Ngày 28/8, đại diện Google xác nhận với Reuters rằng việc chính phủ Mỹ gia hạn cho Huawei quyền sử dụng Android đến ngày 19/11 "không áp dụng với các sản phẩm sắp ra mắt như Mate 30", mà chỉ dành cho những thiết bị đang có mặt trên thị trường.
"Theo nhiều nhà phân tích, đây là mối đe dọa nghiêm trọng, là viễn cảnh đầy ác mộng với Huawei, vì smartphone đang trở thành một động lực tăng trưởng, đưa họ trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới. Mảng thiết bị tiêu dùng hiện chiếm gần một nửa doanh thu của Huawei", Forbes nhận định.
Ảnh: Standard.
Bộ đôi Mate 30 và Mate 30 Pro, dự kiến trình làng ngày 18/9, là hai điện thoại cao cấp nhất được Huawei công bố từ khi hãng bị đưa vào danh sách đen của Mỹ (từ 16/5). Thiết bị vẫn có thể dùng phiên bản mã nguồn mở của Android, nhưng việc không cài sẵn cũng như không nhận được các bản cập nhật trong tương lai cho các ứng dụng và dịch vụ của Google, nhất là kho Play Store, sẽ thu hẹp đáng kể thị trường của Huawei bên ngoài Trung Quốc.
Quan trọng hơn, hệ sinh thái ứng dụng của Google chỉ hoạt động được ở châu Âu nếu Google cấp quyền sử dụng có tính phí. Thế nhưng, Mỹ cấm các công ty trong nước, trong đó có Google, hợp tác làm ăn với Huawei, đồng nghĩa Huawei không thể mua quyền sử dụng Android và các ứng dụng liên quan cho thiết bị bán ở châu Âu - thị trường lớn thứ hai của Huawei chỉ sau Trung Quốc.
"Huawei không thể tồn tại bên ngoài Trung Quốc như một thương hiệu điện thoại mà không có ứng dụng và dịch vụ Google", Anshel Sag, chuyên gia phân tích của Moor Insights & Strategy, khẳng định trên Bloomberg. "Người dùng, trừ ở Trung Quốc, hiểu điều đó và đã quen với việc sử dụng Google, kể cả người dùng iPhone. Vì thế, nếu Huawei không thể đưa các ứng dụng đó tới khách hành, họ sẽ gặp tổn thất lớn".
Có ý kiến cho rằng, Huawei vẫn còn "kế hoạch B" là phát triển nền tảng riêng thay thế Android. Tuy nhiên, đó là chuyện của tương lai, không phải là giải pháp hiện tại cho Mate 30 và 30 Pro, bởi lễ công bố đã được lên kế hoạch ở Đức trong 3 tuần nữa. Tạp chí Forbes cho rằng cần chờ xem liệu sự kiện sẽ vẫn diễn ra hay bị hoãn lại.
"Hãy quên đi các nâng cấp về camera và vi xử lí. Sự kiện sắp tới là minh chứng thực tế cho việc lệnh cấm của Mỹ ảnh hưởng thế nào đến Huawei", Forbes nhận định.
Đầu tháng 8, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi thừa nhận với báo Le Point (Pháp) rằng hệ điều hành HarmonyOS của hãng "không được thiết kế cho điện thoại như mọi người vẫn tưởng". Trong khi đó, ban lãnh đạo công ty cũng khẳng định "hệ điều hành hiện tại chưa dành cho smartphone, và hãng tiếp tục sử dụng Android cho điện thoại".
Theo kế hoạch, HarmonyOS ban đầu chỉ chạy trên các dòng TV từ cuối năm nay, và trên smartphone trong những năm tiếp theo.
Phát ngôn viên của Huawei trả lời Reuters rằng họ sẽ "tiếp tục sử dụng Android và hệ sinh thái ứng dụng Google nếu chính phủ Mỹ cho phép chúng tôi làm vậy. Nếu không, chúng tôi sẽ phát triển hệ điều hành và hệ sinh thái riêng".
Google là một trong hơn 130 doanh nghiệp Mỹ đã gửi hồ sơ tới Bộ Thương mại Mỹ nhằm xin cấp phép hợp tác kinh doanh với Huawei. Hiện chưa có hồ sơ nào được phê duyệt. Tuy nhiên, hãng công nghệ Trung Quốc vẫn có thể hi vọng sẽ được chấp thuận hợp tác với Google kịp trước lễ ra mắt Mate 30 và 30 Pro.
Trước đó, Bloomberg ước tính doanh số smartphone bên ngoài thị trường Trung Quốc của Huawei sẽ giảm 40-60% vì lệnh cấm. Một lãnh đạo cao cấp của hãng đầu tháng 8 cũng tiết lộ doanh thu ngành hàng tiêu dùng của họ thời gian tới có thể bị giảm 10 tỉ USD.