Cơn cuồng vàng của người Ấn bị thử thách khi giá tăng vọt

Trang sức bằng vàng là thứ không thể thiếu trong đời sống người dân Ấn Độ, thị trường vàng lớn thứ 2 thế giới sau Trung Quốc. Nhưng thị hiếu này đang bị thử thách do giá vàng tăng.

Với việc đám cưới con gái họ được ấn định sẽ diễn ra vào tháng 2 năm tới, Janaki và Venkataraman Iyengar cần có quà tặng và khăn lụa cho ngày lễ quan trọng này.

Họ quyết định tới thành phố Kanchipuram ở bang Tamil Nadu, nơi họ sẽ mua những trang phục lụa dệt tay chất lượng tốt nhất và nhiều trang sức nhất có thể. Nhưng khi đặt chân tới đây, họ phát hiện ra giá vàng đã tăng quá nhiều trong một năm qua.

Cơn cuồng vàng của người Ấn bị thử thách khi giá tăng vọt - Ảnh 1.

Những trang sức bằng vàng là một phần không thể thiếu trong đám cưới truyền thống Ấn Độ và nó ảnh hưởng đến mối quan hệ của cô dâu với nhà trai sau này. (Ảnh: Getty).

"Chúng tôi chẳng thể làm gì"

Đây thật sự là gáo nước lạnh với nhà Iyengar, gia đình có thu nhập trung bình và đã tiết kiệm hàng chục năm cho khoảnh khắc này.

Họ có thể hoặc tặng con gái mình 20 pavan vàng (160 gram), được chế tác thành nhiều loại trang sức khác nhau. Họ đã tiết kiệm được 550.000 rupee (7.680 USD) để phục vụ đợt mua sắm này. Số tiền khổng lồ với gia đình vì mỗi tháng ông Venkataraman, người làm bảo dưỡng phương tiện giao thông, chỉ kiếm được 30.000 rupee (420 USD).

Nhưng với mức giá mới tại Kanchipuram, nhà Iyengar sẽ phải trả thêm 200.000 rupe (2.800 USD) để mua được số vàng như mong muốn ban đầu của họ. Thêm vào đó, mua vàng chỉ là một trong rất nhiều khoản mà gia đình này phải trả khi tổ chức đám cưới.

Trường hợp như của nhà Iyengar không phải là hiếm gặp ở Ấn Độ lúc này. Phần lớn dân số ở đây có tình yêu mãnh liệt với vàng và các loại trang sức làm từ vàng, đang bị thách thức bởi sự kết hợp của các yếu tố toàn cầu và trong nước.

Cơn cuồng vàng của người Ấn bị thử thách khi giá tăng vọt - Ảnh 2.

Vàng đóng vai trò quan trọng trong xã hội Ấn Độ. (Ảnh: AFP).

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra khiến niềm tin vào nền kinh tế toàn cầu giảm xuống, và vàng trở thành tài sản đầu tư an toàn, khiến giá kim loại này tăng vọt.

Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến Ấn Độ, thị trường vàng lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Ở Ấn Độ, cha mẹ của cô dâu là bên phải trả hầu hết chi phí đám cưới. Trang sức hoặc vật phẩm bằng vàng, có giá trị văn hóa đáng kể, chiếm phần quan trọng trong chi phí này. Giờ đây, nhà Iyengars không chắc là họ sẽ phải giảm số lượng vàng mình mua, hay sẽ vay tiền thêm để mua đủ số vàng như mong muốn ban đầu.

"Chúng tôi chẳng thể làm gì nhiều. Về cơ bản thì, đây là danh tiếng của gia đình, và mối quan hệ của con gái tôi với nhà trai sẽ phụ thuộc vào điều này", ông Venkataraman nói với SCMP.

Cơn cuồng vàng của người Ấn bị thử thách khi giá tăng vọt - Ảnh 3.

Giá vàng tại Ấn Độ đã tăng 25% chỉ trong vòng vài tháng qua do nhiều nhân tố, trong đó có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. (Ảnh: Reuters).

"Tôi không nghĩ rằng giá vàng lại tăng mạnh thế này. Thường thì giá có dao động đôi chút, nhưng đây là lần mà giá vàng tăng vọt", người đàn ông chia sẻ.

Vàng có mặt trong mọi khía cạnh của cuộc sống người dân Ấn Độ, từ sinh nhật đầu tiên của đứa trẻ và rồi đám cưới cùng các dịp lễ hội. Nông dân Ấn Độ sẽ mua trang sức bằng vàng khi mùa màng bội thu.

Gần 2/3 nhu cầu vàng của Ấn Độ đến từ các vùng nông thôn. Tuy nhiên, đầu tháng này, giá một chỉ vàng 24 cara đã đạt mức kỉ lục 39.885 rupee trên thị trường vàng thỏi nội địa Ấn Độ.

Dù giá đã giảm xuống một chút những ngày gần đây, nhưng so với mốc 32.000 rupee hồi tháng 5, mức tăng hơn 20% chỉ trong vài tháng đã có tác động rõ rệt đến nhu cầu của người tiêu dùng.

Tạm thời mất sức hút

Ông Rajendra Jain, quản lí của một thương hiệu trang sức hàng đầu ở Ấn Độ, cho biết: "Tạm thời, vàng đang mất đi sức hút của nó, và người mua đang chờ giá vàng giảm hoặc ổn định trở lại".

Theo Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Đá quý và Trang sức Ấn Độ, lượng trang sức vàng và kim cương bán ra dự kiến tăng 7% mỗi năm trong vòng từ 3 đến 5 năm tới, nhưng con số này đã bị ảnh hưởng bởi xu hướng gần đây của thị trường.

Nhu cầu vàng giảm cũng là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng chậm lại.

Trước khi sụt giảm, lượng vàng bán ra trong quý đầu tiên đã tăng 9% so với cùng kì. Con số này lên tới 13% vào quý II, do giai đoạn này có nhiều lễ hội diễn ra.

Con số của quý III chưa được công bố, nhưng ngay từ đầu quý, chính phủ đã tăng thuế nhập khẩu vàng từ 10% lên 12,5%, động thái giúp tăng nguồn thu để bù đắp thâm hụt ngân sách.

Điều này góp phần khiến lượng vàng nhập khẩu giảm mạnh, xuống chỉ còn 30 tấn vào tháng 8 so với 111 tấn cùng kì năm ngoái.

Cơn cuồng vàng của người Ấn bị thử thách khi giá tăng vọt - Ảnh 4.

Đối mặt với nhu cầu vàng trong nước giảm, các công ty kinh doanh mặt hàng này của Ấn Độ đang tìm cách xuất khẩu sang Mỹ. (Ảnh: AFP).

Ngành công nghiệp bán lẻ vàng Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng bởi các nhân tố toàn cầu, bao gồm giá vàng tăng ở nước ngoài và việc đồng rupee suy yếu so với đồng USD, khiến cho nhập khẩu vàng trở nên đắt đỏ hơn.

Trong khi nhu cầu vàng trong nước giảm sút, các nhà kinh doanh vàng Ấn Độ đang tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài, đặc biệt là việc xuất khẩu vàng sang Mỹ, vốn đang là ngành thương mại trị giá 10 tỉ USD mỗi năm.

Tháng trước, Washington đã tăng thuế nhập khẩu với đá quý và trang sức Trung Quốc từ 10% lên 20,5%, trong khi thuế đối với sản phẩm tương tự của Ấn Độ chỉ là 5,5%.

Theo ước tính của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các hộ gia đình Ấn Độ đang dự trữ khoảng 25.000 tấn vàng, có giá trị tương đương 40% GDP đất nước. Điều này khiến cho người dân Ấn Độ là những người tích trữ nhiều vàng nhất thế giới.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.