Thị trường thép năm nay tại Việt Nam được dự báo không mấy tích cực, do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô, đặc biệt là việc Mỹ áp thuế mạnh đối với thép trong tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang.
Tuy nhiên, theo nhận định vừa được Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam đưa ra, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát của tỉ phú Trần Đình Long sẽ nằm ngoài làn sóng khó chung của ngành thép, thậm chí dần mở rộng phạm vi hoạt động ra khu vực phía Nam.
Báo cáo tài chính hợp nhất do Hòa Phát vừa công bố mới đây cho biết nửa đầu năm nay, doanh thu hợp nhất đạt 30.061 tỉ đồng, tăng 10,2% so với cùng kì năm 2018.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của Hòa Phát giảm 10,3%, còn 4.651 tỉ đồng.
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát của tỉ phú Trần Đình Long sẽ không nắm trong làn sóng khó khăn chung của ngành thép, thậm chí, dần mở rộng phạm vi hoạt động. (Ảnh: Zing)
Tính đến hết quý II/2019, tổng tài sản doanh nghiệp của ông Trần Đình Long đạt 93.019 tỉ, tăng 19% so với cuối năm ngoái và tăng đến 75% so với cuối năm 2017, nguyên nhân do tài sản xây dựng dở dang dự án Dung Quất Hòa Phát tăng mạnh.
"Chưa khi nào ngành thép thế giới và Việt Nam khó khăn như vậy. Giá quặng sắt vượt 120 USD/tấn, gần gấp đôi so với cùng kì năm trước. Trong điều kiện này, kết quả của Hòa Phát khá tốt và đạt kế hoạch đề ra", Chủ tịch Trần Đình Long nói tại buổi gặp mặt các nhà đầu tư diễn ra cuối tháng 7.
Ông Long cho rằng nếu giá quặng sắt không tăng thì kết quả kinh doanh của Hòa Phát còn tăng hơn nữa. Dự báo nửa cuối năm, thị trường bất động sản sẽ chậm lại, tuy nhiên, nếu không có gì biến động, ông Long vẫn tự tin Hòa Phát sẽ hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Kết quả kinh doanh giai đoạn 5 năm gần nhất của Hòa Phát cho thấy sự tăng trưởng liên tục của các chỉ tiêu sinh lời. Doanh thu thuần tăng trưởng từ 25.525 tỉ đồng năm 2014 lên mức 55.836 tỉ đồng năm 2018, tỉ lệ tăng trưởng doanh thu trung bình là 22%/năm.
Ông Trần Đình Long cho rằng kết quả kinh doanh của Hoà Phát nửa đầu năm 2019 vẫn khá tốt và đạt kế hoạch đề ra. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Lợi nhuận của Hòa Phát cũng liên tục tăng trưởng những năm gần đây. Năm 2018, lãi sau thuế đạt 8.601 tỉ, tăng gấp 2,6 lần so với năm 2014.
Nhận định về kết quả kinh doanh năm nay của Tập đoàn Hòa Phát vừa được Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV Research) đưa ra, ước tính doanh thu năm 2019 của Hòa Phát đạt 64.825 tỉ đồng, tăng trưởng 16,1% so với năm 2018, lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 7.344 tỉ, giảm 16,4% so với năm 2018. So với kế hoạch 2019 được Đại hội đồng cổ đông thông qua thì kết quả doanh thu đạt 92,6%, lợi nhuận sau thuế đạt 107%.
Một báo cáo khác của VNCS Research đưa ra trước đó thì cho biết Hòa Phát tuy là doanh nghiệp thép quy mô lớn nhất Việt Nam, nhưng chỉ yếu phục vụ trong nước, thị phần xuất khẩu thấp nên được xem đứng ngoài vòng thiệt hại nếu có mà phía Mỹ đang áp với các sản phẩm thép Việt Nam có liên quan đến Trung Quốc, Đài Loan.
Theo báo cáo của KBSV Research, hiện doanh nghiệp của tỉ phú Trần Đình Long chỉ mới hoạt động mạnh mẽ và chi phối tại thị trường miền Bắc, với khoảng 34% thị phần.
Miền Bắc là thị phần lớn nhất của Hoà Phát hiện nay. (Nguồn: HPG, FiinPro, KBSV Research - Đồ hoạ: Phúc Minh).
Trong khi đó, tại thị trường tiêu thụ thép xây dựng phía Nam, năm 2018, thép Hòa Phát chỉ chiếm khoảng 9% thị phần. Sân chơi của ngành thép miền Nam rơi vào tay các doanh nghiệp khác như Vina Kyoei với thị phần 24%, Pomina, Posco SS Vina, VN Steel lần lượt chiếm thị phần khoảng 20%.
Theo đánh giá, khoảng cách vận chuyển từ Bắc vào Nam quá xa và tốn kém là nguyên nhân khiến thép Hòa Phát chưa thực sự đột phá tại thị trường phía Nam. Một số nhà phân phối thép phía Nam cho biết nguồn cung thép Hòa Phát nhiều khi bị gián đoạn, không có hàng để tiêu thụ là nguyên nhân khiến họ không mấy mặn mà.
"Khi nhà máy thép Dung Quất Hòa Phát ra đời, vấn đề trên sẽ giải quyết. Vị trí địa lí của nhà máy rất thuận lợi khi nằm ở ven biển miền Trung và có cảng nước sâu, cho phép tàu 200.000 tấn có thể cập bến, sẽ giúp Hòa Phát dễ dàng vận chuyển thép đến các thị trường tiêu thụ ở cả miền Bắc, miền Nam và xuất khẩu. Cùng với đó, chi phí vận chuyển cũng được tiết giảm ở khâu nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, than mỡ luyện cốc", chuyên gia của KBSV Research cho biết.
Hoà Phát hiện chỉ nắm 9% thị phần thép xây dựng miền Nam. (Nguồn: FiinPro, KBSV Research - Đồ hoạ: Phúc Minh).
Kế hoạch mở rộng ra phía Nam của Hòa Phát đang dần được thực hiện, với việc nhập phôi thép về cho nhà máy cán thép số 1 Dung Quất cán ra thành phẩm, cung cấp cho thị trường phía Nam, mua các cảng đường sông tại Đồng Nai, Cần Thơ để phục vụ logistics, thương lượng với các nhà phân phối vật liệu xây dựng lớn tại miền Nam..
"Chúng tôi cho rằng Hòa Phát sẽ từng bước chiếm lĩnh thị phần thép tại khu vực phía Nam, đặc biệt, bằng chiến lược cạnh tranh về giá. Trong phát biểu gần đây của Chủ tịch Hòa Phát, ông Trần Đình Long, cũng đã khẳng định sẽ tiêu thụ hết thép bằng mọi giá", chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam cho biết.
Không chỉ sự ra đời của "siêu dự án" Dung Quất khiến Hòa Phát gia tăng sản lượng sản xuất, đánh chiếm thị phần phía Nam, mà các công ty chứng khoán cũng nhận định lượng thép cuộn cán nóng (HRC) trong nước sẽ bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trước năm 2017, Việt Nam phải nhập toàn bộ lượng thép cuộn cán nóng phục vụ cho các nhà máy tôn, ống thép hoặc chế tạo máy móc, đa phần từ Trung Quốc, do trong nước chưa tự sản xuất được.
KBSV Research nhận định khi sản phẩm HRC của dự án Dung Quất ra đời, cộng với nguồn cung của Formosa, thì nguồn HRC tự chủ được trong nước sẽ đáp ứng được 70% nhu cầu nội địa.
Tổ hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất. (Ảnh: Zing).
Đặc biệt, thép cuộn cán nóng của Hòa Phát sẽ có lợi thế khi giá chưa đến một nửa giá thép Formosa, do suất đầu tư thấp.
Cụ thể, giá tại Hòa Phát chỉ khoảng 750 USD/tấn, trong khi Formosa là 1.700 USD/tấn. Nguyên nhân là dự án được đầu tư đúng thời điểm chu kì ngành thép thế giới bão hòa, nên giá máy móc sản xuất thấp hơn.
"Giá thành thép xây dựng hiện tại của Hòa Phát đang thấp hơn giá thành thép Trung Quốc khoảng 12%, và khi dự án Dung Quất chạy hết công suất thì giá thành còn có thể hạ xuống mức thấp hơn của Trung Quốc là 15%", KBSV Research cho biết.
Cụ thể, theo nhóm nghiên cứu, giá thành sản xuất thép xây dựng của Hòa Phát tại Khu liên hiệp Dung Quất, với đơn giá nguyên liệu đầu vào hiện tại khi chạy hết công suất, sẽ là 10,545 triệu đồng/tấn thép. Trong khi đó, giá thành sản xuất thép xây dựng bình quân của Trung Quốc 8 tháng gần đây khoảng 12,138 triệu đồng/tấn thép.
"Nhiều khả năng HRC của Dung Quất sẽ đủ sức cạnh tranh với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc", nghiên cứu đánh giá.
Yếu tố khiến giá thành sản xuất của Hòa Phát thấp hơn bình quân thép Trung Quốc là do số bình quân của thép Trung Quốc đã bao gồm cả các nhà máy nhỏ với công suất thấp, và các nhà máy sử dụng công nghệ lò điện EAF với chi phí sản xuất cao hơn.
Thêm vào đó, hiệu suất sử dụng nhà máy của Hòa Phát đang ở mức 100% công suất, trong khi bình quân của Trung Quốc chỉ khoảng hơn 70%.
Tuy nhiên, theo KBSV Research, một yếu tố khác cần lưu ý là tỉ giá đồng nhân dân tệ so với tiền đồng đang có xu hướng giảm. Yếu tố này sẽ làm thu hẹp khoảng cách chênh lệnh giá thành của thép Trung Quốc và thép Hòa Phát.
Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 52.000 tỉ đồng, công suất 4 triệu tấn/năm, sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng.
Dự án được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 1/2017 và tỉnh Quảng Ngãi trao chứng nhận đầu tư trong tháng 2/2017.
Dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai trong 24 tháng từ tháng 2/2017, công suất 2 triệu tấn/năm, gồm 1 triệu tấn thép dài xây dựng và 1 triệu tấn thép dài chất lượng cao.
Giai đoạn 2 sản xuất 2 triệu tấn/năm thép dẹt cán nóng phục vụ cơ khí chế tạo, được từ tháng 8/2017. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ đi vào sản xuất cuối năm 2019. Đây là dự án thép có quy mô lớn thứ hai tại Việt Nam, sau dự án của Formosatại Hà Tĩnh.