Có ý kiến đề xuất giữ nguyên mức đặt cọc đấu giá đất từ 5 - 20%

Nhiều Đại biểu Quốc hội đưa ra quan điểm khác nhau về mức đặt cọc đấu giá đất.

Trong trương trình làm việc ngày 28/11, Quốc hội đã thảo luận, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. 

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết: “Hiện nay, dự thảo luật đang quy định số tiền cọc là 5 – 10% giá trị tài sản, tuy nhiên tôi đề nghị tăng số này lên tối thiểu 20%. Qua đó, hạn chế tình trạng đội ngũ cò tham gia đấu giá để trục lợi, nhất là đấu giá đất.

Con số tối đa thì giao quyền cho các địa phương căn cứ vào đặc điểm tình hình để xác định nhưng không thấp hơn 20%. Như vậy những người có nhu cầu thực sự sẽ tham gia, còn các đối tượng cò sẽ bị hạn chế tham gia do số tiền đặt cọc lớn”.  

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng cho rằng cần thiết nâng tỷ lệ tiền đặt trước, mức tối thiểu cần đặt ở mốc 5%. Song theo ông Minh, có thể tăng mức tối đa lên 30 - 40% nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho người có tài sản hoặc các tổ chức đấu giá được ủy quyền trong việc xác định giá khởi điểm đối với từng loại tài sản.

“Thực tế, hầu hết những người tham gia đấu giá đã có sự chuẩn bị về tài chính để mua tài sản đấu giá, thậm chí chuẩn bị đầy đủ 100% số tiền bỏ ra nên không băn khoăn về mức tiền đặt trước là bao nhiêu. 

Việc tăng mức tiền đặt trước cao sẽ là rào chắn với những đối tượng không có nhu cầu mua tài sản đấu giá, chỉ đăng ký tham gia với mục đích thông đồng, trục lợi. Việc quy định như vậy sẽ hạn chế được thấp nhất tình trạng bỏ cọc đang diễn ra khá phổ biến hiện nay”, đại biểu bổ sung. 

Ảnh minh họa: Hạ Vũ.

Trong khi đó, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An lại đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về tiền đặt trước, tức là mức tiền đặt trước từ 5 - 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

“Nếu nâng mức tiền đặt trước lên quá cao có thể ảnh hưởng đến quyền tự do tham gia giao dịch, giảm tính cạnh tranh, ít người tham gia đấu giá làm ảnh hưởng đến kết quả đấu giá.

Ví dụ nâng mức đặt trước lên 40 - 50%, khi tài sản có giá trị khởi điểm 1 tỷ đồng, người tham gia đấu giá phải chuẩn bị nộp 400 - 500 triệu đồng tiền đặt trước, trong khi chưa chắc đã trúng đấu giá”, bà Dung cho hay.

Tuy nhiên, đại biểu này cũng thừa nhận thời gian qua có tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá với mục đích không tốt như để thao túng thị trường, hình thành mặt bằng giá mới chứ không phải muốn mua tài sản… và sẵn sàng mất cọc. 

Trên cơ sở đó, bà Dung đề xuất nếu sau thời gian quy định mà người trúng đấu giá không nộp tiền mua tài sản, cũng không chứng minh được lý do bất khả kháng thì ngoài mất cọc sẽ bị phạt thêm một khoản tiền khác.

Ngoài ra, vấn đề xác định năng lực tài chính của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất cũng được đại biểu Trần Văn Khải - đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề cập tại nghị trường.

Theo đại biểu, trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất và cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính, vốn thực có của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Do đó, phải làm sao kiểm soát được nguồn tài chính, nguồn vốn công khai, minh bạch của người tham gia đấu giá có đủ năng lực tài chính để tham gia đấu giá trong các cuộc đấu giá.

Theo ông Khải, điều này sẽ giúp ngăn chặn hiện tượng như "cò đấu giá", "quân xanh, quân đỏ" lộng hành, thông đồng dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá, trả giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường...

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.