Con dao ngày tìm cha trở thành con dao giết người
Bị cáo Trung rơi vào vòng lao lý vì thiếu sự giáo dục của cha mẹ (ảnh: L.H). |
Nguyễn Văn Trung (19 tuổi ngụ Tây Ninh) cũng là đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt. Chưa đầy hai tháng tuổi Trung đã thiếu đi tình yêu thương chăm sóc của cha mẹ. Mẹ Trung có người đàn ông khác, cuộc sống gia đình đổ vỡ từ đây, cha của Trung trở về quê tại Quảng Ngãi bỏ lại đứa con nhỏ cho ông bà ngoại tự chăm sóc.
Đứa trẻ lên lên trong sự chăm sóc của ông bà ngoại, chưa một lần biết mặt cha. Do ông bà đã lớn tuổi cuộc sống khó khăn không có điều kiện để Trung đi học. Lúc 10 tuổi bạn bè cùng trang lứa đang cắp sách tới trường thì Trung đã phải đi học, đi làm thuê, làm mướn phụ giúp ông bà mưu sinh qua ngày.
Với khao khát tìm lại người cha năm xưa đã bỏ rơi mình, năm 14 tuổi, Trung một mình lặn lội từ Tây Ninh ra Quảng Ngãi tìm cha. Trong chuyến đi này Trung đã mua một con dao xếp mang theo bên mình để phòng thân. Nhưng chính con dao đó đã không bảo vệ được Trung mà con mang lại tai họa cho mình.
Theo nội dung vụ án, sáng ngày 30/8/2015, Trung nghe một số thanh niên cho biết mình bị Lê Trung Dũng (SN 1996) thách thức đánh nhau. Khoảng 19h30 cùng ngày, Trung mang theo dao đi đến khu vực chợ Bình Khánh, Cần Giờ để tìm Dũng hỏi chuyện.
Khi đến nơi, Trung thấy Dũng cùng một số thanh niên khác đang ngồi nhậu với nhau. Ngay lập tức, Trung buông lời thách thức, dọa nạt “rủ” Dũng đánh tay đôi. Thấy vậy, Dũng đứng dậy thì bị Trung xông đến đánh nhưng không trúng. Do được mọi người can ngăn, Trung bỏ về.
Về đến nhà, Trung vẫn còn ấm ức trong lòng vì chưa đánh được Dũng nên tiếp tục quay lại kiếm chuyện với Dũng. Khi đến nơi, Trung dùng dao chém vào người Dũng khiến Dũng bỏ chạy.
Lúc này, nghe hàng xóm kể, Nguyễn Tấn Ninh (bạn của Dũng) chạy đến hỏi vì sao lại đánh nhau thì bị Trung hù dọa chém. Nghe xong, Ninh thách thức đánh nhau thì bị Trung dùng dao đâm hai nhát vào người khiến nạn nhân tử vong.
Muộn màng
Tại phiên tòa hội đồng xét xử hỏi “Vì sao đi đám cưới cũng mang theo con dao bên mình”, Trung cúi đầu nói : “để phòng thân”, không có tình thương của cha mẹ từ nhỏ, Trung cần một thứ để có thể bảo vệ chở che cho mình để có cảm giác yên tâm.
Có mặt tại phiên tòa người cha bị cáo không hỏi han con mình một câu, sau nhiều năm xa cách, mặc dù thời gian nghị án khá lâu. Ông vẫn đứng phía ngoài tòa và chờ đợi, để mặc cho Trung ngồi lọt thỏm một mình sau vành móng ngựa.
Kết thúc phiên tòa bất chợt tôi thấy Trung rất nhanh quay đầu nhìn xuống hang ghế nơi người cha mình đang ngồi. Ánh mắt Trung đau đáu một nỗi niềm khó tả, tôi đã hiểu tại sao Trung không quan tâm nhiều đến mức án mà tòa vừa tuyên cho mình.
Nhận thấy hành vi của Trung không những xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng người khác mà còn gây mất trật tự công cộng. Do đó, HĐXX quyết định xử phạt Trung 16 năm tù về tội “Giết người” và 1 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Mỗi người làm cha, làm mẹ sinh con ra thì ai nấy đều có trách nhiệm nuôi nấng dạy dỗ con người, đừng vì bản thân mình bỏ rơi những đứa con, để nó gây ra những tội ác, để rồi hôm nay những ông bố bà mẹ ấy phải mang trong mình một nỗi day dứt không nguôi.
Theo tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp, Trưởng Khoa Tâm lý học Trường ĐH KHXH-NV, hầu hết trẻ vị thành niên phạm tội là do không kiểm soát được hành vi, cảm xúc, không hiểu hết hậu quả của những việc mình làm. “Một đứa trẻ lớn lên không có đủ sự chăm sóc của cha mẹ hoặc thiếu 1 trong 2 thì dễ bị mất cân bằng các chức năng, sức đề kháng tâm lý rất yếu. Chính cảm giác hụt hẫng, chơi vơi trong cuộc sống khiến các em luôn thấy bất an, tinh thần hoảng loạn, dễ bị cảm xúc không phù hợp chi phối hành động của bản thân, dẫn đến sai lầm. Với những trẻ em này thì tình yêu thương, nâng đỡ, cảm thông trong khuôn phép của gia đình sẽ là điểm tựa vững chắc giúp các em vượt qua thử thách để quay về” - TS Ngô Xuân Điệp nói. |