Công nhân sửa chữa đường sắt ga Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Chỉ trong vòng 7 tháng đầu năm 2017, số lượng công nhân đường sắt nghỉ việc bằng cả năm 2016. Lý do cơ bản là lương ngành đường sắt quá thấp cộng lo ngại thiệt thòi khi cách tính lương hưu mới dự kiến áp dụng từ 1.1.2018. Nhiều người chấp nhận rời bỏ đường sắt để tìm đến một công việc bấp bênh nhưng có thu nhập cao hơn là chạy... xe ôm.
Chuyển việc vì công việc áp lực, nguy hiểm mà thu nhập thấp
Chị Trần Thị Gái (ở Khâm Thiên, Hà Nội) sau hơn 28 năm làm nhân viên soát vé trên tàu Thống Nhất, trong đó có hơn 10 năm “không ăn Tết ở nhà”, đã quyết định nghỉ hưu non để về nhà chạy xe ôm Grab. Chưa bỏ nghề nhưng nhiều công nhân đường sắt hiện “chân ngoài dài hơn chân trong” khi tranh thủ giờ nghỉ chạy xe ôm Uber, Grab để đỡ cho đồng lương còi cọc.
Vui vẻ trò chuyện với phóng viên, chị Gái cho biết cả tổ tàu Thống Nhất làm với chị trước đây đều đang chạy thêm xe ôm công nghệ trong đó có cả người đã nghỉ việc lẫn người đang đi làm. Chị Gái cho biết những năm gần đây thu nhập giảm sút khiến cuộc sống công nhân đường sắt gặp khó khăn, không ít đồng nghiệp trong tổ tàu tranh thủ “3 ngày chạy tàu, 3 ngày chạy xe ôm” để kiếm thêm dù vất vả.
Câu chuyện của chị Gái không phải là hiếm khi hàng trăm công nhân ngành Đường sắt quyết định nghỉ hưu sớm vì lương hưu cao hơn lương làm hoặc chuyển việc vì thu nhập không đủ sống.
Theo thống kê của TCty Đường sắt Việt Nam, đơn vị này có 207 người xin nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2017, gần bằng lượng người nghỉ trong cả năm 2016 (266 người), trong đó chủ yếu là “nghỉ hưu non” với 194 người nghỉ hưu trước tuổi dưới 2 năm.
Còn tại các công ty con trực thuộc TCty, số người nghỉ việc được nhận định là tăng mạnh nhưng chưa có con số thống kê cụ thể và tập trung chủ yếu ở nhân lực trẻ. Trong đó, bộ phận công nhân duy tu, gác chắn nghỉ nhiều nhất, lực lượng lái tàu và tiếp viên có nghỉ nhưng không nhiều.
Tình trạng công nhân đồng loạt nghỉ việc xuất hiện nhiều tại một số khu vực dẫn tới việc thiếu nhân lực cục bộ. Chẳng hạn tại đơn vị gác chắn ở khu vực Giáp Bát, chỉ từ đầu năm tới nay, 10% số công nhân ở đây đã xin nghỉ việc mà lý do chính là do thu nhập thấp, áp lực công việc cao.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Đào Việt Phương - Đội trưởng đơn vị này - cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến công nhân nghỉ việc nhưng chủ yếu là do thu nhập thấp trong khi công việc vất vả, áp lực và thậm chí nguy hiểm.
Theo ông Phương, khu vực từ Trường Chinh đến Ngọc Hồi (Hà Nội) có 18 chắn đường ngang với lưu lượng phương tiện cao; 50-60 chuyến tàu mỗi ngày đêm, mỗi lao động phải làm 21 ban/tháng (mỗi ban 12 giờ) thì mới được tính đủ lương khoảng 4 triệu đồng trong khi liên tục bị người tham gia giao thông chửi bới, hành hung với hàng chục trường hợp từ đầu năm tới nay.
Thu nhập “không thể sống nổi ở Hà Nội” khiến nhiều công nhân trẻ bỏ ngành đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, ông Phương nhận định. Bên cạnh đó, việc chuyển chế độ 3 ban sang 2,5 ban khiến người lao động phải làm nhiều hơn mà lương vẫn thế cũng khiến nhiều công nhân “nản”.
Chia sẻ với phóng viên, anh Đ.V.Minh cho biết, sau 13 năm làm nghề gác chắn tại Cty Đường sắt Hà Hải, anh đã quyết định chuyển nghề dù có nhiều trăn trở vì lương thấp không đủ sống, công việc căng thẳng vì lưu lượng giao thông lớn. Cũng với nguyên nhân lương thấp, công việc vất vả, anh Thắng - công nhân duy tu đường sắt tại khu vực Hải Dương - xin nghỉ việc sau vài tháng dãi nắng dầm mưa với hơn 2 triệu đồng/tháng.
Hụt lao động, “vá víu” bằng giải pháp tình thế
Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam - Mai Thành Phương thừa nhận ngành Đường sắt là ngành làm việc vất vả và nguy hiểm, ngay cả các đối tượng trông có vẻ nhàn hạ như gác chắn nhưng tính rủi ro trong công việc vẫn rất cao. Gần như năm nào cũng có công nhân gác chắn tử vong vì tai nạn giao thông, thậm chí có người bị giết. Cán bộ làm trên tàu thuộc các đoàn tiếp viên, cường độ làm việc cũng rất cao lại ít có sự hỗ trợ khi chia tách các đơn vị.
Trong khi đó, thu nhập của công nhân lại thấp và số người xin nghỉ việc tập trung ở khối kết cấu hạ tầng với hai nhóm chức danh duy tu và gác chắn. Số công nhân này “ăn lương ngân sách” theo đơn giá quy định nên rất thấp. “Ngành Đường sắt đã làm việc với các Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH để xem xét lại đơn giá, định mức để trả đủ, tính đủ cho người lao động” - ông Phương khẳng định.
Hiện nay, 100% các đơn vị cầu đường phải “cấu véo” từ nhiều nguồn và tổ chức sản xuất thêm để bổ sung thêm lương cho gác chắn nhưng vẫn chưa đủ, đặc biệt là ở các khu vực có lưu lượng tàu lớn và mức sống cao như Hà Nội.
Ngoài nhóm lao động trẻ, nhiều lao động ngấp nghé tuổi hưu, thậm chí cả lãnh đạo đơn vị cũng xin nghỉ hưu non để “tận dụng” cơ chế vì theo quy định trước ngày 1.1.2018, nếu đã đủ tuổi mà nghỉ sớm, người lao động hưởng lương BHXH cao hơn đi làm trong khi đi làm vất vả hơn và xu hướng nghỉ hưu non này được nhận định là sẽ chấm dứt trong vài tháng tới chế độ chính sách mới có hiệu lực. Hiện nay, những người còn trên 1-2 năm đủ tuổi nghỉ hưu mà về sớm, ngoài tiền lương hưu, họ được khoản tiền hỗ trợ của DN tới vài chục triệu đồng.
Ông Phương thừa nhận tình trạng trên tác động rất lớn gây mất cân đối nguồn lao động và dẫn tới tình trạng thiếu cục bộ. Để giải quyết tình thế, ngành đường sắt đang tiến hành điều tiết nội bộ, chẳng hạn huy động công nhân ở bộ phận duy tu sang, cho đội duy tu đi học làm gác chắn, đào tạo cấp chứng chỉ rồi chuyển sang làm, đồng thời cố gắng động viên giữ chân người lao động. Tuy nhiên, “đây là giải pháp cục bộ và nếu hết cách thì phải tuyển thêm” - ông Phương khẳng định.
Còn theo ông Đoàn Duy Hoạch - Phó Tổng Giám đốc TCty Đường sắt Việt Nam, TCty rất băn khoăn, trăn trở về mức thu nhập của công nhân, nhất là công nhân gác chắn, duy tu, phục vụ trên tàu và đang nỗ lực đổi mới chất lượng dịch vụ, tăng sản lượng để tăng doanh thu, từ đó mới tăng thu nhập cho anh em. Tuy nhiên hiện nay, lao động tuần đường, gác chắn hưởng lương theo bậc thợ, không có năng suất lao động nên không có cơ sở để nâng lương so với mức lương cơ bản và chỉ có thể tăng lương khi doanh nghiệp có thêm lợi nhuận.
TCty đã kiến nghị với Nhà nước nâng mức đầu tư từ ngân sách cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt lên 1,3 lần mức hằng năm, bắt đầu từ năm 2018, qua đó để đảm bảo chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt và có cơ hội tăng việc làm cho các đơn vị bảo trì, tăng thu nhập cho người lao động đồng thời đề nghị Bộ LĐTBXH áp dụng chế độ tiền lương cho công nhân gác chắn tương tự với nhân viên gác đèn biển ở lĩnh vực bảo đảm hàng hải.
Trước mắt, để đảm bảo sản xuất kinh doanh bình thường, an toàn trong thời điểm thiếu lao động, TCty đã chỉ đạo doanh nghiệp thành viên có giải pháp đảm bảo các vị trí làm việc theo ban kíp phải bố trí đầy đủ; đồng thời tăng cường kiểm tra an toàn tại các vị trí liên quan đến chạy tàu. Các đơn vị cũng thực hiện việc điều chuyển công nhân duy tu đã được đào tạo nghiệp vụ gác chắn, chuyển sang hỗ trợ gác chắn tại các điểm đang thiếu nhân lực.