CII tính thế chấp cổ phần và tài sản tại nhiều công ty, huy động thêm 1.600 tỉ đồng trái phiếu

Thời gian gần đây, CII liên tục công bố kế hoạch phát hành trái phiếu, bao gồm 1.200 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi trong tháng 9 và 1.400 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ trong tháng 8.

Mới đây, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (Mã: CII) vừa công bố tài liệu họp bất thường năm 2020 dự kiến tổ chức ngày 14/10.

Tại cuộc họp sắp tới, HĐQT công ty sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành 1,6 triệu trái phiếu với giá phát hành bằng mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu. Như vây, tổng giá trị trái phiếu huy động lên tới 1.600 tỉ đồng.

Trái phiếu có kì hạn 5 năm, tiền lãi trái phiếu thanh toán 6 tháng/lần, lãi suất dự kiến 11%/năm. Thời gian phát hành dự kiến trong quí IV/2020 và quí I/2021.

Theo tờ trình công bố, tài sản đảm bảo bao gồm cổ phiếu của CTCP Hạ Tầng Nước Sài Gòn (SII); cổ phiếu của CTCP Đầu Tư Cầu Đường CII (LGC); cổ phiếu của CTCP Xây Dựng Hạ Tầng CII (CEE); cổ phiếu của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB); cổ phần và tài sản khác thuộc sở hữu của CII, công ty liên kết, bên thứ ba để bảo đảm cho các nghĩa vụ thanh toán liên quan đến trái phiếu.

Liên quan đến phương án sử dụng vốn, doanh nghiệp cho biết sẽ sử dụng 600 tỉ đồng hợp tác đầu tư xây dựng - chuyển giao dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong khu Đô thị mới Thủ Thiêm; 500 tỉ đồng hợp tác đầu tư dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao dự án đầu tư xây dựng công trình Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1; 500 tỉ đồng hợp tác đầu tư dự án khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi.

Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, lãnh đạo CII cho biết để triển khai các hoạt động đầu tư, CII cần lượng vốn 8.100 tỉ đồng, bao gồm cả chi trả nợ gốc và lãi vay, đầu tư dự án và chi trả cổ tức. Công ty dự kiến huy động vốn thông qua các nguồn như phát hành trái phiếu và nợ vay, thu hồi vốn gốc đầu tư và cổ tức được nhận.

Cũng theo đại diện này, dịch Covid-19 khiến nguồn tín dụng nước ngoài bị thu hẹp, quĩ ngoại ưu tiên duy trì tiền mặt cao thay vì tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Còn nguồn vốn tín dụng trong nước cũng được siết chặt nhằm giảm thiểu khả năng nợ xấu phát sinh do dịch bệnh.

Xuất phát từ việc huy động vốn rất khó khăn nên CII quyết định mỗi lần làm sẽ huy động với lượng vốn lớn hàng nghìn tỉ đồng, thay vì chỉ huy động vài trăm tỉ đồng như trước đây.

Tháng 9 vừa qua, CII công bố thông tin về việc đăng kí chào bán gần 1.200 tỉ đồng trái phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành bằng mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu.

Đây là trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, không có tài sản bảo đảm, không kèm chứng quyền. Trái phiếu có kì hạn 5 năm. Tiền lãi trái phiếu trả 6 tháng/lần với lãi suất là 11%/năm.

Tỉ lệ thực hiện quyền là 200:1, tương ứng cổ đông sở hữu 200 cổ phiếu CII sẽ được mua 1 trái phiếu và quyền mua được chuyển nhượng 1 lần. Ngày đăng kí cuối cùng là ngày 1/10. Thời hạn đăng kí mua từ 9/10 đến ngày 2/11.

Theo CII, mục đích của việc phát hành trái phiếu là nhằm cơ cấu lại các khoản nợ và đầu tư vào các dự án của doanh nghiệp.

Trước đó, trong tháng 8 doanh nghiệp cũng ra thông báo về việc muốn huy động tổng cộng 1.400 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ...

Tại thời điểm 30/6, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của CII là gần 15.385 tỉ đồng, chiếm 50,2% tổng nguồn vốn và tăng 11% so với đầu kì.

Những năm gần đây, dòng tiền kinh doanh của CII thường xuyên không đủ để tài trợ cho nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính ghi nhận âm gần 904 tỉ đồng, dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 432 tỉ đồng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.