Cổ đông lớn Kusto lấy lí do gì triệu tập Đại hội cổ đông Coteccons?

Kusto đặt nghi vấn về cân bằng lợi ích khi một số cá nhân vừa là thành viên HĐQT Coteccons, vừa quản lí Ricons. Chưa kể trông khi lợi nhuận Ricons ngày càng cải thiện thì Coteccons thụt lùi thấy rõ.

Vừa là thành viên HĐQT Coteccons, vừa quản lí Ricons

Công ty Kustocem (Kusto), một trong những cổ đông lớn và lâu dài của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons, trước thời điểm đại hội cổ đông Coteccons đã phát thông báo bắt đầu việc tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường.

Doanh nghiệp đang nắm giữ 17,55% cổ phần trong Coteccons cho biết việc này nhằm giúp cổ đông có thể biểu quyết về việc thay đổi Hội đồng Quản trị (HĐQT) hiện tại, bầu ra HĐQT mới và thực hiện kiểm toán đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh của Coteccons, liên quan tới các vấn đề về xung đột lợi ích, các giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt là các giao dịch giữa Coteccons và các công ty còn lại trong Coteccons Group từ thời điểm năm 2017.

Kusto cho biết động thái này được thực hiện sau nhiều năm nỗ lực không thành công trong việc đối thoại với HĐQT hiện tại của Coteccons, để giải quyết các vấn đề một cách nội bộ. Trong thông cáo phát đi vào ngày 2/6, Kusto nhấn mạnh: "Những năm qua, Kusto đã nhiều lần đặt ra câu hỏi cho HĐQT và Ban giám đốc về các vấn đề nghiêm trọng, liên quan đến xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan, việc sử dụng tài nguyên và uy tín của Coteccons cho lợi ích của các công ty khác gọi lại 'Coteccons Group' mà các thành viên của HĐQT và Ban giám đốc Coteccons có các lợi ích liên quan lợi ích, yêu cầu HĐQT và Ban giám đốc tôn trọng nghĩa vụ của người nhận ủy thác đối với Coteccons và cổ đông.

Kusto nói một số thành viên của HĐQT và Ban giám đốc hiện đồng thời nắm giữ các chức vụ quản lí quan trọng tương tự tại Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Ricons, bao gồm cả vị trí chủ tịch và đại diện theo pháp luật. "Chính họ và/hoặc những người liên quan có sở hữu số cổ phần đáng kể trong Ricons, trong khi cũng là những người có quyền quyết định các hoạt động hàng ngày tại Coteccons", thông báo của Kusto khẳng định.

Theo bố cáo doanh nghiệp của Ricons vào tháng 7/2014, ông Nguyễn Sỹ Công là Chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật. Ông Công hiện đang giữ chức vụ Tổng giám đốc Coteccons.

Từ tháng 10/2016 đến nay, Chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật của Ricons đổi sang ông Trần Quang Quân. Ông Quân hiện là Phó Tổng giám đốc Conteccons.

Ông Nguyễn Sỹ Công (trái) và ông Trần Quang Quân (phải) đều đã và đang giữ chức Chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật của Ricons. (Ảnh: Coteccons).

Bên cạnh đó, theo Kusto, Ricons, ngoài việc là nhà thầu phụ của Coteccons, cũng là đối thủ cạnh tranh của Coteccons. Ricons cung cấp dịch vụ tổng thầu, thiết kế, thi công và đây cũng là những hoạt động kinh doanh chính của Coteccons. Cả hai đơn vị cạnh tranh trong cùng phân khúc thị trường.

Kusto đặt nghi vấn về lợi nhuận ròng sau thuế của Ricons năm 2015 mới chỉ bằng 11% lợi nhuận ròng sau thuế của Coteccons. Thế nhưng đến năm 2019, con số này đã tăng lên bằng 51% lãi Coteccons.

Vin vào các số liệu trên, Kusto đặt ra câu hỏi về xung đột lợi ích của một số lãnh đạo cấp cao nhất của Coteccons trong các vấn đề sống còn của hai đơn vị. "Các lãnh đạo cấp cao của Coteccons quyết định chọn công ty nào đấu thầu cho dự án nào, khi họ đồng thời quản lí cả hai công ty cạnh tranh trực tiếp với nhau? 

Các lãnh đạo cấp cao của Coteccons và Ricons quyết định phân bổ lợi nhuận cho từng bên như thế nào trong các hợp đồng giữa hai bên?

Nếu lãnh đạo cấp cao của Coteccons hành động vì lợi ích tốt nhất của Coteccons, thì họ đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình với cổ đông của Ricons và ngược lại", cổ đông này đặt câu hỏi.

Yêu cầu ông Nguyễn Bá Dương lập tức từ chức Chủ tịch HĐQT Coteccons

Từ các lí do trên, Kusto cho biết, đơn vị này không thể tiếp tục đặt niềm tin vào HĐQT và Ban giám đốc của Coteccons hiện tại. Kusto khẳng định niềm tin của mình đã mất, đặc biệt là với các thành viên điều hành chủ chốt, bao gồm ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch và đại diện pháp luật của Coteccons; ông Nguyễn Sỹ Công - thành viên HĐQT và Tổng Giám đốc Coteccons cùng ông Trần Quang Quân - Phó Tổng giám đốc Coteccons.

"Chúng tôi yêu cầu họ ngay lập tức từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons", Kusto nhấn mạnh.

Vì sao cổ đông lớn Kusto triệu tập Đại hội cổ đông bất thường với Coteccons? - Ảnh 2.

Kusto khẳng định không thể tiếp tục đặt niềm tin vào ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT và đại diện pháp luật của Coteccons. (Ảnh: NDH).

"Đây không phải là sự mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông mà là mâu thuẫn giữa tất cả các cổ đông của Coteccons và đội ngũ quản lí cấp cao hiện tại của Coteccons, những người không hành động vì lợi ích cao nhất của Coteccons". Kusto khẳng định và cho rằng, việc tiếp tục trao quyền quản lí cho đội ngũ quản lí cao cấp hiện tại của Coteccons là một rủi ro sống còn cho nhà thầu số 1 Việt Nam. Việc này có thể phá hủy tất cả giá trị cổ đông của Coteccons.

Nhà thầu số 1 Việt Nam có hụt hơi?

Kể từ khi gây tiếng vang lớn với việc nhận 25 triệu USD đầu tư từ nước ngoài năm 2012, Coteccons đã vươn lên trở thành nhà thầu xây dựng số 1 tại Việt Nam, với doanh thu trên 1 tỉ USD. Coteccons trở thành lựa chọn đầu tiên cho vai cho tổng thầu các dự án lớn tại Việt Nam, nổi bật là công trình toà nhà cao nhất nước Landmark 81 tại TP HCM với chủ đầu tư là Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng.

Cổ phiếu Coteccons thời hoàng kim đã lên tới gần 250.000 đồng/cổ phiếu. Lúc bấy giờ, chia sẻ trên NDH, ông Bá Dương khẳng định: "Quên giá cổ phiếu đi, cái cần quan tâm chính là lợi nhuận và cổ tức cho cổ đông".

Vì sao cổ đông lớn Kusto triệu tập Đại hội cổ đông bất thường với Coteccons? - Ảnh 3.

Kusto đặt nghi vấn, lợi nhuận sau thuế của Ricons năm 2015 mới chỉ bằng 11% của Coteccons, nhưng đến năm 2019, con số này đã tăng lên bằng 51%. (Đồ hoạ: Tất Đạt).

Tuy nhiên, vài quý trở lại đây, công ty đầu ngành này lại như một cổ xe già nua, ì ạch. Doanh thu năm 2019 giảm 17%, xuống 23.733 tỉ đồng, lần đầu tiên suy giảm kể từ 2012. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức thấp nhất từ 2016 và giảm 53% so năm 2018 đạt 711 tỉ đồng. Sang đến quý đầu năm nay, tình hình kinh doanh  tiếp tục giảm sút với doanh thu 3.554 tỉ đồng và lãi ròng 123 tỉ đồng; lần lượt giảm 15,4% và giảm 34,6%.

Giá cổ phiếu của Coteccons theo đó đã tụt dốc không phanh, hiện chỉ còn chưa tới 1/3 mức đỉnh.

Coteccons Group được quảng bá là một hệ sinh thái bao gồm Coteccons và một số các công ty khác có quan hệ mật thiết, như Unicons, Ricons, FDC (Newtecons), BM Windows, Boho Décor, Dcons, SMART,…

Hiện nay, Coteccons chỉ sở hữu 14,3% cổ phần tại Ricons và không sở hữu cổ phần nào trong các công ty còn lại (trừ Unicons đã được sáp nhập 100%). Trong khi Coteccons chứng kiến kết quả kinh doanh sụt giảm thì Ricons vẫn liên tục tăng trưởng, thậm chí biên lợi nhuận ngày càng bỏ xa Coteccons.

Cụ thể, doanh thu thuần quí I/2020 của Ricons đạt 1.092 tỉ đồng, tăng 21,2% so với cùng kì năm trước. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ các hợp đồng xây dựng với doanh thu tăng từ 739,4 tỉ đồng lên 946 tỉ đồng. Biên lãi gộp của Ricons trong quí I/2020 đã tăng 6,8%, cao hơn đáng kể so với mức 5,5% của Coteccons.

Vì sao cổ đông lớn Kusto triệu tập Đại hội cổ đông bất thường với Coteccons? - Ảnh 4.

Trong khi biên lãi gộp của Ricons đang được cải thiện, tiêu chí này của Coteccons lại có xu hướng giảm, thậm chí còn thấp hơn nhiều so với Ricons. (Đồ hoạ: Tất Đạt).