Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tính đến nay, tổng trọng lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy chiếm khoảng 0,08% so với tổng nguồn cung trong năm. Đến thời điểm hiện nay nguồn cung trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động sản xuất, chế biến.
Ảnh minh họa.
Năm 2018, tổng sản lượng thịt hơi các loại khoảng 5,35 triệu tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: thịt lợn hơi ước đạt 3,81 triệu tấn (tăng 2,2% so với năm 2017).
Chăn nuôi lợn đang chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng từ trang trại năm 2014 chiếm khoảng 40 – 45% đã tăng lên 58% năm 2017 và 70 – 75% năm 2018, điều này sẽ giúp hạn chế được nguy cơ lây lan bệnh và góp phần kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Trong điều kiện dịch bệnh, nguồn cung thịt cho thị trường có thể được bổ sung bằng các sản phẩm thay thế như thịt gà, bò, cá.. . Hiện nay, nguồn cung mặt hàng thực phẩm thay thế thịt lợn tương đối dồi dào (theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, hoạt động chăn nuôi các mặt hàng trên vẫn đang tăng trưởng tốt) nên sẽ bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bên cạnh đó, để cung cấp thêm thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng, Bộ Công thương khuyến cáo tới người tiêu dùng không nên hoang mang trong sử dụng thịt lợn trong điều kiện dịch bệnh, chỉ nên cẩn trọng trong việc lựa chọn nguồn hàng bằng cách đến các địa điểm bán thực phẩm sạch, an toàn, các quầy hàng bán thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch đầy đủ theo quy định.
Trong trường hợp dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan tại Việt Nam có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu từ các nước không bị ảnh hưởng bởi Dịch tả lợn Châu Phi như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ... Tuy nhiên, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, người tiêu dùng sẽ e ngại hơn trong sử dụng thịt lợn nên các doanh nghiệp thương mại cũng sẽ căn cứ vào các tín hiệu của thị trường để xác định lượng nhập khẩu phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.