Theo tin từ Báo Hà Tĩnh, trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh bật tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020, ghi nhận 1,09 tỷ USD - tương đương 25.100 tỷ đồng (tính theo tỷ giá 1 USD = 23.000 đồng).
Cả năm 2021, Formosa Hà Tĩnh đặt mục tiêu sản xuất 6,5 triệu tấn phôi thép các loại, tiêu thụ 100% thành phẩm làm ra. Doanh thu cả năm dự kiến 3,7 tỷ USD (tức khoảng 85.000 tỷ đồng), tăng gần 28% so với năm ngoái.
Năm 2020, Formosa ghi nhận doanh thu 2,9 tỷ USD, tương đương gần 67.000 tỷ đồng, thấp hơn khoảng 26% so với kết quả của Hòa Phát.
Formosa và Hòa Phát là hai nhà sản xuất phôi thép lớn nhất Việt Nam hiện nay và cũng là hai doanh nghiệp duy nhất ở nước ta cung cấp thép cuộn cán nóng (HRC).
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm ngoái, Formosa xuất xưởng 5,82 triệu tấn phôi thép, tiêu thụ 6,2 triệu tấn. Trong đó, dùng cho nội bộ để sản xuất các loại thành phẩm như thép xây dựng là lớn nhất, chiếm 73,5%, xuất bán trong nước 149.000 tấn và xuất khẩu 1,48 triệu tấn.
Đối thủ lớn nhất của Formosa là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG). Năm ngoái, Hòa Phát sản xuất 5,8 triệu tấn phôi thép, chỉ kém Formosa 23.000 tấn. Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long bán ra 5,86 triệu tấn, trong đó chủ yếu cũng là tiêu dùng nội bộ và xuất khẩu, bán trong nước chỉ gần 114.000 tấn.
Bước sang quý I/2021, Hòa Phát đã vượt mặt Formosa về sản lượng. Cụ thể, doanh nghiệp đến từ Đài Loan sản xuất được gần 1,63 triệu tấn phôi các loại, tiêu thụ 1,64 triệu tấn. Trong khi đó, Hòa Phát cho ra lò xấp xỉ 2 triệu tấn thép, tiêu thụ 2,04 triệu tấn.
Xét theo sản lượng hàng tháng, Hòa Phát đã vượt Formosa từ tháng 9/2020 nhờ việc đưa lò cao số 3 và số 4 tại Khu Liên hợp Gang thép Dung Quất vào vận hành. Về phần Formosa Hà Tĩnh, năng lực sản xuất của doanh nghiệp Đài Loan này giữ nguyên trong suốt mấy năm qua.
Trong khi Formosa đặt mục tiêu sản xuất 6,5 triệu tấn thép/năm thì Hòa Phát tự tin có thể cho ra lò 8 triệu tấn thép trong năm nay, bao gồm 5 triệu tấn từ nhà máy ở Dung Quất và 3 triệu tấn từ Hải Dương, Hưng Yên. Tập đoàn cũng đang lên kế hoạch triển khai dự án Dung Quất giai đoạn 2 với công suất 5,6 triệu tấn/năm.
Năm 2021, Hòa Phát đặt mục tiêu tổng doanh thu 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 32% và 33% so với thực hiện năm 2020. Có thể thấy, kế hoạch doanh thu của Hòa Phát cao hơn Formosa khoảng 41%.
Nếu chia đều cho 4 quý, trung bình mỗi quý Hòa Phát sẽ có doanh thu khoảng 30.000 tỷ, lợi nhuận 4.500 tỷ.
Các công ty chứng khoán nhận định cả sản lượng lẫn giá bán trong quý I vừa qua đều tăng mạnh nên kết quả kinh doanh của Hòa Phát sẽ tương đối khả quan.
Chứng khoán HSC cho rằng doanh thu quý I/2021 có thể đạt 30.040 tỷ đồng. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì ước tính gần 33.000 tỷ còn Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thì dự đoán khoảng 34.600 tỷ.
Về lợi nhuận, cả ba CTCK đều cho rằng Hòa Phát sẽ đạt khoảng 6.350 - 6.530 tỷ đồng lãi sau thuế, cao hơn nhiều so với mức bình quân 4.500 tỷ ước tính ở trên.
Nói về kết quả kinh doanh cả năm 2021, Chứng khoán HSC cho rằng doanh thu của Hòa Phát sẽ đạt khoảng 135.500 tỷ, lợi nhuận 20.500 tỷ.
Trong khi Hòa Phát liên tục lãi hàng nghìn tỷ thì doanh nghiệp đến từ Đài Loan lại báo lỗ triền miên suốt 4 năm 2016-2019, tổng cộng 22.770 tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD). Riêng năm 2019 Formosa báo lỗ 11.537 tỷ đồng.
Việc báo lỗ giúp cho Formosa tránh phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Ngược lại, trong năm 2020, Hòa Phát đã nộp hơn 1.850 tỷ đồng thuế TNDN, năm 2019 nộp hơn 1.500 tỷ.