Người dân chặn cổng công ty thép vì nghi gây ô nhiễm môi trường

Cho rằng Công ty thép Việt – Pháp hoạt động gây ô nhiễm môi trường nên người dân ở phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) chặn xe, yêu cầu chính quyền can thiệp.

Bà Lê Thị Thắng (75 tuổi, ngụ khối 7A, phường Điện Nam Đông) cho biết, Công ty thép Việt – Pháp hoạt động từ năm 2009 đến nay gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Khói bụi từ nhà máy khiến người dân khó thở, ban đêm từ 22h đến 4h sáng tiếng ồn từ máy móc làm không ai ngủ được.

“Tôi già rồi cần giấc ngủ yên tĩnh mà mỗi đêm nghe tiếng máy ầm ầm. Mấy năm qua khi người dân chúng tôi có ý kiến thì chính quyền có can thiệp, yêu cầu nhà máy giảm bớt công suất hoạt động. Vậy mà giờ mọi việc vẫn như cũ. Tiếng máy nổ chát chúa, khói đen bốc mùi hôi thối lan tỏa cả một vùng”, bà Thắng nói.

nguoi dan chan cong cong ty thep vi nghi gay o nhiem moi truong
Người dân chặn cổng Công ty thép Việt - Pháp nên xe tải xếp hàng dài vào ngày 4/7. Ảnh: CTV

Một người dân khác cho biết, vì bức xúc việc Công ty thép Việt – Pháp hoạt động gây ô nhiễm, hai ngày 4 và 5/7, người dân đã đem chướng ngại vật ra chặn đường Lạc Long Quân dẫn vào công ty.

Hàng chục xe tải chở nhiên liệu sản xuất thép phải xếp hàng trên đường vì không vào được nhà máy. Khi được chính quyền can thiệp, người dân mới cho xe vào.

Tuy nhiên, người dân yêu cầu sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm, nếu không sẽ tiếp tục chặn xe, dựng lều bạt phản đối.

Đây không phải là lần đầu tiên Công ty thép Việt – Pháp bị người dân bức xúc liên quan đến vấn đề môi trường.

Vào giữa năm 2014, hơn 100 người dân đã dựng lều, bạt để ở chặn xe yêu cầu kiểm tra dấu hiệu gây ô nhiễm.

nguoi dan chan cong cong ty thep vi nghi gay o nhiem moi truong
Người dân dựng lều bạt chặn xe ra vào Công ty thép Việt - Pháp năm 2014. Ảnh: Quang Nam

Đoàn liên ngành tỉnh Quảng Nam sau đó lấy mẫu giám định, xác định khí thải nằm trong quy chuẩn cho phép.

Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương và người dân kiểm tra xung quanh nhà máy này thì phát hiện có dấu hiệu ô nhiễm như nước thải đèn ngòm, khí thải đen mù mịt nên chặn xe, yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Lúc đó chính quyền tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn) đã tổ chức đối thoại nên tình hình mới được giải tỏa. UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu rút ngắn thời gian thực hiện dự án công ty thép này từ 50 năm xuống còn 18 năm.

Tháng 10/2016, UBND tỉnh Quảng Nam đối thoại với người dân, đồng ý cho Công ty thép Việt – Pháp đầu tư nhà máy thép tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi Nam Giang. Tuy nhiên, nhiều người dân ở nơi được chuyển đến không đồng tình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Minh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, việc công ty thép này hoạt động gây ô nhiễm đã tồn tại ở địa phương nhiều năm nay qua.

Trước mắt, chính quyền sẽ yêu cầu công ty giảm công suất hoạt động để không gây ô nhiễm.

“Thị xã cũng đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh với mong muốn di dời công ty thép. Tuy nhiên công ty này muốn được hỗ trợ 130 tỷ đồng để chuyển đến nơi khác nên rất khó!”, ông Dũng thông tin.

Trong khi đó theo quan sát của chúng tôi ngày 7/7, Công ty thép Việt - Pháp vẫn đang tiếp tục hoạt động, gây tiếng ồn khiến người dân sinh sống xung quanh khó chịu. Xung quanh công ty này được bảo vệ chặt chẽ.

nguoi dan chan cong cong ty thep vi nghi gay o nhiem moi truong Đắk Lắk: Cá chết nổi trắng hồ, người dân nghi do khu công nghiệp xả thải

Hàng loạt cá trên hồ Ea Trum bỗng dưng chết bất thường. Nhiều người dân đã vớt lên ăn hoặc mang đi bán.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.