'Địa chấn' ngành thép, nhưng không bất ngờ!

Ngành thép Việt Nam đã trải qua cơn 'địa chấn' khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) quyết định áp mức thuế lên tới 456,23% với thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan.
Địa chấn ngành thép, nhưng không bất ngờ! - Ảnh 1.

Sử dụng thép cán nguội tại một doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. (Ảnh: T.V.N).

Mức thuế nói trên sẽ được áp dụng lên các sản phẩm tương tự nhập khẩu trong tương lai, thậm chí với cả các đơn hàng nhập khẩu chưa giao hết, được ký từ ngày 2/8/2018. Đây là mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất mà phía Hoa Kỳ từng áp dụng với sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Đã được cảnh báo

Việc điều tra chống lẩn tránh thuế các sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam đã được Mỹ khởi xướng từ đầu tháng 8/2018, theo yêu cầu của các doanh nghiệp và Hiệp hội Thép Mỹ.

Các nguyên đơn này đã cáo buộc Việt Nam sử dụng thép nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan để làm nguyên liệu sản xuất chính, sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên các sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội từ Hàn Quốc và Đài Loan, khiến lượng sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến, lần lượt 331% và 916% so với các năm trước đó.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Sưa - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) - cho rằng mức thuế nói trên quá cao, nhưng lại là điều "không hề bất ngờ, vì các cảnh báo của VSA với các doanh nghiệp từ nhiều năm qua, nhưng đã không được các nhà sản xuất lưu tâm". 

Trong 5 năm gần đây, ngành sản xuất thép Việt Nam liên tục đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, với mức độ ngày càng gia tăng.

Chẳng hạn vào năm 2016, Liên minh châu Âu (EU) từng cử phái đoàn sang điều tra các doanh nghiệp sản xuất thép đã xuất khẩu với số lượng lớn sang thị trường này, sau khi EU áp thuế chống bán phá giá lẫn trợ cấp đối với nhiều chủng loại sản phẩm thép có nguồn gốc từ Trung Quốc.

"Tham gia với đoàn điều tra, tôi đã được nghe phái đoàn EU cảnh báo một vài doanh nghiệp chưa đầy một tuần nhập cả hàng chục ngàn tấn thép rồi nhanh chóng xuất đi ngay. Họ đặt nghi vấn làm sao trong một thời gian ngắn mà các doanh nghiệp có thể gia công hay sản xuất một lượng nguyên liệu khổng lồ nhập khẩu như thế", ông Sưa nói.

Phải tìm nguồn nguyên liệu khác

Báo cáo cạnh tranh năm 2018 của Bộ Công Thương ghi nhận tính đến cuối năm 2017, ngành thép Việt Nam đã chịu gần 30 vụ kiện phòng vệ thương mại, chiếm khoảng 25% tổng số vụ kiện trong năm và là ngành bị kiện tụng nhiều nhất hiện nay.

Theo VSA, Mỹ là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 6 tỉ USD năm vừa qua. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp ngành thép, mức thuế mới gần như đã "đóng cửa" hoàn toàn đối với thị trường này, nếu không chuyển đổi nguyên liệu phù hợp.

"Thay vì nhập khẩu nguyên liệu thép từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, đã đến lúc ngành thép phải tìm nguồn cung trong nước hoặc từ các nước chưa bị Mỹ áp thuế, như từ Nhật Bản, nếu còn muốn xuất khẩu sang Mỹ", một doanh nghiệp thép thừa nhận.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết việc áp thuế này với hàng nhập khẩu từ Việt Nam được thực hiện sau một quá trình điều tra, do sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập từ Hàn Quốc và Đài Loan. Khi phát hiện có vi phạm, bất kể là doanh nghiệp có vốn trong nước hay doanh nghiệp FDI cũng đều bị đánh thuế.

Để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, Bộ Công thương đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan rà soát, phân công lại và siết chặt việc cấp CO, đồng thời khuyến nghị doanh nghiệp thận trọng mở rộng đầu tư sản xuất sản phẩm thép do nguồn cung trên thế giới có hiện tượng dư thừa, chưa kể nhiều nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với các mặt hàng này.

Nếu sản xuất với mục tiêu xuất khẩu, doanh nghiệp phải tìm nguồn nguyên liệu phù hợp. 

"Với nhà máy của Formosa đã đưa vào hoạt động và tới đây là Nhà máy Hòa Phát Quảng Ngãi, Việt Nam sẽ cơ bản chủ động được nguồn nguyên liệu thép cán nóng, hạn chế bị ảnh hưởng bởi mức thuế cao do Mỹ áp dụng" - vị này nói.

Bộ Công Thương lên tiếng

Theo thông cáo vừa được Bộ Công thương đưa ra, ngày 2/7 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc.

Theo DOC, việc sản xuất thép CR, CORE từ thép cán nóng nhập khẩu từ các nguồn này đã giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với Đài Loan và Hàn Quốc.

Dự kiến DOC sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào tháng 9/2019. Theo cảnh báo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt là chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác.

Tag:
chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.