghĩa trang Hòn Dung nằm trên đồi cao, các quản trang mỗi ngày phải đi lên đi xuống không biết bao nhiêu bậc thang, rồi cắt cỏ, tỉa cây giữa trời nắng gắt, đó là chưa kể vào các ngày lễ Tết phải túc trực 24/24 ở nghĩa trang để đón khách, canh trộm và tưới cây, tưới hoa để tránh héo.
Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung có diện tích khoảng 5 hecta nằm trên một ngọn đồi. Ảnh: Khải An |
“Sắp Tết hoặc lễ lớn của các liệt sĩ chúng tôi gần như túc trực tại nghĩa trang suốt để canh trộm lấy cây cảnh, mai cảnh và tưới hoa nơi các phần mộ.
Đó là chưa kể thanh niên nghiện ngập thường xuyên vào nghĩa trang và cả những người đi lấy sáp ong thỉnh thoảng làm cháy nghĩa trang, chúng tôi phải có mặt kịp thời để dập lửa.
Riêng 3 ngày Tết anh em chúng tôi phải ở đây để hướng dẫn các đoàn, gia đình liệt sĩ đến thăm nhưng được cái tinh thần anh em rất vui vì như được trợ lực và cảm thấy thanh thản lắm”, ông Trừ kể.
Công việc vất vả nhưng với các quản trang điều đó chẳng thấm vào đâu khi chứng kiến cảnh người thân đi tìm mộ liệt sĩ nhưng kết quả không như mong đợi.
Ông Nghĩa cho hay, mỗi năm ở NTLS huyện Diên Khánh có khoảng 5-10 liệt sĩ mới được gia đình và chính quyền đưa về và cũng từng ấy ngôi mộ được bốc đi để đưa về địa phương các liệt sĩ. Tuy vậy, cũng có hàng chục gia đình đến tìm mộ nhưng bất thành.
Ông Đỗ Hữu Nghĩa chăm sóc cây cảnh chuẩn bị cho ngày 27/7. Ảnh: Khải An |
“Nhiều gia đình tìm đến đây vì nghe có tên liệt sĩ trùng với người thân mình, số khác đi tìm như sự may rủi vì nghe tên đơn vị của thân nhân được chôn tại đây. Nhưng rồi, có rất ít người tìm ra, số khác lặng lẽ ra về.
Qua cậu chuyện của họ, chúng tôi biết có những gia đình mòn mỏi đi tìm thân nhân hằng mấy chục năm trời, có người đi dọc dài đất nước nhưng vẫn chưa tìm ra. Những lúc đó, chúng tôi chỉ biết ngồi với họ uống chén trà nhưng lòng cứ quặn lại”, quản trang huyện Diên Khánh trầm ngâm.
Nhắc về việc tìm mộ liệt sĩ, người quản trang gần 17 năm tại Hòn Dung kể, mấy hôm rồi có 3 gia đình đến tìm mộ nhưng khi thử AND chỉ có một người trùng.
“Niềm vui tìm được mộ thân nhân rất ít, khi họ tìm được người thân chúng tôi cũng vui lây, không ít lần rớt nước mắt nhưng số người tìm không ra thân nhân vẫn nhiều.
Có những người gia đình khó khăn nhưng khi nghe tin vẫn chạy tiền để đến đây với hy vọng nhỏ nhoi, xót lắm”, ông Trừ nói với vẻ xúc động.
Góp thêm vào câu chuyện, anh Hán Hồng Hưng có 13 năm làm quản trang tại Hòn Dung cho biết:
“Làm nghề này cực khổ nhưng có thấm vào đâu khi nhìn thân nhân các gia đình liệt sĩ đi từ Bắc đến Nam, rẽ dọc Trường Sơn hay qua tận Campuchia để tìm mộ.
Nghĩ vậy nên anh em chúng tôi luôn cố gắng chăm sóc các anh nằm tại đây thật chu đáo, để khi thân nhân tìm đến họ cảm thấy an ủi phần nào”.
Anh Hán Hồng Hưng làm quản trang 13 năm luôn coi đây là duyên nghiệp. Ảnh: Khải An |
Cũng là thân nhân của liệt sĩ, quản trang NTLS Cam Ranh Nguyễn Huy Hoàng (sinh năm 1972) còn là thành viên đội quy tập hài cốt liệt sĩ của tỉnh Khánh Hòa nhận định:
“Chỉ có gia đình liệt sĩ mới hiểu cảm giác mòn mỏi đi tìm người thân. Hy vọng có thể là mong manh nhưng nghe tin ở đâu có người trùng tên, trùng quê, trùng đơn vị là họ đi ngay dù đang khó khăn.
Và nếu, khi đến nơi liệt sĩ được chôn cất các gia đình thấy các anh được chăm sóc tốt họ rất ấm lòng và an ủi phần nào”.
Gần ngày giỗ các liệt sĩ, dạo quanh các NTLS trong tỉnh tất cả đều gọn gàng, đẹp đẽ. Nói như các quản trang thì, các anh đã hy sinh cả cuộc sống cho tổ quốc, nhân dân.
Giờ các anh nằm đó, có người có thân nhân, số khác nằm chung tập thể nên nếu không mang lại những gì tốt đẹp nhất cho các liệt sĩ thì thật hổ thẹn.
Chuẩn bị khánh thành Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma
Sau 2 năm thi công, đến nay giai đoạn 1 của dự án Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma đã hoàn tất và ... |