Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế là vì cả nước, chứ không riêng cho thành phố

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là vì sự phát triển của cả nước. Thành phố sẽ quyết tâm thực hiện để tranh thủ cơ hội, không để loay hoay như hơn chục năm qua.

Trước băn khoăn của nhiều chuyên gia khi hiến kế "Xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế", liệu đề án có tiếp tục giậm chân tại chỗ như suốt gần 20 năm qua, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nói thành phố sẽ quyết tâm và không để đánh mất cơ hội.

"Cả TP HCM với hơn 10 triệu dân và cả nước gần 100 triệu dân thì phải có một trung tâm tài chính chung, một thị trường lành mạnh. Sẽ không có lần thứ hai, khi người ta đi tàu mất rồi thì mình sẽ chạy không kịp", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Đề án loay hoay vì thành phố chưa phối hợp chặt chẽ với trung ương

Đồng tình quan điểm của các chuyên gia, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết mục tiêu đưa TP HCM thành trung tâm tài chính của cả nước, rộng ra là khu vực và thế giới, đã có từ rất lâu.

Tuy nhiên, suốt gần 20 năm, đề án vẫn chưa thể thực hiện được.

DSC05869-crop

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP HCM quyết tâm thực hiện đề án xây dựng TP thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới. (Ảnh: Kỳ Hoa).

"Tại sao lại chưa thành công? Đơn giản vì chúng ta chưa thật sự đeo bám và trung ương cũng chưa quan tâm đầy đủ thành phố. Hai cái thiếu cộng lại thì chắc chắn sẽ thiếu. Sắp tới, nếu cả hai điều này đều đầy đủ, tức TP HCM và trung ương cùng phối hợp thì sẽ thực hiện được", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Ông cũng cho rằng việc xây dựng TP HCM trở thành một trung tâm tài chính lớn là vì sự phát triển của cả nước, phục vụ cho cả nước, chứ không chỉ dành riêng cho TP HCM.

Theo Bí thư Nhân, việc xây dựng và thực hiện đề án này hiện nay là kết hợp của sự cần thiết và thời cơ đang đến.

Cụ thể, trung tâm tài chính của khu vực là cần thiết, vì là đây là nhu cầu của khu vực kinh tế phía Nam. Dẫn chứng về điều này, theo Bí thư Nhân, chỉ riêng TP HCM đã có khoảng 50% doanh nghiệp cả nước hoạt động, nếu tính vùng phụ cận thì tỉ lệ này phải lên đến 65%. Vì vậy, nhu cầu là "cực kì lớn, nếu làm tốt sẽ phục vụ cho cả nước, ngoài ra còn cả nước ngoài".

Trong khi đó, TP HCM lại là đầu tàu của cả nước về nhiều chỉ số phát triển: đóng góp đến 45% GDP cả nước, 42% ngân sách, dịch vụ giá trị gia tăng chiếm 46%.

Đầu tư nước ngoài về tổng dự án tại TP HCM chiếm 56%, giá trị đầu tư 45%, kiều hối cả vùng chiếm 60%, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán chiếm hơn 90%... đó là những con số cần thiết phải xây dựng một trung tâm tài chính xứng tầm.

DSC05890

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các chuyên gia bên lề hội thảo "Xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" ngày 17/7/2019. (Ảnh: Kỳ Hoa).

Ngoài ra, quy mô kinh tế của riêng TP HCM rất ấn tượng, bằng quy mô kinh tế cả nước 10 năm trước đó. 

Đơn cử, năm 2000, quy mô kinh tế cả nước khoảng 442.000 tỉ thì năm 2010, quy mô kinh tế của TP HCM đã đạt 463.000 tỉ. Năm 2005, quy mô kinh tế cả nước đạt 914 tỉ, thì năm 2016, quy mô kinh tế của TP HCM đạt 970.000 tỉ. Vì vậy, cứ sau 10 năm, TP HCM sẽ đuổi kịp quy mô kinh tế của cả nước ở giai đoạn trước.

"TP HCM sẽ quyết tâm hoàn thành đề án chất lượng, báo cáo trung ương, nếu được thông qua sẽ nhanh chóng bắt tay vào làm. Phải có một trung tâm tài chính chung, một thị trường lành mạnh. Sẽ không có lần thứ hai, khi người ta đi tàu mất rồi thì mình sẽ chạy không kịp", Bí thư Nhân khẳng định

Bắt tay vào thực hiện ngay khi được Thủ tướng phê duyệt

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng vạch ra một số kế hoạch cơ bản để TP HCM sớm hoàn thành đề án, trình Chính phủ phê duyệt trước khi thực hiện.

Cụ thể, việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế sẽ không tách rời phát triển thành phố thông minh và khu đô thị sáng tạo tại phía Đông. Thành phố sẽ chọn trí tuệ nhân tạo làm điểm quan trọng nhất để phát triển, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tài chính.

Việc phát triển này cũng không tách rời 4 lĩnh vực thành phố đang bàn, để đạt chuẩn quốc tế, gồm giáo dục đào tạo, dịch vụ y tế, môi trường kinh doanh và dịch vụ viễn thông 5G.

"Tôi kiến nghị, đến tháng 10 phải xong đề cương chi tiết, để xem việc thực hiện quyết tâm trở thành trung tâm tài chính cả nước có khả thi hay không. Trên cơ sở đó mới hoàn chỉnh phần cứng, thiết kế hạ tầng, vị trí dự án", Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.

img5099-1556563257628685973598

Thủ Thiêm được chọn làm nơi đặt trung tâm tài chính khu vực và thế giới của TP HCM. (Ảnh: Phúc Minh).

Theo đề án này, Thủ Thiêm được lựa chọn làm trung tâm của trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của TP HCM. Vì vậy, chỉ khi đề án hoàn thành, có tính khả thi thì mới đủ các tham số để đấu thầu xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết sẽ đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông, vành đai 2, vành đai 3. Đẩy mạnh các dự án chống ngập, dự kiến năm 2021, dự án 990.000 tỉ này sẽ hoàn thành. 

"Trên cơ sở đó, cuối năm nay, thành phố sẽ báo cáo Thủ tướng, xin cơ chế đặc thù vì sự phát triển của cả nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

3 giai đoạn của đề án Xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới

Tại hội thảo, UBND TP HCM cũng đã trình đề cương sơ bộ "Đề án xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế". 

Theo đó, trung tâm tài chính TP HCM sẽ lấy khu vực Thủ Thiêm làm trung tâm. Đồng thời, xem xét các vấn đề giao thông công cộng, giao thông liên kết nội vùng và quốc tế nhằm giảm thiểu chi phí ùn tắc giao thông, tăng cường mức độ tiếp cận thuận lợi giữa TP HCM và các trung tâm kinh tế, tài chính toàn cầu.

Về phát triển vốn con người, đề án ưu tiên phải đảm bảo nguồn nhân lực tương xứng cho thị trường tài chính và các dịch vụ hỗ trợ liên quan; điều chỉnh chính sách tuyển dụng lao động vào ngành, đặc biệt là chuyên gia quốc tế.

DSC05815

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cùng hiến kế xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới. (Ảnh: Kỳ Hoa).

Đề án Xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới được chia làm 3 giai đoạn nghiên cứu.

Giai đoạn 1, tính đến tháng 5/2019: Tập trung xây dựng đề cương sơ bộ của đề án. Qua đó làm rõ nhiệm vụ, tầm nhìn chiến lược về mục tiêu, triển vọng phát triển TP HCM trở thành trung tâm tài chính.

Kết quả của đề cương này cung cấp thông tin cần thiết cho TP HCM xác lập định hướng và ra chỉ đạo cụ thể về chủ trương, tầm nhìn của trung tâm tài chính quốc tế.

Đến tháng 9, đề án sẽ hoàn thành giai đoạn 2, với các điều khoản tham chiếu (TOR). Nội dung cụ thể gồm mô tả nhiệm vụ, tầm nhìn, mục tiêu, phạm vi đề án; yêu cầu về nguồn nhân lực và chất lượng của tổ chức tư vấn, tiêu chí tuyển chọn.

Bên cạnh đó, giai đoạn này còn đưa ra yêu cầu về nội dung, cấu trúc sản phẩm sau cùng của đề án; thời gian và tiến độ yêu cầu; các sản phẩm bàn giao, tiêu chí đánh giá; ngân sách, phương thức thanh toán; và các điều khoản bảo mật.

Giai đoạn 3 sẽ xây dựng đề án nghiên cứu khả thi, thời gian dự kiến hoàn thành tính đến tháng 10/2020. 

Giai đoạn này đưa ra khung phân tích, lựa chọn các tiêu chí đo lường những nhân tố cốt yếu của một trung tâm tài chính thực thụ và dữ liệu được sử dụng cho phân tích. Đồng thời, phác họa rõ nét tầm nhìn ngắn, trung và dài hạn.

Giai đoạn này cũng đề xuất định hướng chính sách trọng yếu ở cả cấp độ địa phương và trung ương, đồng thời, dự toán chi phí và lợi ích triển khai đề án.