Đề án xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế: Chuyên gia cảnh báo câu chuyện lặp lại 20 năm trước

Theo đề án Xây dựng TP HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và thế giới, Thủ Thiêm được chọn làm trung tâm. Các chuyên gia cho rằng đề án này đã có đầu những năm 2000, không còn mới.

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tại hội thảo "Xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" diễn ra sáng 17/7, đều khẳng định TP HCM có nhiều điều kiện để đạt được mục tiêu này.

Tuy nhiên, về đường dài, TP HCM cần quyết liệt và có hướng đi mới hơn, bởi mục tiêu xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế vốn không mới. Mục tiêu này đã có từ đầu những năm 2000.

Điều kiện nào để TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế?

Với mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, nhiều chuyên gia cho biết TP HCM hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi, thậm chí không khác quá nhiều so với bước khởi đầu của các trung tâm tài chính lớn ở khu vực lẫn thế giới.

DSC05834-crop

GS.TS Sử Đình Thành cho biết TP HCM có nhiều điều kiện trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. (Ảnh: Kỳ Hoa).

Theo GS.TS Sử Đình Thành - Tổng biên tập Tạp chí nghiên cứu Kinh tế và kinh doanh châu Á -  ĐH Kinh tế TP HCM, TP HCM hiện là đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại và dịch vụ của khu vực phía Nam và cả nước, đang đóng góp 1/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 30% tổng thu ngân sách nhà nước, hơn 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Đây còn là địa chỉ thu hút hơn 1/3 tổng vốn đầu tư nước ngoài. Với quy mô kinh tế - tài chính này, TP HCM rất thuận lợi để trở thành một trung tâm tài chính lớn.

Ngoài ra, chính vị trí địa lí cũng đang "cộng hưởng", ủng hộ TP HCM xây dựng trung tâm tài chính lớn. Bởi có cảng biển quốc tế nối tiếp với các nước trong khu vực, nằm trong lõi của vùng kinh tế giàu tiềm năng nhất cả nước, và từng được mệnh danh là "hòn ngọc Viễn Đông". 

Đặc biệt, môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế tư nhân và thu hút vốn quốc tế, cũng như cơ chế đặc thù cho TP HCM. "Đây là một lợi thế của thành phố", chuyên gia Sử Đình Thành khẳng định.

Theo đề cương sơ bộ, trung tâm tài chính TP HCM sẽ lấy khu vực Thủ Thiêm làm trung tâm. Đồng thời, xem xét các vấn đề giao thông công cộng, giao thông liên kết nội vùng và quốc tế nhằm giảm thiểu chi phí ùn tắc giao thông, tăng cường mức độ tiếp cận thuận lợi giữa TP HCM và các trung tâm kinh tế, tài chính toàn cầu.

'Đề án có từ hơn chục năm trước nhưng chưa đến đâu'

Thực tế theo TS Trần Du Lịch, Thanh viên tổ tư vấn của Thủ tướng, đầu những năm 2000, đề án này đã có.  TP HCM sẽ lấy tài chính làm thị trường mũi nhọn. Dự án này không tách rời quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, và sẽ là nơi tập trung doanh nghiệp, công ty trong lĩnh vực tài chính, fintech.

Tuy nhiên, trải qua nhiều giai đoạn, sau gần 20 năm, dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

DSC05822

Theo TS. Trần Du Lịch, TP HCM không chỉ là nơi lập nghiệp mà phải còn là nơi khởi nghiệp của 63 tỉnh, thành. (Ảnh: Kỳ Hoa).

"Cũng mục tiêu xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế cách đây gần 20 năm, thậm chí chúng tôi còn hồ hởi hơn thế này nữa, nhưng đến nay vẫn chưa đi đến đâu. Như vậy, rõ ràng 15-20 năm trước đã nhận thức được mục tiêu này, nhưng đến nay TP HCM vẫn chưa làm được", TS. Trần Du Lịch băn khoăn.

Ông Lịch nói thêm: "Tôi mong rằng việc xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế là một chương trình quốc gia, chủ trương quốc gia chứ không phải là câu chuyện của riêng TP HCM nữa. Nếu không, nó sẽ lặp lại câu chuyện của quá khứ cách đây gần 20 năm trước", TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Ông Lịch cũng đặt ra một số vấn đề thách thức của TP HCM khi vai trò dẫn đầu cả nước có phần giảm nhẹ gần đây. TP HCM đã là nơi lập nghiệp của 63 tỉnh thành, thì cũng phải trở thành nơi khởi nghiệp của cả nước, định hướng về một trung tâm tài chính quốc gia lớn của khu vực và thế giới.

Không tìm cách tiếp cận mới sẽ thất bại

Cùng quan điểm với TS. Trần Du Lịch, TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và quản lí (FSPPM), Đại học Fulbright, cũng cho rằng mơ ước trung tâm tài chính khu vực và quốc tế vốn có từ rất lâu nhưng vẫn chưa đến đâu.

"Nếu chúng ta vẫn bắt đầu lại với phương hướng của hơn chục năm trước thì sẽ thất bại. Phải tìm một cách tiếp cận khác, nương theo biến động và xu thế của khu vực và thế giới, không đi theo con đường truyền thống. Đó là việc tìm thị trường ngách để tạo sự khác biệt và đột biến, gồm trung tâm giao dịch hàng hóa và fintech", TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết.

DSC05797

TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng TP HCM cần có hướng đi mới, nếu không sẽ lặp lại dự án trung tâm tài chính hơn chục năm trước hiện vẫn chưa đi đến đâu. (Ảnh: Kỳ Hoa).

Ông Tự Anh lưu ý khó khăn từ chính sách vĩ mô và pháp luật có thể trở thành rào cản cho đề án xây dựng trung tâm tài chính khu vực và thế giới của TP HCM. 

Cụ thể, Việt Nam chưa có một thị trường tiền tệ thực thụ. Trong khi đó, thị trường vốn có các công cụ và sản phẩm quá cũ, chịu nhiều sự can thiệp có tính hành chính. Thị trường này cũng thiếu "hàng hóa", một phần do quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước còn chậm chạp.

 TS Vũ Thành Tự Anh đề nghị chính sách cho TP HCM trở thành một trung tâm của khu vực và thế giới, phải ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh, gồm chính sách pháp luật liên quan thuế, điều tiết thị trường theo hướng môi trường kinh doanh minh bạch, độ tin cậy cao, chi phí thấp, giảm tham nhũng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Về khía cạnh con người, phải đảm bảo nguồn nhân lực tương ứng cho thị trường tài chính và các dịch vụ hỗ trợ liên quan; điều chỉnh chính sách tuyển dụng lao động vào ngành, đặc biệt là chuyên gia quốc tế.