Đề xuất xây 34 trạm thu phí ô tô vào trung tâm TP HCM: Không giải quyết được chuyện kẹt xe, tạo cảm giác đi đâu cũng bị thu phí

Nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM Võ Kim Cương cho rằng đề xuất xây dựng 34 trạm thu phí ô tô vào trung tâm TP HCM sẽ khó phát huy tác dụng hay giải quyết vấn đề kẹt xe, vì 'người ta mua được ô tô, bỏ thêm ít tiền phí thì vẫn cứ đi'.

Sở GTVT TP HCM vừa đề xuất UBND TP chấp thuận giao Trung tâm Quản lí đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án thu phí ôtô lưu thông vào trung tâm thành phố (TP). Mục tiêu của dự án nhằm góp phần kéo giảm ùn tắc khu vực trung tâm TP, thúc đẩy người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn ngân sách bảo trì đường bộ, phát triển giao thông công cộng.

ketxe20

Kẹt xe trên đại lộ Võ Văn Kiệt, quận 1 vào giờ cao điểm chiều. (Ảnh: Trường Nguyên)

Theo Sở GTVT, dự án triển khai hệ thống thu phí trên một vành đai khép kín khu vực trung tâm và một số trục chính bên ngoài đang thường xuyên ùn tắc giao thông. Sở GTVT dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 250 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP trong giai đoạn 2019 - 2021.

Không giải quyết được việc ô tô vào trung tâm?

Trao đổi với chúng tôi vấn đề này, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM Võ Kim Cương cho biết đề xuất đã có cách đây mấy năm, nhưng ông không đồng tình vì việc thu phí này là không cần thiết. 

Bất lợi trước mắt là điều này chỉ làm cản trở thêm giao thông, tốn kinh phí và làm mất diện tích đường lưu thông.

gt4

Đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) là nổi ám ảnh của người dân TP HCM nhiều năm qua khi phải lưu thông vào giờ cao điểm. (Ảnh: Trường Nguyên).

Ông Cương nhận định đề xuất này cũng không thể giải được bài toán ô tô vào trung tâm thành phố.

 "Người ta đã mua được ô tô đi, bỏ thêm ít tiền phí nữa thì người ta vẫn cứ đi. Chuyện đóng phí không có bao nhiêu ý nghĩa với người đi ô tô", ông Cương chia sẻ.

Theo ông, hệ thống phương tiện công cộng hiện nay của TP cũng không đồng bộ, rất khó phục vụ nhu cầu người dân nếu mong muốn họ sử dụng để vào trung tâm. Việc xây trạm thu phí - vận hành cũng sẽ làm mất diện tích mặt đường lưu thông lẫn kinh phí hoạt động. "Ngay cả khi tuyến metro số 1 làm xong đi chăng nữa, cũng chưa đáp ứng được nhu cầu", ông nói.

Tránh cảm giác 'đi đâu cũng bị thu phí'

Ông Cương đặt vấn đề việc thu phí ô tô vào trung tâm cũng sẽ khiến người dân thấy phiền hà, khi bắt buộc phải qua trạm, nộp phí, và quan trọng nhất là cảm giác đi đâu cũng bị thu phí, đó là cảm giác không đẹp. 

Và một điều cần lưu ý nữa, 34 trạm này chỉ thu được một số ô tô vào trung tâm thì số tiền thu được có khả thi hay không, khi so với kinh phí xây trạm, tiền lương đội ngũ vận hành?

DSC_0443

Ô tô xếp hàng dài trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh trong giờ cao điểm. (Ảnh: Trường Nguyên)

Theo ông Cương, TP HCM cần tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông công cộng, tạo kết nối liên hoàn mới có thể thu hút người dân sử dụng. Việc hạn chế ô tô vào trung tâm, TP có thể dùng biện pháp như cấm hẳn loại phương tiện này vào một số tuyến đường, thay vì thu phí như đề xuất.

Còn vấn đề thu phí, về lâu dài nên thu phí ở các trục giao thông lớn, cửa ngõ, theo kiểu gom việc thu phí về một đầu mối với mức độ vừa phải, sẽ tạo ra thói quen cho người dân khi quyết định lưu thông vào trung tâm.

"Phải tính toán sao cho hợp lí, tránh để người dân lưu thông được vài chục km lại gặp trạm thu phí thì phản cảm lắm", nguyên Phó kiến trúc trưởng TP HCM nói.

Địa điểm thu phí thuộc khu vực trung tâm TP được đề xuất gồm quận 1, 3 và giáp ranh với quận 5, 10, bằng hệ thống 34 cổng thu phí đa làn không dừng. Và một trung tâm điều hành với nhiệm vụ kết nối với các cổng thu phí, xử lí thông tin và điều hành quản lí các hoạt động thu phí của hệ thống.

Bên cạnh đó, vành đai thu phí được Sở GTVT đề xuất được giới hạn bởi các tuyến đường Hoàng Sa dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao Cách Mạng Tháng 8; đường Ba Tháng Hai; Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ; Nguyễn Văn Cừ; Võ Văn Kiệt và Tôn Đức Thắng.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.