TP HCM đề xuất 2 phương án sắp xếp quận, phường

Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Trương Văn Lắm cho hay TP gặp khó về tiêu chí diện tích các đơn vị hành chính, thậm chí nhập 2-3 đơn vị hành chính cũng không bảo đảm tiêu chí này.

Sáng 16/7, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác sáu tháng cuối năm 2019 của ngành.

Sẽ giảm được 539 đơn vị hành chính cấp xã

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập liên quan đến chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Theo báo cáo của 61 địa phương, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp là 20/713 đơn vị, số lượng cấp xã thuộc diện phải sắp xếp là 623/11.160 xã.

Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng thông tin: Sẽ có 42/63 tỉnh, TP trực thuộc trung ương thuộc diện sắp xếp. Ngoài ra, bốn tỉnh là Bình Thuận, Kiên Giang, Sơn La và Tây Ninh dù không nằm trong diện này đã chủ động thực hiện sắp xếp.

Đến nay, bốn đơn vị hành chính cấp huyện đã có phương án sáp nhập (gồm ba huyện của tỉnh Cao Bằng và một huyện của tỉnh Hòa Bình). Tỉnh Yên Bái sẽ điều chỉnh đơn vị hành chính của thị xã Nghĩa Lộ với huyện Văn Chấn để bảo đảm các tiêu chí theo quy định.

“Theo phương án của các địa phương, sẽ giảm được 539 đơn vị hành chính cấp xã. Các xã này sẽ sáp nhập với xã liền kề, đối tượng chịu tác động của sự sáp nhập là 1.026 đơn vị hành chính cấp xã” - ông Hùng nói.

Ông Hùng đề nghị 14 địa phương chưa gửi phương án sắp xếp đơn vị hành chính về Bộ Nội vụ sớm gửi về để thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, hạn cuối là ngày 31-8/2019.

Ông Hùng cũng đề nghị các địa phương làm tốt công tác tư tưởng, vận động, tuyên truyền đối với cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân khi lấy ý kiến cử tri, sắp xếp cán bộ.

Các tỉnh chủ động lên phương án sớm trong việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bảo đảm sự đồng thuận, chủ động trong sáp nhập. Cạnh đó, cần thực hiện nghiêm các quy định về sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với đối tượng cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

TP HCM đề xuất 2 phương án sắp xếp quận, phường - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác sáu tháng cuối năm 2019 của Bộ Nội vụ, sáng 16-7. Ảnh: VGP/LÊ SƠN

TP HCM gặp khó về tiêu chí diện tích

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Trương Văn Lắm cho hay việc triển khai xây dựng đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021 của TP có chậm tiến độ so với quy định do có nhiều vướng mắc, đặc biệt là tâm lý của các địa phương.

Khi sáp nhập huyện, xã, lãnh đạo cấp tỉnh cần cân nhắc truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương, đảm bảo ổn định và phát triển. Chúng ta không triển khai chủ trương này bằng bất cứ giá nào, trong quá trình sắp xếp chú trọng việc tạo thuận lợi trong chuyển đổi giấy tờ và ổn định cuộc sống cho người dân.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ LÊ VĨNH TÂN (phát biểu tại hội nghị triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021, sáng 26/3)

“Thậm chí có những quận diện tích chỉ khoảng 500 ha, tức là khoảng 5 km2. Nếu theo tiêu chí về diện tích, cả quận đó nhập lại chỉ bằng một phường” - ông Lắm nói và cho biết TP sẽ trình và báo cáo Bộ Nội vụ hai phương án.Theo ông Lắm, TP HCM có diện tích nhỏ, dân số đông. Nếu căn cứ vào tiêu chí về diện tích, rất nhiều đơn vị sẽ không đạt. Khi sắp xếp những đơn vị không đạt 50% cả hai tiêu chí (diện tích và dân số), nhập 2-3 đơn vị hành chính lại cũng không đủ diện tích.

Thứ nhất, sắp xếp theo đúng quy định là nhập ba phường lại với nhau nhưng cũng không đảm bảo được về diện tích (nghị quyết cho phép nếu nhập ba đơn vị hành chính thì không xem xét về yếu tố diện tích - PV). Thứ hai là yếu tố đặc thù, nhập hai phường lại.

Tiêu chí về diện tích, dân số

Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 12/3. Theo đó, đơn vị thuộc diện sắp xếp gồm các huyện, xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn; khuyến khích việc sắp xếp các đơn vị hành chính còn lại để giảm số lượng.

Tiêu chuẩn của huyện miền núi, vùng cao là dân số 80.000 người và diện tích 850 km2 trở lên; huyện đồng bằng từ 450 km2; quận từ 35 km2 với dân số ít nhất 150.000 người. Còn quy mô dân số của xã là từ 5.000 người đến 8.000 người trở lên, diện tích từ 30 km2.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.