Cửa ngõ phía Đông TP HCM gồm trục đường xa lộ Hà Nội (từ cầu Sài Gòn đến cầu vượt Trạm Hai) và một đoạn Quốc lộ 1A (từ cầu vượt Trạm Hai đến cầu Đồng Nai) giúp kết nối Sài Gòn với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và đi ra phía Bắc. Tuyến này kéo dài hơn 20 km từ cầu Sài Gòn đi qua các quận 2, quận 9, quận Thủ Đức (TP HCM), thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đến cầu Đồng Nai (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Tuyến đường kết nối hầu hết các cảng lớn của dọc xa lộ Hà Nội; các công trình trọng điểm của hàng lang Đông - Tây (đại lộ Mai Chí Thọ - hầm vượt sông Sài Gòn - đại lộ Võ Văn Kiệt), cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu Phú Mỹ, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên... Hơn nữa, trục đường này cũng là "xương sống" giúp kết nối Khu đô thị sáng tạo phía Đông trong tương lại (quận 9, Thủ Đức) - Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) - Khu trung tâm TP hiện hữu (quận 1, quận 3, quận 5). Dọc theo tuyến xa lộ có vị trí quan trọng nhất thành phố, hàng loạt dự án bất động sản cao cấp mọc lên chỉ trong vài năm qua.
Với tầm quan trọng như vậy, xa lộ Hà Nội "gánh" lượng lớn xe đầu kéo, xe tải nặng, vào các cảng của TP; là hướng lưu thông mà người dân ở khu vực phía Đông ra - vào trung tâm nên lượng phương tiện qua đây lớn nhất so với các đường cửa ngõ khác. Do vậy, tình trạng ùn tắc giao thông trên khu vực này trở thành nỗi ám ảnh của người dân.
Là tuyến đường gần như độc đạo, tải lượng phương tiện khổng lồ nên ùn tắc ở cửa ngõ phía Đông xảy ra thường xuyên như cơm bữa, nhất là vào thời gian cao điểm sáng chiều hoặc vào khung giờ các loại xe đầu kéo, xe tải được lưu thông vào cảng. Trong ảnh: Hàng ngàn phương tiện kẹt xe kéo dài từ khu vực cầu vượt ngã ba Tân Vạn hướng vào trung tâm TP.
Tốc độ lưu thông cho phép của ô tô là 60 km/h, của xe máy là 50 km/h nhưng nhiều thời điểm trong ngày, đặc biệt là giờ cao điểm thì hàng chục ngàn phương tiện chỉ có thể nhích từng chút một.
Dù được đầu tư mở rộng, nâng cấp như làm hầm chui, đường Song Hành nhưng xa lộ Hà Nội vẫn không thể thoát khỏi tình cảnh kẹt xe hàng ngày trên cả hai hướng lưu thông. Theo một số chuyên gia quy hoạch đô thị, trong khi những dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn khác nhau thì tình trạng các khu dân cư mới, các siêu đô thị, tòa nhà cao tầng... mọc lên dày đặc khiến dân số lẫn phương tiện giao thông tăng nhanh là một nguyên nhân quan trọng khiến xa lộ Hà Nội thường xuyên quá tải.
Khu vực nút giao thông cầu vượt bằng thép qua ngã tư Thủ Đức. Từ lúc khánh thành (2013), cây cầu vượt này đã cơ bản giải quyết được điểm đen ùn tắc cho ngã tư Thủ Đức.
"Con đường này to như vậy nhưng mỗi khi có xe đầu kéo nào chết máy, chuyển làn hay nghiêm trọng hơn là va chạm giao thông thì ngay lập tức kẹt xe kéo dài trên xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1A vì không có cách nào thoát ra đường khác", tài xế xe container Nguyễn Hữu Đức chia sẻ. Anh này kể, ngày 9/7 vừa qua, một xe cẩu chết máy trên cầu Phú Mỹ (hướng quận 2 đi quận 7) khiến giao thông ùn tắc kinh hoàng, anh Đức phải mất gần 4 giờ để lái xe từ khu vực ngã ba Cát Lái ra đến cầu Đồng Nai.
Cũng trong ngày 9/7, một xe khách va chạm với xe buýt tại giao lộ Quốc lộ 1A - Hoàng Hữu Nam càng khiến cho giao thông các tuyến xung quanh như xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu Phú Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng suốt 5 giờ từ trưa đến chiều tối mới dần ổn định. "Mỗi lần như thế, cả khu vực như "chết đứng" nhiều kilomet mà không thể làm gì được", anh Đức ngán ngẩm nói.
Va chạm giao thông, xe chết máy hoặc một sự cố nhỏ nào đó cũng khiến giao thông trên toàn trục đường cửa ngõ phía Đông rối loạn. Những hành khách trên chuyến xe TP HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu có vẻ sốt ruột khi mắc kẹt trong dòng phương tiện ùn ứ gần khu du lịch Suối Tiên kéo dài đến tận ngã tư Vũng Tàu.
Trong khi đó, giới tài xế không biết làm gì ngoài việc bấm điện thoại hoặc ra ngoài đứng ngóng tình hình
Lượng xe lưu thông lên cầu Rạch Chiếc để vào trung tâm TP thông qua cầu Sài Gòn hoặc đại lộ Mai Chí Thọ - hầm Thủ Thiêm vào thời điểm 8h sáng.
Qua cầu Rạch Chiếc trong giờ cao điểm sáng - chiều là nổi ám ảnh của người dân khu vực phía Đông Sài Gòn vì hàng chục ngàn người, xe gần như chỉ đi được với tốc độ 5-10 km/h. Chưa kể lúc xuống cầu, dòng xe máy qua cầu Rạch Chiếc vào trung tâm xảy ra xung đột với làn ô tô lên cầu vượt Cát Lái rất nguy hiểm
"Cảm giác hàng ngàn xe máy chen chúc dừng đèn đỏ trong khi sau lưng là tiếng ầm ầm, tiếng còi khủng khiếp của xe container chạy lên cầu vượt Cát Lái là rất ớn lạnh", anh Tâm - sống ở quận 9 nói với chúng tôi.
Nhiều gia đình luôn lâm vào tình trạng có thể trễ giờ con cái đi học, cha mẹ muộn giờ làm nên nhiều lúc phải chạy lên cả khu vực dành cho người đi bộ trên cầu Rạch Chiếc để lưu thông.
Người dân còn lo sợ tình trạng mỗi khi xảy ra ùn tắc là hàng trăm ô tô, xe đầu kéo, xe buýt... sẵn sàng chạy vào làn xe máy
Điều này càng khiến giao thông càng thêm hỗn loạn, tăng nguy cơ gây thêm sự cố.
Đến giờ cao điểm tối, lượng người dân buổi sáng vào trung tâm làm việc bắt đầu trở về nhà khiến giao thông xa lộ Hà Nội lâm vào tình trạng rối như tơ vò
Trên suốt cung đường dài hơn 20 km là tiếng còi xe inh ỏi càng khiến người dân thêm mệt mỏi sau một ngày làm việc, di chuyển.