Công khai danh tính cán bộ vi phạm trên cổng thông tin điện tử là vi phạm nghiêm trọng đến quyền nhân thân?

Theo luật sư, nếu xử lí hình sự có thể công khai, nhưng nếu xử lí hành chính phải cần có sự hoàn thiện pháp luật để tránh khiếu nại, mâu thuẫn các quy định pháp luật khác.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu vừa kí ban hành kế hoạch thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lí, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Trong đó, sẽ công khai danh tính cán bộ vi phạm trên cổng thông tin điện tử, cương quyết xử lí nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

cán bộ

Người dân TP HCM "chấm điểm" cán bộ, công chức thông qua hệ thống đánh giá hài lòng tại quầy tiếp nhận hồ sơ hành chính. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Liên quan vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, việc xử lí đối với cán bộ, công chức vi phạm các quy định của pháp luật sẽ phải tuân theo Điều 78, 79 Luật Cán bộ, Công chức hiện hành.

Luật sư đánh giá, căn cứ quy định của pháp luật, không có hình thức xử lí công khai danh tính cán bộ, công chức vi phạm trên Cổng thông tin điện tử. Đồng thời, hình thức xử lí này vi phạm nghiêm trọng đến quyền nhân thân của cán bộ, công chức mà pháp luật bảo vệ, cụ thể là quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.

"Mặc dù với vai trò là cán bộ, công chức phải chịu sự quản lí của cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm trước nhân dân về hành vi của mình, nhưng họ cũng là một công dân của đất nước, chính vì thế những quyền lợi, lợi ích cơ bản của họ cần được bảo vệ  theo quy định của pháp luật như những người khác", luật sư Hùng nêu quan điểm.

Theo luật sư, việc xử lí cán bộ, công chức cần dựa trên quy định của pháp luật, không thể tùy ý xử lí theo cảm tính. Việc công khai danh tính của cá nhân chỉ hợp pháp khi được sự đồng ý của cá nhân đó. Như vậy, khi muốn công khai danh tính của cán bộ, công chức vi phạm trên cổng thông tin điện tử, cần có sự đồng ý bằng văn bản của cán bộ, công chức đó. 

"Tôi đánh giá cao quyết tâm nâng cao chất lượng trong lĩnh vực hành chính của UBND TP, tuy nhiên cần dựa trên luật pháp để triển khai các biện pháp. Như vậy mới có thể mang lại hiệu quả thật sự có tính răn đe, tránh việc bức xúc, khiếu nại của cán bộ, công chức vi phạm", luật sư Hùng nhấn mạnh.

Từ đó, luật sư cho rằng, nếu xử lí hình sự có thể công khai nhưng nếu xử lí hành chính phải có sự hoàn thiện pháp luật để tránh khiếu nại, mâu thuẫn các quy định pháp luật khác.

Điều 78. Các hình thức kỉ luật đối với cán bộ

1. Cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Cách chức;

d) Bãi nhiệm.

Điều 79. Các hình thức kỉ luật đối với công chức

1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỉ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Hạ bậc lương;

d) Giáng chức;

đ) Cách chức;

e) Buộc thôi việc.

Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

...

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

chọn
Hai luật lớn về bất động sản có thể hiệu lực sớm từ 1/7
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo nghị quyết cho phép Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực sớm nửa năm.