Tại họp báo thường kì của Bộ Công Thương chiều nay, 4/7, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục phòng vệ Thương mại, đã có những chia sẻ xung quanh vụ việc Mỹ tuyên bố đánh thuế cao với thép Việt Nam có xuất xứ Hàn Quốc, Đài Loan.
Ông Dũng cho biết, vào ngày 2/7/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra tránh trốn thuế chống bán phá giá, trợ cấp với các sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng, hay là thép nền được nhập khẩu từ Đài Loan Trung Quốc và Hàn Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp thuế lên tới 456% đối với một số loại thép được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan, sau đó được chuyển đến Việt Nam để thêm chút gia công và cuối cùng được xuất khẩu sang Mỹ. (Ảnh: Business Korea).
Vụ việc này được phía Hoa Kỳ khởi xướng điều tra từ ngày 2/8/2018, sau khi Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép cán nguội, thép chống ăn mòn của Đài Loan Trung Quốc và Hàn Quốc.
Sau 11 tháng điều tra, phía Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã sơ bộ kết luận về việc sản xuất thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng thép cán nóng, thép nền được nhập khẩu từ Đài Loan Trung Quốc và Hàn Quốc là sự chuyển đổi không đáng kể và giúp lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng.
Trong trường hợp mà thép cán nguội, thép chống ăn mòn của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam thì sẽ không bị áp thuế. Theo thông lệ trước đây của Hoa Kỳ, nếu doanh nghiệp nhập khẩu thép cán nóng, sau đó sản xuất thành các chủng loại thép khác được coi là chuyển đổi đáng kể, và không bị coi là lẩn tránh thuế.
"Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm trở lại đây, phía Mỹ đã thay đổi quan điểm và yêu cầu rằng, thép phải được sản xuất từ thép cán nóng, được sản xuất trong nước mới được coi là không trốn thuế", Cục trưởng Cục phòng vệ Thương mại thông tin thêm.
Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp thép có liên quan của Việt Nam cung cấp những thông tin đầy đủ về quá trình sản xuất tại Việt Nam, cũng như mức độ giá trị gia tăng của sản phẩm.
Bộ cũng đã cảnh báo, kiến nghị các doanh nghiệp về việc các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu có thể thay đổi quy định, đề ra những yêu cầu khắt khe hơn trong các vụ việc điều tra gian lận thương mại, để các doanh nghiệp nghiên cứu. Bộ yêu cầu các công ty này đề ra các chiến lược kinh doanh phù hợp, chuyển sang nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.
Theo thông lệ của Hoa Kỳ, kết luận chính thức sẽ được đưa ra từ 3-4 tháng kể từ khi có kết luận sơ bộ.
Như vậy, dự kiến phía Hoa Kỳ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề thép Việt Nam vào tháng 9 hoặc tháng 10/2019. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp từ Hoa Kỳ trong những giai đoạn tiếp theo, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp thép Việt Nam, phù hợp với các quy định của pháp luật và của WTO, đồng thời ngăn chặn các hành vi lẩn tránh thuế bất hợp pháp hay gian lận xuất xứ.
Ngày 2/7, Bộ Thương mại Mỹ thông tin sẽ áp thuế lên tới 456% đối với một số loại thép được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan, sau đó được chuyển đến Việt Nam để thêm chút gia công và cuối cùng được xuất khẩu sang Mỹ.
Cơ quan này cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã phát hiện các sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam, sử dụng chất nền có nguồn gốc từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan, để lách thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.
"Thuế đối với các sản phẩm của Hàn Quốc và Đài Loan được áp dụng vào tháng 12/2015 và tháng 2/2016. Kể từ thời điểm đó đến tháng 4/2019, các lô hàng sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội từ Việt Nam đến Mỹ đã tăng thêm 332% và 916% so với các giai đoạn tương tự ngay trước đó", tuyên bố cho biết.
Động thái của Bộ Thương mại Mỹ được cho là xuất phát từ yêu cầu của các Công ty Mỹ ArcelorMittal SA, Nucor Corp, United States Steel Corp, Steel Dynamics, California Steel Industries và AK Steel Corp.