Theo Nikkei Asian Review, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) không muốn bị rơi vào "bẫy" khủng hoảng thừa, khi nhu cầu toàn cầu giảm, giống như ngành thép Trung Quốc đã phải chịu những năm trước đó.
Một vấn đề lớn của ngành thép nói chung là gần như không thể dừng một lò cao khi đã đưa vào hoạt động. Nếu sản xuất dư thừa, giá sẽ giảm mạnh và ngành công nghiệp này trên toàn cầu sẽ bị đảo lộn. Chính vì thế, các nhà cung ứng cần xác định được khối lượng mà thị trường đang yêu cầu, trước khi tiến hành việc mở lò cao tiếp theo.
Vào tháng trước, Formosa đã phải xem xét lại kế hoạch mở rộng sản xuất của mình.
FHS đang quay lại với kế hoạch mở lò cao thứ ba. (Ảnh: Nikkei).
Chủ tịch FHS Chen Yuan-Cheng nói với Nikkei, rằng công ty vẫn sẽ nghiên cứu kĩ vấn đề khi giá sản phẩm thép đang giảm, dù đang hoàn tất dự án mở lò cao thứ ba vào cuối năm.
Nhưng mới đây, Hoa Kỳ đã đưa ra những thách thức đối với ngành thép của Việt Nam. Vào ngày 2/7, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết họ sẽ áp mức thuế tối đa 456% đối với các sản phẩm thép được sản xuất tại Việt Nam sử dụng "nguyên liệu cơ bản" (thép chống ăn mòn và thép tấm cán cuộn) từ Hàn Quốc hay Đài Loan.
Và phía FHS đón nhận điều này như một tin vui. Công ty tin rằng họ sẽ được hưởng lợi từ động thái mới đây của Bộ thương mại Hoa Kỳ.
Hiện FHS là nhà sản xuất thép cuộn nóng có trang bị lò cao duy nhất tại Việt Nam. FHS kì vọng khi nguồn thép "đầu vào" từ Hàn Quốc và Đài Loan không còn được ưa chuộng, FHS sẽ đáp ứng được nhu cầu nguồn nguyên vật liệu thay thế ngày một tăng trong tương lai. Phía Bộ Công Thương cũng đã khuyến khích các công ty chế biến thép sử dụng nguyên liệu cơ bản từ các nhà sản xuất trong nước.
Nikkei đánh giá "dòng chảy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Washington đang bắt đầu hoạt động có lợi cho FHS".
Tuy nhiên, Nikkei cũng cảnh báo doanh nghiệp này phải theo dõi cuộc chiến thương mại một cách chặt chẽ. Phần còn lại của châu Á đang chú ý đến FHS và Việt Nam, hiện được coi là quốc gia có thể ảnh hưởng đến giá thép trên toàn khu vực.
Một động lực khác giúp FHS thêm quyết tâm mở lò cao là nhu cầu các thép thành phẩm tại Việt Nam đang gia tăng từng ngày. Nikkei cho biết nhu cầu này đã tăng gấp đôi suốt một thập kỉ vừa qua, trong bối cảnh bùng nổ xây dựng.
Từ năm 2016, sức tiêu thụ thép của Việt Nam hiện đã vượt qua Thái Lan.
Các nhà thầu xây dựng đang có xu hướng mua thép được sản xuất trong nước, và FHS phần nào cũng giúp Việt Nam giảm khối lượng nhập khẩu từ các thị trường Trung Quốc và Nhật Bản.
Từ năm 2016, sức tiêu thụ thép của Việt Nam hiện đã vượt qua Thái Lan. (Ảnh: Word Steel Association).
Nikkei cho rằng thép thường được tiêu thụ nhiều ở những quốc gia có ngành công nghiệp đang "vật lộn" để phát triển mà không có sự hỗ trợ của chính phủ. Lò cao luôn là rào cản lớn đối với các nước "mới nổi" muốn bắt đầu ngành công nghiệp thép. Nhiều nước đang phát triển không thể chi trả hóa đơn xây dựng gần 10 tỉ đô la cho một lò cao và các cơ sở cảng liên quan.
Từ trước tới nay, Việt Nam thường nhập khẩu các sản phẩm thép bán thành phẩm từ các cường quốc châu Á được sản xuất bằng lò cao, sau đó xử lí thành thành phẩm. Điều này cản trở sự phát triển, bởi vì các sản phẩm bán thành phẩm có thể được tự sản xuất với chi phí đầu vào thấp hơn nhiều, nếu được sản xuất bằng lò cao.
FHS được coi là cái tên lớn nhất trong ngành thép được hưởng lợi. Hiện họ đang sản xuất 4,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm. Các nhà sản xuất thép Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài, thay vì nhập khẩu hơn 8 triệu tấn sản phẩm mỗi năm như trước đây.
Hai lò cao FHS đầu tiên nằm trong khuôn viên rộng 2.000 ha ở tỉnh Hà Tĩnh, sản xuất 7,1 triệu tấn thép thô hàng năm, sau đó có thể được xử lí thành thép tấm và các sản phẩm khác. Lò cao thứ ba đã bắt đầu được xây dựng từ cuối năm 2008, với sự hỗ trợ của chính phủ. Tổng vốn đầu tư cho nhà máy, bao gồm các cơ sở cảng, vào 10,5 tỉ USD.
FHS có kế hoạch tăng gấp ba sản lượng thép thô hàng năm lên 22,5 triệu tấn. Đây là con số vô cùng ấn tượng. Bởi từ trước tới nay chưa có một nhà máy nào tại Nhật Bản hay Trung Quốc có thể sản xuất hơn 20 triệu tấn trong một năm.
Không chỉ dừng lại ở thị trường trong Việt Nam, FHS cũng đang có tham vọng cung cấp các sản phẩm bán thành phẩm của mình cho các nước Đông Nam Á khác.
Nhu cầu về các sản phẩm thép đang tăng lên trong khu vực ASEAN, trong bối cảnh những nhà sản xuất ô tô khác nhau đang liên tiếp mở cửa hàng, chính phủ các quốc gia cũng đang cải thiện cơ sở hạ tầng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, khó khăn với FHS là họ chưa thể đáp ứng nhu cầu về các loại sản phẩm có giá trị gia tăng cao được sử dụng trong sản xuất ô tô, lĩnh vực mà các nhà máy thép của Nhật Bản dẫn đầu.
Để thâm nhập vào thị trường này, FHS dự định hợp tác với cổ đông Nhật Bản, JFE Steel, nhằm nâng cao tính công nghệ trong hoạt động sản xuất và quản lí. "Hợp tác với JFE là cần thiết để mở rộng các dòng sản phẩm, đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của chúng", Chủ tịch FHS nói với Nikkei.