Vì đâu 'đại gia' xây dựng số 1 Việt Nam Coteccons lãi thấp kỉ lục?

Quý II/2019, Coteccons có lãi thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Kể từ mức lợi nhuận kỉ lục năm 2017, tình hình kinh doanh của Coteccons đang ngày càng đi xuống. Bức tranh màu xám này của “đại gia” ngành xây dựng số 1 cả nước bắt đầu từ khi xảy ra hiện tượng "chảy máu chất xám" hai năm trước.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019, do Công ty CP Xây dựng Coteccons vừa công bố, cho thấy tình hình kinh doanh của "đại gia" ngành xây dựng này đang không được như kì vọng, và ghi nhận mức lãi thấp nhất trong nhiều năm qua.

Lợi nhuận thấp kỉ lục, vốn hóa của đại gia xây dựng số 1 Việt Nam mất gần 9.000 tỉ đồng

Quý II/2019, doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Coteccons chỉ đạt 5.788 tỉ đồng, giảm 30% so với cùng kì. Theo đó, lợi nhuận trước thuế cũng chỉ đạt 156 tỉ đồng. Vào quý II/2018, lợi nhuận trước thuế của Coteccons đến 534 tỉ đồng.

 Như vậy, lợi nhuận của anh cả trong ngành xây dựng này đã giảm đến gần 71% so với cùng kì năm ngoái.

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-18 lúc 14

Lợi nhuận sau thuế của Coteccons thấp nhất trong vài năm trở lại đây. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Đáng chú ý, nếu so với kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2019, vốn là thời gian thấp điểm của ngành xây dựng, thì doanh thu và lợi nhuận quý II của Coteccons cũng ở mức thấp hơn.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, Coteccons chỉ đạt doanh thu thuần 10.038 tỉ đồng và lãi sau thuế 313 tỉ đồng, giảm lần lượt 20% và 56% so với cùng kì năm ngoái.

Với kết quả kinh doanh này, kết thúc nửa năm tài chính 2019, Coteccons chỉ mới hoàn thành 37% chỉ tiêu doanh thu và 24% kế hoạch lãi cho cả năm.

Giải thích về sự biến động kết quả kinh doanh quý II/2019, cụ thể là tình trạng sụt giảm lợi nhuận đến hơn 70%, Coteccons cho biết nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng từ giá vốn hàng bán chiếm gần 97% trong doanh thu thuần, lên đến 5.604 tỉ đồng. 

Trong khi đó, hoạt động liên doanh, liên kết lại lỗ hơn 10 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái, việc liên doanh, liên kết với các công ty giúp Coteccons có đến hơn 1.330 tỉ đồng.

Cổ phiếu CTD của Coteccons kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (19/7) đứng ở mức 111.100 đồng/ cổ phiếu. Mức giá này nếu so với cùng kì năm trước thì đã giảm 24,25%. Còn nếu so với mức giá đỉnh gần 230.000 đồng/cổ phiếu (ghi nhận cuối 2017), cổ phiếu CTD đã giảm hơn 50%. Vốn hóa của Coteccons theo đó chỉ còn hơn 8.485 tỉ đồng. So với đỉnh ghi nhận cuối 2017, vốn hóa của Coteccons bốc hơi gần 9.000 tỉ đồng.

"Chảy máu chất xám" 

Lãi sau thuế quý II/2019 là mức lãi thấp nhất 4 năm trở lại đây của Coteccons. Và doanh nghiệp này đã giảm lợi nhuận trong quý thứ ba liên tiếp.

Đáng chú ý, kể từ mức lợi nhuận kỉ lục đạt được vào năm 2017, đến 1.653 tỉ đồng, tình hình kinh doanh của Coteccons có dấu hiệu đi xuống và kéo dài đến nay. 

Năm 2018, lợi nhuận Coteccons giảm 9%. Đến 2019, con số kế hoạch lại tiếp tục giảm 14%, còn 1.300 tỷ đồng.

Ảnh chụp Màn hình 2019-07-18 lúc 14

Lợi nhuận Coteccons bắt đầu giảm từ năm 2017, trùng thời điểm lùm xùm "chảy máu chất xám" tại doanh nghiệp. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Ngoài tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động thời gian qua, thì việc hiệu quả kinh doanh của Coteccons đi xuống được cho là gắn với sự kiện "chảy máu chất xám" tại công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam này.

Giữa năm 2017, ông Trần Quang Tuấn - nguyên Phó tổng giám đốc Coteccons đã quyết định thành lập công ty riêng. Là một trong những người đầu tiên tại Coteccons, sự ra đi của ông Tuấn kéo theo nhiều nhân sự quan trọng, chủ chốt khác, hàng loạt hợp đồng lớn của Coteccons cũng "đi theo".

Đơn cử, hàng loạt dự án lớn như Vincom Shophouse Cà Mau, Vinpearl Nam Hội An, Vinhomes Riverside - The Harmony, Vinhomes Star City Thanh Hóa của Tập đoàn Vingroup đều đã về tay Central Cons - công ty xây dựng của ông Trần Quang Tuấn.

Ngoài ra, nhiều dự khác của Phát Đạt như Westin Resort & Spa Cam Ranh, dự án The Arena Cam Ranh của  Công ty CP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang… cũng do công ty bất động sản còn trẻ này thực hiện.

Central Cons được cho là ngày càng đi lêngiữa lúc doanh thu và lợi nhuận của Coteccons ngày càng có phần hạ nhiệt.

org_3fd875179bbabbf8_1524826484000-1120x750-c

Vinpearl Nam Hội An về tay Central Cons - công ty xây dựng của ông Trần Quang Tuấn. (Ảnh: Vinpearl Nam Hội An).

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 diễn ra hồi tháng 4, Coteccons ồn ào chuyện sáp nhập Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons. Hiện Coteccons nắm giữ 15% vốn, và có hơn 24% quyền biểu quyết tại công ty này. 

Theo kế hoạch, tỉ lệ hoán đổi chính thức sẽ được xác định và phê duyệt bởi Đại hội cổ đông sau khi có báo cáo định giá của một công ty tư vấn. Thời điểm phát hành dự kiến trong năm 2019-2020. Sau khi hoán đổi, Coteccons sẽ sở hữu hoàn toàn 100% Ricons, và chuyển đổi công ty này thành Công ty TNHH MTV.

Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons cho biết việc sáp nhập này nhằm tăng tính phòng thủ cho công ty. Tuy nhiên, việc sáp nhập đã không thành hiện thực vì vấp phải sự phản đối quyết liệt của cổ đông vì không thấy được tính hợp lí và chiến lược rõ ràng.

Coteccons: Ghi dấu loạt dự án nghìn tỉ từ Bắc vào Nam

Coteccons của ông Nguyễn Bá Dương là đơn vị thực hiện hàng loạt dự án lớn trải dài trên khắp cả nước. Dự án lớn nhất mà Coteccons xây dựng là công trình cao nhất Đông Nam Á - tòa nhà Landmark 81 tại TP HCM và Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast tại Hải Phòng, đều thuộc Tập đoàn Vingroup.

img5033-1556424646136653390002

Landmark 81 là công trình kỉ lục do Coteccons thực hiện. (Ảnh: Phúc Minh).

Tại miền Bắc, Coteccons đang thực hiện hàng loạt dự án lớn như Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí Vân Đồn (1.100 tỉ đồng), The Sapphire Residence Hạ Long (1.200 tỉ đồng), Premier Village Hạ Long (1.100 tỉ đồng), Hilton Hạ Long (2.300 tỉ đồng), khách sạn Pullman Hải Phòng (1.600 tỉ đồng), Vinhomes Imperia (1.000 tỉ đồng), Vincom Bắc Ninh (1.200 tỉ đồng)…

Riêng tại Hà Nội, Coteccons thực hiện hàng loạt dự án nghìn tỉ: D'Capitale (4.800 tỉ đồng), Vinhomes Metropolis (3.000 tỉ), The Manor Central Park (2.000 tỉ đồng)…

Ở miền Trung, Coteccons là tổng thầu của các "siêu dự án"như Casino Nam Hội An (7.000 tỉ đồng), Khu liên hợp gang thép Dung Quất (1.800 tỉ), Cụm dự án Time Square Đà Nẵng, A&B Central Square Nha Trang, Scenia Nha Trang (2.100 tỉ đồng)…

Tại miền Nam, ngoài dự án Landmark 81 lên đến 11.000 tỉ đồng, công ty xây dựng của ông Nguyễn Bá Dương cũng thi công nhiều công trình lớn khác như One Verandah (1.800 tỉ đồng), Hà Đô Centrosa Garden (1.200 tỉ), Cụm dự án nhà xưởng công nghiệp Bình Dương và Tây Ninh (1.400 tỉ), dự án Grandeur Palace (1.000 tỉ)…