Cổ phiếu HPG liên tục leo lên những điểm cao mới chắc hẳn đã mang lại niềm vui cho cổ đông lớn nhất của Hòa Phát là Chủ tịch Trần Đình Long cũng như các cổ đông nhỏ hơn. Theo tính toán của Forbes, ông Long hiện nay là người giàu thứ 2 Việt Nam chỉ sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, còn các nhà đầu tư nắm giữ HPG từ đầu năm đến nay cũng chứng kiến tài khoản của mình tăng đến 38%.
Giá cổ phiếu trong ngắn hạn là do cung cầu của thị trường quyết định nhưng trong dài hạn lại phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Đại hội cổ đông ngày 22/4 của Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) sắp tới sẽ bàn thảo về rất nhiều vấn đề nội tại có tác động tới tương lai của tập đoàn trong năm 2021 và nhiều năm về sau.
Năm 2020, Hòa Phát ghi nhận doanh thu trên 90.000 tỷ và lãi sau thuế hơn 13.500 tỷ, vượt xa kế hoạch đề ra cũng như kết quả kinh doanh của năm trước.
Sang năm 2021, Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 120.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 18.000 tỷ, tăng trưởng lần lượt 32% và 33% so với năm ngoái, đồng thời là các mục tiêu cao chưa từng thấy trong lịch sử Hòa Phát. Sản lượng tiêu thụ năm nay dự kiến khoảng 5 triệu tấn phôi thép và xây dựng, cùng khoảng 2,7 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC).
Đến nay Hòa Phát chưa công bố báo cáo tài chính quý I nhưng các thông tin về giá thành và sản lượng đều có vẻ rất khả quan.
Trong ba tháng đầu năm 2021, Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu thị trường thép xây dựng với thị phần tăng từ 32,5% của năm 2020 lên 33,8%. Ở mảng ống thép, thị phần của Hòa Phát giảm từ 31,7% trong năm ngoái xuống còn 30,2% trong quý I năm nay nhưng vẫn cao nhất cả nước.
Mảng tôn mạ ghi nhận tăng trưởng đột biến với sản lượng tiêu thụ 73.700 tấn, cao gấp ba lần cùng kỳ và chiếm 5,9% thị phần toàn ngành.
Chuyển biến lớn nhất nằm ở phân khúc thép cuộn cán nóng (HRC). Quý I/2020, Hòa Phát chưa có sản phẩm này, tháng 5 mới bắt đầu có mẻ HRC đầu tiên và tháng 11 mới bán ra thị trường.
Trong ba tháng đầu 2021, tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long đã tiêu thụ hơn 665.000 tấn HRC, chiếm 36% thị phần. Đa phần số HRC này được dùng làm nguyên liệu để nội bộ sản xuất ống thép và tôn mạ, chỉ một phần nhỏ được bán cho các doanh nghiệp trong nước.
Do chính sách cắt giảm sản lượng thép ở Trung Quốc, nguồn cung HRC trên toàn cầu đang thiếu hụt và giá bán tăng mạnh lên mức cao nhất 13 năm gần đây.
Theo Chứng khoán HSC, đơn hàng HRC tháng 1/2021 của Hòa Phát có giá 600 USD/tấn nhưng ở đơn hàng tháng 3 và tháng 5, giá đã leo lên mức 690 và 760 USD/tấn. Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng đã 6 lần nâng giá thép xây dựng từ đầu năm đến nay.
Nhưng liệu tình hình từ những tháng cuối năm có suôn sẻ như quý I không? Các cổ đông chắc chắn sẽ muốn nghe ban lãnh đạo Hòa Phát nhận định về môi trường kinh doanh tương lai, từ triển vọng vĩ mô đến diễn biến giá nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.
Những đánh giá của ban lãnh đạo Hòa Phát sẽ không chỉ hữu ích cho cổ đông HPG mà còn có thể giúp nhà đầu tư hiểu thêm về các cổ phiếu ngành thép khác như Hoa Sen (Mã: NKG), Nam Kim (Mã: NKG), Pomina (Mã: POM), …
Chẳng hạn, sản phẩm HRC mà Hòa Phát bán ra chính là nguyên liệu đầu vào để sản xuất tôn và ống thép. Nếu giá HRC biến động, kết quả kinh doanh của Hoa Sen, Nam Kim cũng sẽ thay đổi.
Ngoài ra, các mục tiêu về lợi nhuận, sản lượng nói trên được công bố từ tháng 3, có thể trong đại hội sắp tới các lãnh đạo Hòa Phát sẽ điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Đầu năm ngoái, Hòa Phát đặt mục tiêu bán 3,6 triệu tấn thép xây dựng nhưng tại đại hội ngày 25/6/2020, Tổng Giám đốc Trần Tuấn Dương cho biết do ảnh hưởng của COVID-19 nên tập đoàn khó có thể hoàn thành kế hoạch này. Thực tế năm ngoái, Hòa Phát chỉ tiêu thụ 3,4 triệu tấn thép xây dựng.
Giá HRC tăng nóng những tháng qua đã thôi thúc Hòa Phát đẩy mạnh kế hoạch mở rộng Khu liên hợp Gang thép tại Dung Quất, hay còn gọi là Dự án Dung Quất giai đoạn 2.
Năm 2020, Hòa Phát đã xin ý kiến cổ đông về việc đầu tư 60.000 tỷ đồng cho giai đoạn mở rộng này nhằm tăng công suất thêm 5 triệu tấn thép/năm. Sang đầu 2021, tổng mức đầu tư đã được nâng lên thành 85.000 tỷ đồng, công suất dự kiến 5,6 triệu tấn thép mỗi năm. Diện tích đất sử dụng cũng tăng thêm gần 118 ha so với phương án năm ngoái.
Sản lượng thép dẹt (bao gồm HRC) sau hoàn thành là 4,6 triệu tấn; thép thanh, thép dây chất lượng cao là 1 triệu tấn. Vốn cố định là 70.000 tỷ đồng, vốn lưu động 15.000 tỷ.
Hiện nay dự án Dung Quất giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, cả 4 lò cao đã hoạt động hết công suất 5 triệu tấn/năm. Trong quý I, lượng đặt hàng HRC vượt 300% năng lực cung cấp của Hòa Phát, vì vậy mà ban lãnh đạo tập đoàn muốn xây dựng giai đoạn 2 theo hướng tập trung cung cấp HRC.
Trước khi công bố kế hoạch mở rộng đầy tham vọng, Hòa Phát chắc chắn đã nghiên cứu kỹ các kịch bản, nhưng suy cho cùng, các tính toán của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng đúng và rủi ro luôn rình rập ở khắp mọi nơi.
Năm 2017, khi Hòa Phát công bố kế hoạch đầu tư 52.000 tỷ đồng (về sau điều chỉnh thành 65.000 tỷ) vào Dung Quất giai đoạn 1, cổ đông đã hết sức băn khoăn. Lần mở rộng này, nhà đầu tư cũng sẽ có nhiều lo ngại mong muốn được ban lãnh đạo giải đáp.
Việc vay thêm hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ bản sẽ làm tăng gánh nặng trả nợ đến đâu? Có bào mòn mất nhiều lợi nhuận của tập đoàn không? Nếu nguồn cung HRC ở Trung Quốc tăng lên, giá trên thị trường giảm xuống, tập đoàn sẽ ứng phó như thế nào? Trong ba năm đầu tư Dung Quất giai đoạn 1, cổ đông không được nhận cổ tức tiền mặt, phải chăng trong lần mở rộng tới nhà đầu tư cũng sẽ không có cổ tức?
Hòa Phát có kế hoạch xây dựng nhà máy container công suất 500.000 TEU (đơn vị tương đương container loại 20 feet) mỗi năm, dự kiến khởi công vào tháng 6/2021 và cho ra sản phẩm đầu tiên vào quý II/2022. Mỗi năm, mảng container này sẽ tiêu thụ khoảng 1 triệu tấn HRC, góp phần tạo giá trị gia tăng và giải quyết đầu ra cho Khu Liên hợp Dung Quất.
Tập đoàn đã thành lập một công ty con chuyên phụ trách mảng sản xuất container tại Bà Rịa – Vũng Tàu, vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.
Thoạt nhìn, quyết định lấn sân sang mảng container tỏ ra khá hợp lý vì ba lý do.
Thứ nhất, lĩnh vực này phù hợp với phương châm của Hòa Phát là sản xuất những mặt hàng có số lượng nhiều, to, thô, không làm những hàng thủ công, nhỏ lẻ. Quá trình sản xuất container trên thế giới hiện nay đã được tự động hóa rất cao thông qua việc sử dụng robot để thực hiện các công đoạn cắt, dập, hàn, phun sơn, …
Thứ hai, thế giới đang thiếu hụt container vì đại dịch và giá thuê container đang rất cao.
Thứ ba, Hòa Phát có lợi thế nhờ tự túc nguồn nguyên liệu sản xuất chính là thép cuộn cán nóng (HRC).
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở nhiều nước trên thế giới đang dần được khống chế, quá trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 đang được đẩy mạnh. Chẳng hạn tại Mỹ, mỗi ngày lại có khoảng 3 triệu người được tiêm.
Nếu hoạt động của các cảng bình thường trở lại, container không còn bị ùn ứ, nhu cầu và giá thuê quay về mức trước dịch, liệu mảng container của Hòa Phát có đem về lợi nhuận hay không? Tại Việt Nam chưa doanh nghiệp nào có kinh nghiệm sản xuất container nên trong giai đoạn đầu, Hòa Phát khó tránh khỏi những va vấp.
Ngoài ra, thép là nguyên liệu quan trọng nhất chiếm 50-55% giá thành sản xuất container nhưng tất nhiên vẫn còn những yếu tố khác như chi phí lao động, gỗ (để làm ván sàn), sơn, vận chuyển thành phẩm từ nơi sản xuất đến nơi sử dụng, … Những biến số này cũng sẽ tác động không nhỏ tới kết quả hoạt động của mảng container của Hòa Phát.