Gần đây, mạng xã hội và báo chí công bố nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến đa cấp, từ một ứng dụng bị cảnh báo có dấu hiệu lừa đảo (Myaladdinz) cho đến một vài lãnh đạo công ty có dấu hiệu đa cấp (Gold Time).
Vài năm gần đây, cụm từ "đa cấp" luôn gắn liền với những tính từ không mấy tiêu cực. Tìm kiếm với từ khóa "đa cấp lừa đảo", Google trả về hàng chục triệu kết quả bằng tiếng Việt.
Song ở Việt Nam, "kinh doanh đa cấp" theo định nghĩa của cơ quan quản lí lại tương đối khác so khái niệm của mọi người. Đa số vụ lừa đảo mà dư luận nhắc tới đều liên quan tới mô hình đa cấp trá hình, chứ chẳng dính dáng tới những doanh nghiệp đăng kí "kinh doanh đa cấp" với cơ quan chức năng.
Định nghĩa của Bộ Công thương nêu rõ bán hàng đa cấp là "một hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh. Các nhà phân phối nhận trả hoa hồng/thu nhập từ kết quả bán hàng của bản thân họ và kết quả bán hàng của những người do họ bảo trợ".
Trước hết, bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng, không phải là một hình thức đầu tư để cầu lợi nhuận. Chi tiền mua sản phẩm để tham gia mạng lưới là một bước trong quá trình phân phối hàng hóa, không phải là một khoản tiền "cam kết" để giữ chân người mua hàng và buộc họ tiếp tục lôi kéo người kế tiếp.
Bán hàng đa cấp cũng là một kênh phân phối sản phẩm từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, bên cạnh cách bán lẻ truyền thống qua đại lí, siêu thị, cửa hàng.
Một trong những lí do khiến nhiều câu chuyện tiêu cực về đa cấp xảy ra là người tham gia không nắm đầy đủ thông tin về công ty.
Hiện tại, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng luôn cập nhật những danh sách các công ty đa cấp có giấy phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Theo thông tin mới nhất, Việt Nam hiện còn 21 công ty đa cấp hợp pháp, bao gồm 2 công ty đang làm thủ tục gia hạn giấy phép.
Các cơ quan chức năng đang hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lí để quản lí hoạt động bán hàng đa cấp. Từ hơn 100 công ty được cấp phép, lượng doanh nghiệp đa cấp hợp pháp liên tục giảm dần qua các năm.
Cũng theo Bộ công thương, người muốn kinh doanh nên phân biệt rõ doanh nghiệp bán hàng đa cấp đáng tin cậy và doanh nghiệp bán hàng đa cấp không đáng tin cậy.
Một doanh nghiệp bán hàng đa cấp đáng tin cậy có các đặc điểm như sản phẩm tốt, đào tạo nhà phân phối tốt, tập trung vào bán hàng chứ không quá chú trọng hoạt động tuyển dụng.
Đặc điểm "sản phẩm tốt" là một trong những điểm cốt lõi để phân biệt. Các công ty "trá hình" thường đưa ra một sản phẩm chưa đủ tốt, hoặc chưa đủ tốt so với mức giá niêm yết. Chính vì thế, khi người dùng mua hàng, họ đã phải chịu một khoản "lỗ", tạo áp lực khiến tiếp tục phải "bán" sản phẩm cho cấp dưới, "chuyền quả lựu đạn" vào tay những người đến sau.
Một ví dụ cho những trường hợp kể trên chính là mô hình "đa cấp" nở rộ đầu những năm 2000: Nhiều công ty bán đồ gia dụng, với mức giá cao hơn nhiều so với giá trị thật, đồng thời khuyến khích người dùng tiếp tục lôi kéo người khác mua hàng để gia nhập hệ thống.
Về đặc điểm "tập trung vào bán hàng chứ không quá chú trọng tuyển dụng": một công ty đa cấp đáng tin cậy, việc tuyển dụng chỉ có tác dụng phục vụ việc bán hàng. Nhiều công ty đa cấp trá hình bán một sản phẩm không giá trị hoặc giá trị thấp, và tạo ra dòng tiền bằng cách lôi kéo những người tham gia sau.
Dấu hiệu ấy thể hiện nhất ở một vài các ứng dụng trá hình "đầu tư tài chính", na ná với kiểu trò chơi tài xỉu: Người chơi đoán đúng xu thế giá lên hay xuống để nhận tiền. Những ứng dụng này hoàn toàn có thể thao túng mức giá trên nền tảng, nên người dùng chỉ có cách nạp thêm tiền, hoặc lôi kéo người cấp dưới nạp tiền để "giảm lỗ".
Yêu cầu người tiêu dùng bỏ tiền mới có thể tham gia hệ thống chính là một trong những dấu hiệu khác của một công ty đa cấp không đáng tin cậy. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đa cấp chỉ sống nhờ số tiền những người mới gia nhập bỏ ra mua hàng.
Việc tham gia một mạng lưới bán hàng đa cấp là hoàn toàn tự nguyện. Chính vì thế nếu cần phải mua hàng mới trở thành thành viên, đây gần như chắc chắn là một doanh nghiệp đa cấp không đáng tin cậy.
Một sự thật là trong vài năm gần đây, đa cấp thường gắn với những mác xấu như lừa đảo, rất nhiều người vẫn tham gia những mô hình đa cấp trá hình, rồi mất tiền với chúng.
Kế hoạch mà các công ty đa cấp trá hình vạch ra là xây dựng một mạng lưới đủ lớn và tạo thu nhập thụ động tương đối hấp dẫn. Một mức thu nhập cao, trong thời gian ngắn là một mục tiêu khá hấp dẫn đủ để thu hút những người sẵn sàng bỏ tiền vào nuôi hệ thống.
Cam kết thu nhập cao bất thường là một trong những dấu hiệu mà Bộ Công thương cảnh báo về các doanh nghiệp đa cấp không đáng tin cậy. Mức thu nhập mà các công ty đó "vẽ" ra khiến những người tham gia sẵn sàng chấp nhận rủi ro để gia nhập hệ thống.
Một doanh nghiệp nhận giấy chứng nhận bán hàng đa cấp, không đồng nghĩa với việc họ kinh doanh chân chính, giống như việc có bằng lái xe nhưng chưa chắc đã tuân thủ luật giao thông.
Việc nhận giấy phép hoạt động, chỉ có ý nghĩa các doanh nghiệp này đáp ứng đủ điều kiện về pháp lí. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể hoạt động không đúng với nội dung đã cam kết trong giấy chứng nhận.
"Các nhà phân phối của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thường giới thiệu và bán sản phẩm cho những người thân quen. Do đó, họ cần tính toán số lượng các mối quan hệ xã hội của mình liệu có đủ nhiều để giúp mình bán được nhiều hàng hóa hay không, hay những người thân quen của mình có phù hợp với hàng hóa của doanh nghiệp mà mình dự định tham gia hay không", Bộ Công thương khuyến cáo.