Cô gái 'biến' lá cây và rác thải thành... giấy

Lá cây và những phế phẩm nông nghiệp tưởng chừng bỏ đi lại được tận dụng để chế tạo ra giấy viết, giấy dán tường, giấy gói quà... bởi những máy móc tự chế. Điều thú vị là tất cả được thực hiện bởi bàn tay của một cô gái Huế còn rất trẻ.

Chúng tôi chọn Đặng Thị Ngọc Ánh, sinh viên năm 4 Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Khoa học Huế là gương mặt sinh viên trẻ để trò chuyện đầu năm không chỉ bởi công trình ý nghĩa đạt giải cao của bạn mà còn bởi Ánh đại diện cho lớp người trẻ luôn nỗ lực hết mình với những mục tiêu đặt ra, dám nghĩ dám làm.

giay xanh giay tu la cay va rac bai nam mung 2
Ngọc Ánh nhận giải nhất nghiên cứu khoa học Euréka 2016 với đề tài Giấy xanh - giấy từ lá cây và phế phẩm nông nghiệp.

Từ những túi nilon đi chợ của mẹ...

Ngọc Ánh cho biết “Giấy Xanh” – Giấy từ lá cây và phế phẩm nông nghiệp là đề tài đầu tay của mình và điểm đặc biệt, đề tài này được thực hiện từ khi còn là học sinh THPT. Chia sẻ về lý do thực hiện đề tài, Ngọc Ánh cho biết: “Năm lớp 11, em chứng kiến cảnh cô lao công dọn vệ sinh ở sân trường. Rác thu được đa phần là lá cây, cô thu gom lại và đốt gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Thêm nữa, hàng ngày phải chứng kiến cảnh mẹ phải đi chợ sử dụng lại các bao nilon nên bản thân em dần ý thức việc phải tái sử dụng, tiêu dùng có ý thức”.

Suy nghĩ lá và gỗ đều có thành phần xenlulozo, tại sao không tận dụng nó thôi thúc khiến cô nữ sinh cấp 3 khi ấy bắt tay ngay vào thực hiện đề tài. Ánh cho biết: “Do bắt tay vào nghiên cứu từ sớm nên em được nhà trường và gia đình ủng hộ. Lên Đại học thì em được cô Lê Ngọc Vân Anh, khoa Kiến trúc, ĐHKH Huế hướng dẫn tiến hành nghiên cứu sâu hơn”.

Tuy nhận được nhiều hỗ trợ song quá trình nghiên cứu của Ngọc Ánh gặp phải một số khó khăn. Theo Ánh chia sẻ: “Bản thân là nữ nên khi bắt đầu nghiên cứu, em gặp phải chỉ trích từ bạn bè mọi người xung quanh. Kinh phí để thực hiện đề tài cũng khó khăn với em. Mặt khác, em gặp trở ngại với cơ sở hạ tầng, máy móc xử lý nguyên liệu vì từ trước đến nay nguyên liệu sản xuất giấy là gỗ”.

Để khắc phục khó khăn ấy, Ánh phải tự mình đi đến các xưởng máy cơ khí để mua máy móc thiết bị về tự chế, tự lắp ráp… Ánh kể mấy chú bán máy tại xưởng hay hỏi bạn vì sao con gái lại mua máy móc về tự chế, “Có biết gì không mà làm?”. Tuy nhiên, cô gái trẻ chỉ cười hỏi lại: “Có nhiều việc con gái làm được con trai làm không được sao chú?”.

Sau những nỗ lực không ngừng, không phụ những vất vả của Ánh, công trình đã vượt qua 621 đề tài của 1.435 thí sinh để giành giải cao nhất trong Giải thưởng khoa học Euréka 2016 được các chuyên gia đánh giá cao về khả năng ứng dụng trong thực tiễn. Sản phẩm được sản xuất bằng nguồn nguyên liệu tận dụng phế phẩm nông nghiệp, không những giúp tiết kiệm nguồn gỗ, giảm giá thành cho sản phẩm mà còn thân thiện với môi trường, không dùng đến hóa chất, giúp giải quyết được tình trạng lạm dụng hóa chất, chất tẩy trắng trong công nghiệp sản xuất giấy hiện nay.

giay xanh giay tu la cay va rac bai nam mung 2
Giấy xanh của Ánh được sử dụng trong hoạt động vẽ tranh vì môi trường của một số trường tiểu học.

Sản phẩm thân thiện môi trường

Chia sẻ về công trình của mình, Ánh cho biết điểm đặc biệt của đề tài là sử dụng nguyên liệu từ phế phẩm và không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất. Đề tài nghiên cứu xác định thành phần sợi của phế phẩm nông nghiệp từ đó đưa ra cách xử lý và tỉ lệ phối trộn phù hợp để sản xuất ra loại giấy có khả năng ứng dụng thực tiễn cao.

Kết quả thử nghiệm đề tài cho thấy, sản phẩm giấy xanh có thể được dùng để thay thế một số loại giấy thông thường khác vào nhiều mục đích khác như: giấy viết, giấy in, giấy thủ công, giấy dán tường, giấy gói quà, giấy hút ẩm trong linh kiện điện tử…

Theo Ánh, các hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất giấy, gồm: thuốc nhuộm, mực, chất tẩy trắng, H2O2, NaOH, Na2S, Na2SiO3... đã gây hại không nhỏ cho môi trường. Việc chế tạo ra giấy từ phế phẩm nông nghiệp của Ánh giúp tìm ra giải pháp nguyên liệu trong sản xuất giấy và bột giấy, giúp tiết kiệm tài nguyên rừng, hạn chế khai thác trái phép rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng sản xuất chưa đủ tuổi.

Với đề tài này, Ánh cũng tìm ra nguồn nguyên liệu thay thế là phế phẩm với vốn đầu tư đầu vào thấp, khối lượng nguyên liệu dồi dào đáp ứng cung đủ cầu từ đó hạn chế rủi ro của việc nhập khẩu bột giấy gây ra cho các doanh nghiệp sản xuất giấy, bột giấy.

Dự định sắp tới của Ánh là tiếp tục nghiên cứu phát minh ra các vật liệu mới có tính bền vững thân thiện với môi trường. Ánh cũng dự định sẽ “trình làng” sản phẩm mới vào giữa năm 2017. Cô sinh viên hào hứng: “Sản phẩm sẽ thương mại hóa theo 2 hướng “sản xuất hiện đại” và “sản xuất bán thủ công”, đáp ứng nhu cầu sử dụng gia tăng trong nước, xuất khẩu và phổ biến tại các làng, các vùng nông nghiệp của Việt Nam”.

Ánh cũng không ngại tiết lộ được các nhà đầu tư cá nhân dự kiến đầu tư (250 triệu đồng) cho thiết bị máy móc đưa quy trình sản xuất đến tay người dân. Với những bước đi nỗ lực không ngừng của mình, Ánh hoàn toàn có thể biến những kế hoạch của mình thành hiện thực. Cùng chúc cho những kế hoạch của cô gái trẻ sẽ thành công hơn nữa trong năm mới!

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.