Cổ đông Sacombank bức xúc đòi cổ tức, ông Dương Công Minh: ‘Em là cổ đông lớn nhất ở đây, nếu được chia em là người mừng nhất’

Trả lời bức xúc của cổ đông về việc tiếp tục không chia cổ tức trong năm 2019, Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh nói: “Em chính là cổ đông lớn nhất Sacombank hiện tại, em cũng mong cổ tức lắm. Chia cổ tức thì em phải là người vui nhất chứ. Nhưng Sacombank là ngân hàng đang tái cơ cấu, các quyết định này phải do NHNN 'gật đầu”.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank tổ chức sáng nay, nhiều cổ đông đã chia sẻ bức xúc về việc nhiều năm qua họ không được Sacombank chia cổ tức. Thậm chí có cổ đông còn yêu cầu giảm bớt thù lao của HĐQT, bớt thưởng của nhân viên để dành chia cổ tức cho cổ đông.

Cổ đông Sacombank bức xúc vì nhiều năm không được chia cổ tức

Cổ đông Lê Thị Kim Cúc là người đầu tiên đặt vấn đề chi trả cổ tức. Việc chia cổ tức cũng chính là bức xúc mà nhiều cổ đông của nhà băng này yêu cầu HĐQT Sacombank giải thích thấu đáo.

Cổ đông Sacombank bức xúc đòi cổ tức, ông Dương Công Minh: ‘Em là cổ đông lớn nhất ở đây, nếu được chia em là người mừng nhất’ - Ảnh 1.

Cổ đông liên tục bức xúc vì ngân hàng tiếp tục không chia cổ tức trong năm 2019. (Ảnh: Phúc Huy).

"Tôi xin hỏi ông Dương Công Minh năm nay có chia cổ tức không, và nếu không chia thì bao giờ sẽ chia để chúng tôi có được niềm tin. HĐQT đưa rất chi tiết về tiền thưởng, thù lao, chi phí hoạt động của ban điều hành, về mức thưởng cho nhân viên, nhưng cổ tức cho cổ đông thì không thấy đưa ra, không thấy được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận khiến cổ đông chúng tôi phải chờ", bà Cúc bức xúc.

Bà Cúc cho hay bà là cổ đông 25 năm của Sacombank và hiện nắm 1 triệu cổ phần tại Sacombank. Tuy nhiên, những năm gần đây không được chia cổ tức, những cổ đông như bà rất khổ.

Một cổ đông lớn tuổi khác cho rằng ông rất chia sẻ với ngân hàng phải tái cơ cấu, xử lí nợ xấu thời gian qua, cũng như ghi nhận cố gắng của HĐQT. Tuy nhiên, cổ đông này đề nghị HĐQT nên giải quyết có lí có tình, tức khi khó khăn cùng nhau vượt qua gian khổ nhưng kết quả lợi nhuận thì cổ đông chưa được hưởng.

"Tôi thấy nhiều khoản thưởng cho nhân viên, cho quỹ phúc lợi, thù lao cho HĐQT tính ra rất nhiều, nhưng cổ đông lại không có lãi. Tôi đề nghị rút bớt những phần phúc lợi được chia này để dành phần cho cổ đông, dù chỉ 1% thôi cùng vui vẻ. Người bỏ công, người bỏ của, không lí gì người có công có thưởng nhưng người có của là cổ đông lại không có gì", ông bức xúc.

Trong suốt thời gian diễn ra phần hỏi đáp tại đại hội, các cổ đông đều thắc mắc về việc có được chia cổ tức trong năm nay hay không. Dù Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh tìm những ý kiến khác nhưng cổ đông cuối cùng của phát biểu tại thảo luận lại tiếp tục nhắc về chia cổ tức.

"Năm 2019 có chia cổ tức hay không. Tôi hỏi lại 2019 có chia được cho cổ đông một ít cổ tức cho vui vẻ hay không, xin HĐQT Sacombank nói rõ với cổ đông", cổ đông gay gắt.

Chủ tịch Dương Công Minh: 'Em là cổ đông lớn nhất ở đây, nếu chia thì em là người mừng nhất'

Trước ý kiến của cổ đông, Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh đã dành nhiều thời gian để nói về câu chuyện ngân hàng không chia cổ tức vài năm qua. Ông Minh khẳng định bản thân rất chia sẻ với cổ đông, bởi ông là một trong những cổ đông lớn nhất của Sacombank.

"Báo cáo với các anh chị, cô bác, em là cổ đông lớn nhất Sacombank hiện tại, em cũng mong cổ tức lắm. Chia cổ tức thì em phải là người vui nhất chứ, nhưng Sacombank là ngân hàng đang tái cơ cấu, mọi vấn đề đều phải xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước", ông Dương Công Minh trả lời ý kiến của bà Lê Thị Kim Cúc.

Cổ đông Sacombank bức xúc đòi cổ tức, ông Dương Công Minh: ‘Em là cổ đông lớn nhất ở đây, nếu được chia em là người mừng nhất’ - Ảnh 2.

'Em là cổ đông lớn nhất ở đây, nếu chia em là người mừng nhất' - ông Dương Công Minh trả lời bức xúc của cổ đông. (Ảnh: Phúc Huy).

Ông Minh khẳng định do Sacombank đang tái cơ cấu và chưa được phép chia cổ tức bởi các khoản lợi nhuận làm ra phải ưu tiên để xử lí các vấn đề tái cơ cấu, xử lí nợ xấu. Phần lãi có được ngân hàng phải đóng thuế theo luật doanh nghiệp, phải phân chia quỹ theo quy định. Mặc dù vậy, ông Minh thừa nhận ngân hàng đang giữ lại 2.000 tỉ lợi nhuận.

Về khoản thưởng cho tập thể cán bộ, công nhân viên trong năm 2018 với mức 20% phần vượt lợi nhuận trước thuế, tương ứng khoảng 82 tỉ đồng, ông Minh cho rằng nội dung này đã được thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2018. "Chúng ta là những ông chủ bà chủ, chúng ta nói với người lao động rồi thì không thể nuốt lời. Nhưng chia cổ tức cho chính chúng ta thì là chuyện khác", ông Minh nói.

Chủ tịch Sacombank nói thêm việc chia thưởng này khuyến khích cán bộ nhân viên tăng năng suất lao động vượt kế hoạch. Ngoài ra cũng góp phần nâng cao chất lượng nhân viên tại Sacombank bởi so sánh với các ngân hàng khác, hiện nhân viên nhà băng này đang có mức thu nhập bình quân thấp nhất trong hệ thống với 16,6 triệu đồng/tháng.

Ông Dương Công Minh cũng tiết lộ thêm thực ra việc Sacombank chi khoảng 18% để thưởng là mức thấp nhất của các ngân hàng hiện nay, nhà băng dẫn đầu về tỉ lệ chia thưởng đã vượt mốc 30% lợi nhuận.

"Thưởng nhân viên 2% vượt kế hoạch chúng ta đã thông qua năm 2018, bây giờ chúng ta là ông bà chủ, chúng ta không thể thất hứa được. Còn năm 2019, đề xuất thưởng tương tự đã không trình tại đại hội hôm nay. Về khoản thù lao 2% cho HĐQT và Ban kiểm soát, thực ra xin như vậy nhưng chúng tôi cũng không sử dụng hết, dư trả lại", ông Minh khẳng định.

Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc không cho chia cổ tức?

Về chia cổ tức cho cổ đông, Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh khẳng định đã có văn bản đề xuất cho Ngân hàng Nhà nước, nhưng cơ quan quản lí cho rằng nhà băng đang tái cơ cấu thì nên tập trung, việc chia cổ tức nên để các năm sau.

Trước nhiều bức xúc của cổ đông, ông Minh cũng cho biết sẽ tiếp tục đề xuất với Ngân hàng Nhà nước,  để có thể tìm các giải pháp chia cổ tức, nhưng không chắc sẽ có phê duyệt hay không.

Cổ đông Sacombank bức xúc đòi cổ tức, ông Dương Công Minh: ‘Em là cổ đông lớn nhất ở đây, nếu được chia em là người mừng nhất’ - Ảnh 3.

Ông Võ Văn Thuần cho biết ngân hàng vừa là con nợ, vừa là chủ nợ nên cũng gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Phúc Huy).

Ông Võ Văn Thuần - Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát NHNN, cho biết ngay thời điểm tái cơ cấu, Sacombank đang có gánh nặng lớn đến từ 90.000 tỉ đồng nợ. Theo ông, ngân hàng vừa là con nợ, vừa là chủ nợ nên cũng gặp nhiều khó khăn.

"Qua quá trình điều hành, HĐQT cũng chỉ 'ăn trước trả sau, chưa có lời'. Nếu tính tổng thể tiền tươi thóc thật, Sacombank đang âm vốn, nên việc tái cơ cấu phải theo đúng lộ trình đưa ra, với thời gian thống nhất 5-10 năm. ", ông Thuần nói.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết năm 2017, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank khoảng 1.700 tỉ đồng, đến năm 2018 là hơn 2.600 tỉ. Về vấn đề trích quỹ dự phòng thì vốn điều lệ vẫn đảm bảo an toàn vốn.

Ông Thuần cho rằng tuy không chia cổ tức do đang tái cơ cấu nhưng cổ phiếu vẫn còn giá trị, tiền gửi khách hàng huy động vẫn đứng top đầu, cho thấy uy tín ngân hàng vẫn tốt và không ngừng lớn mạnh về quy mô. Cổ đông nên chia sẻ cùng HĐQT, và khẳng định NHNN luôn dồng hành cùng cổ đông cũng như Sacombank.

Tại đại hội cổ đông năm 2018, cổ đông Sacombank cũng bức xúc đòi cổ tức giữa thời điểm hàng loạt nhà băng chia cổ tức khủng, trong khi ngân này liên tiếp không có cổ tức.

Tại thời điểm này, ông Dương Công Minh trả lời cổ đông là sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, Sacombank phải giải quyết nhiều vấn đề tồn tại. Báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy ngân hàng có hơn 21.000 tỉ đồng lãi dự thu, nghĩa là "lãi giả lỗ thật", vì thế Sacombank phải trích lập dự phòng.

Ông Minh cũng nói nếu cổ đông không thấy lợi nhuận thì có thể lựa chọn hoặc ở lại "tiếp tục đồng hành cùng ngân hàng", hoặc có thể bán cổ phiếu chốt lời, chọn theo cách nào là "sự lựa chọn của cổ đông".

Chia sẻ bên lề đại hội, ông Dương Công Minh nói Sacombank đang có lộ trình xử lí nợ xấu, tái cơ cấu rất hợp lí. Vị thế và uy tín của ngân hàng đã tăng lên rất nhiều.

HĐQT tiếp tục đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu, sử dụng lao động phù hợp, tiết giảm chi phí hoạt động. Ông Minh nói khoảng 3 năm nữa, Sacombank sẽ đảm bảo chia cổ tức cho cổ đông đều đặn, không để cổ đông thất vọng.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.