Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo (trung tâm) phát biểu trước các lãnh đạo G20 khác tại thượng đỉnh ở Osaka ngày 29/6. (Ảnh: REUTERS).
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khép lại bằng một thông cáo chung sau 2 ngày diễn ra ở thành phố Osaka, Nhật Bản.
Theo Hãng tin Reuters, các nhà lãnh đạo G20 đã cảnh báo về nguy cơ ngày càng tăng đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng lại không lên án chủ nghĩa bảo hộ. Thay vào đó, họ kêu gọi cần xây dựng một môi trường thương mại "tự do, công bằng, không phân biệt" trong tuyên bố chung.
"Chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra được một môi trường thương mại - đầu tư tự do, công bằng, không phân biệt, minh bạch, có thể dự đoán và ổn định, đồng thời luôn giữ các thị trường của chúng tôi rộng mở", tuyên bố chung nêu.
Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo nhấn mạnh: các lãnh đạo G20 đã có nhiều điểm chung và đã nhất trí về các nguyên tắc cơ bản để hỗ trợ một hệ thống thương mại tự do.
Nhà lãnh đạo của nước chủ nhà cho biết thêm nhóm G20 cũng cam kết có các hành động quyết liệt hơn để cải thiện hệ thống giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trong quá trình chuẩn bị tuyên bố chung, Nhật Bản đã nỗ lực tìm ra điểm chung giữa Mỹ - thành viên phản đối dùng các ngôn ngữ lên án chủ nghĩa bảo hộ - và các quốc gia khác.
Tất tần tật về G20 - Nguồn: CGTN
Nhận định về hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 14, Tổng thống Nga Vladimir Putin chia sẻ tại cuộc họp báo ngày 29/6: "Không có các quyết định đột phá nhưng… tất cả các bên tham gia đã xác nhận khát vọng của họ nhằm hợp tác hơn nữa về việc cải thiện hệ thống thương mại toàn cầu, trong đó có khát vọng về việc cải cách WTO".
Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires (Argentina) vào năm ngoái là cuộc họp đầu tiên mà các nhà lãnh đạo G20 lượt bỏ các từ ngữ nhấn mạnh sự cần thiết để lên án chủ nghĩa bảo hộ theo sau yêu cầu của Washington. Bởi lẽ, Mỹ luôn nhạy cảm với các chỉ trích về việc họ áp các biện pháp thuế quan lên một số thành viên G20.
Điểm nhấn chính của hội nghị thượng đỉnh G20 chính là cuộc gặp song phương của lãnh đạo các nước bên lề sự kiện này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thái tử Mohammed Bin Salman của Saudi Arabia dự một cuộc gặp bên lề sự kiện G20 ngày 29/6. (Ảnh: REUTERS).
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Theresa May nói chuyện với nhau ngày 29/6. (Ảnh: REUTERS).
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) bắt tay với Thủ tướng Đức Angela Merkel bên lề sự kiện G20. (Ảnh: REUTERS).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay với người đồng cấp Nhật Bản Abe Shinzo. Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka với tư cách khách mời đặc biệt. (Ảnh: AFP).
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề G20. (Ảnh: REUTERS).