Ông Trần Đình Long: Hòa Phát sẽ lãi 10.000 tỉ năm nay, chuẩn bị trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất, sản lượng vượt mặt Formosa

Chủ tịch Hòa Phát cho biết năm 2021, khi 4 lò cao của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động ổn định, sản lượng thép thô sẽ đạt 8 triệu tấn thép thô/năm và trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam, vượt mặt Formosa.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát - ông Trần Đình Long vừa gặp mặt các nhà đầu tư, để thông tin về tình hình kinh doanh quý I/2020 và đặc biệt là kế hoạch của tập đoàn trong năm nay.

Kết thúc quý I/2020, doanh thu hợp nhất của Hòa Phát đạt 19.233 tỉ đồng, tăng 29% so với cùng kì năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng 27%, đạt 2.305 tỉ đồng. 

Ông Trần Đình Long: Hòa Phát sẽ lãi 10.000 tỉ trong năm nay, sản lượng thép tiến tới vượt mặt Formosa - Ảnh 1.

Ông Trần Đình Long: Thép Hòa Phát sẽ vượt mặt Formosa. (Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến).

Đặc biệt, trong bối cảnh chung khó khăn vì đại dịch Covid-19, ông Trần Đình Long cho biết Hòa Phát dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch năm 2020 với doanh thu dao động 85.000-95.000 tỉ đồng, lợi nhuận ròng khoảng 9.000-10.000 tỉ đồng, tăng hơn hai con số so với cùng kì năm ngoái.

Hòa Phát sẽ xuất khẩu phôi sang Trung Quốc

Theo Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, ngành thép ít bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Đặc biệt, ông cho rằng hậu Covid-19, các nền kinh tế sẽ tăng cường đầu tư công và thép sẽ được hưởng lợi.

Tại Việt Nam, ông kì vọng gói đầu tư công 700.000 tỉ chủ yếu giải ngân vào đường sá, cầu cống thì thép sẽ tiêu thụ tốt hơn. Ông Long nói tăng trưởng tiêu thụ thép năm 2020 sẽ đạt mức dương chứ không phải âm.

Ông cũng cập nhật thêm hiện thị phần thép xây dựng Hòa Phát đạt 31,4%, dẫn đầu cả nước và đã vươn lên dẫn đầu về sản lượng bán hàng ở thị trường miền Nam.  

Ông Trần Đình Long: Hòa Phát sẽ lãi 10.000 tỉ trong năm nay, sản lượng thép tiến tới vượt mặt Formosa - Ảnh 2.

Hoà Phát đặt mục tiêu LNST tăng tối đa 30% trong năm 2020. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Nói về việc xuất khẩu phôi sang Trung Quốc, ông Trần Đình Long cho rằng đây là phép thử, cạnh tranh rất lớn vì Trung Quốc là cường quốc thép. Nếu xuất được sang Trung Quốc sẽ cho thấy sức cạnh tranh của thép Hòa Phát

Ông khẳng định thêm sẽ đa dạng hóa thị trường chứ không bỏ trứng vào một giỏ. Và thực tế, tập đoàn đang xuất khẩu phôi sang nhiều quốc gia Đông Nam Á khác. 

Dù xuất khẩu, nhưng thị trường chính của Hòa Phát sẽ là nội địa.

"Quan trọng là giá có cạnh tranh không, đấy là gốc rễ của vấn đề. Công đoạn càng ngắn, margin càng thấp, nhưng tôi khẳng định xuất khẩu phôi có lãi, theo giá thị trường, tất nhiên là không cao như thép thành phẩm, nhưng quan trọng nhất là xuất đi được sang Trung Quốc", ông Trần Đình Long nói.

Chủ tịch Hòa Phát cho biết năm 2020, tập đoàn đặt kế hoạch 3,6 triệu tấn thép xây dựng, 800.000 tấn phôi, 500.000 tấn HRC. Sản lượng tôn năm 2020 là 120.000 tấn. Sản phẩm ống thép đặt kế hoạch tương tự sản lượng thực hiện của 2019.

Riêng 500.000 tấn HRC, ông Long cho biết dự kiến tháng 9 sẽ bắt đầu có sản phẩm cung cấp cho thị trường. Hiện tiến độ sản xuất HRC phụ thuộc nhiều yếu tố, Hòa Phát cố gắng vận hành thử nghiệm trong tháng 8 và dự kiến có sản phẩm từ tháng 9. 

Thép Hoà Phát sẽ vượt mặt Formosa

Chủ tịch Hòa Phát cho biết thêm tiến độ xây dựng Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đến nay đã đạt trên 95%, những phần khó khăn nhất là đá ngầm đã giải quyết phần cơ bản.

Dự kiến tháng 6 tới, Cảng Hòa Phát Dung Quất sẽ đón được tàu đầu tiên 200.000 tấn. Với lợi thế này, Hòa Phát có thể mua quặng thẳng từ Brazil, Nam Phi, Úc mà không cần qua các cảng trung chuyển, chi phí sẽ rẻ hơn.

Theo ông Long, việc xây dựng cảng biển nước sâu là hoàn toàn mới với Hòa Phát và "quá khó để làm, nhưng hiệu quả nhận được rất xứng đáng". 

Theo đó, cảng là lợi thế tuyệt đối của Hòa Phát, khi nhập than, quặng về bằng tàu lớn, rồi chia về cho Dung Quất hay Hải Dương đều có lợi. Ông Long khẳng định hiếm có nơi nào đang có được lợi thế này.

Đến năm 2021, khi 4 lò cao của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động ổn định, sản lượng thép thô của Hòa Phát sẽ đạt 8 triệu tấn thép thô/năm. Với công suất này, ông Long cho rằng Hòa Phát sẽ trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam, chứ không phải là Formosa.

Song song đó, với công suất 8 triệu tấn thép thô/năm, tập đoàn sẽ cần nhập 12-13 triệu tấn quặng. Cùng lợi thế cảng biển, Hòa Phát sẽ tiết kiệm chi phí lớn, tăng tính cạnh tranh.

Bò Úc, trứng gà sẽ mang lại 1.200 tỉ đồng năm 2020

Bên cạnh thép, lĩnh vực được Hòa Phát kì vọng trong năm nay là nông nghiệp. Ông Trần Đình Long đặt mục tiêu doanh thu mảng nông nghiệp đóng góp 10.000 tỉ đồng và 1.200 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế cho tập đoàn trong năm nay. 

Đóng góp này đứng thứ hai chỉ sau thép.

Ông Trần Đình Long: Hòa Phát sẽ lãi 10.000 tỉ trong năm nay, sản lượng thép tiến tới vượt mặt Formosa - Ảnh 3.

Hoà Phát kì vọng bò Úc, trứng gà... sẽ mang lại 1.200 tỉ đồng năm 2020. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Kết thúc quý I/2020, nông nghiệp đóng góp gần 2.800 tỉ đồng doanh thu và gần 500 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế cho Hòa Phát. Mức tăng trưởng lợi nhuận của mảng nông nghiệp tăng kỉ lục hơn 400% so với cùng kì năm ngoái.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng không thể lấy lợi nhuận quý I rồi nhân 4 để ra kết quả cả năm, bởi thị trường còn nhiều biến động, nhất là khi Chính phủ đang điều hành giá thịt heo theo hướng giảm.

Kể từ khi chính thức gia nhập mảng nông nghiệp hồi năm 2015, tỉ phú Trần Đình Long khẳng định các sản phẩm nông nghiệp của tập đoàn như cung cấp bò Úc, trứng gia cầm sạch Hòa Phát đang thuộc tốp đầu thị trường.

Đến nay, sau 5 năm, gặp mặt các nhà đầu tư, tỉ phú Trần Đình Long đã khẳng định bò Úc của Hòa Phát đang chiếm thị phần số 1 với hơn 50%, còn trứng gia cầm cũng thuộc tốp đầu với hơn 400.000 quả/ngày. 

Trong năm nay, Hòa Phát phấn đấu tiếp tục giữ thị phần số 1 về cung cấp bò Úc, tăng trưởng ổn định mảng thức ăn chăn nuôi, gia cầm và chăn nuôi nuôi heo.

Tập đoàn dự kiến cung cấp cho thị trường 150.000 con bò Úc, 200.000 con heo thương phẩm (chưa tính heo giống, heo cai sữa) và đạt sản lượng 700.000 trứng/ngày, vào thời điểm cuối năm 2020.