Công ty mẹ Highlands Coffee lần đầu tiên thua lỗ sau 3 thập kỷ

Jollibee Foods Corp - công ty Philippines sở hữu thương hiệu chuỗi cà phê Highlands Coffee, báo lỗ 11,5 tỷ peso trong năm 2020. Đây là khoản lỗ hàng năm đầu tiên trong ít nhất 3 thập kỷ trở lại của công ty này.

Jollibee Foods Corp, đơn vị sở hữu chuỗi nhà hàng lớn nhất Philippines, đồng thời là công ty mẹ của chuỗi Highlands Coffee đã ghi nhận khoản lỗ 11,5 tỷ peso trong năm 2020. Đây là khoản lỗ năm đầu tiên trong vòng 30 năm trở lại của Jollibee Foods, chủ yếu là do tình hình kinh doanh tại các thị trường nước ngoài gặp khó vì Covid-19.

Giống như đa phần những chuỗi nhà hàng trên khắp thế giới, năm 2020, Jollibee Foods đã phải đối mặt với xu hướng tiêu dùng thay đổi vì Covid-19. Trong khi đó, nèn kinh tế Philippines tiếp tục chìm vào suy thoái và đà phục hồi dự kiến của nước này có thể yếu hơn so với những dự báo ban đầu.

Trong buổi phỏng vấn với Bloomberg, CEO Jollibee Foods ông Ernesto Tanmantiong đã chia sẻ về kế hoạch tái cơ cấu trong bối cảnh doanh nghiệp đã phải chịu những "tổn thất lịch sử" do đại dịch gây ra.

Ông Ernesto Tanmantiong cho biết công ty có kế hoạch mở thêm 450 nhà hàng trên khắp thế giới ngay trong năm nay. Đồng thời tìm kiếm các thương vụ M&A có thể đầu tư bằng tiền mặt và đầu tư ngắn hạn trong quỹ tiền 57,5 tỷ peso, tương đương 1,2 tỷ USD của Jollibee Foods.

Công ty mẹ Highlands Coffee lần đầu tiên thua lỗ sau 3 thập kỷ - Ảnh 1.

Công ty sở hữu Highlands Coffee lần đầu tiên thua lỗ sau 3 thập kỷ. (Ảnh: Thiên Trường).

"Jollibee đang đặt cược vào mục tiêu trong dài hạn rằng lượng khách hàng sẽ được cải thiện", ông Gerard Abad, Giám đốc đầu tư tại quỹ AB Capital & Investment Corp, nhận xét. "Những công ty thành công đều là những công ty biết đặt cược vào thị trường trong bối cảnh khó khăn nhất."

Một trong những động thái nhằm cải thiện doanh số bán hàng của Jollibee trước ảnh hưởng của đại dịch đó là chi 7 tỷ peso để chuyển đồi kinh doanh, bao gồm việc nâng cấp nền tảng giao hàng và bán hàng trực tuyến.

"Hiện tại chúng tôi đã có nền tảng tài chính ổn định. Do đó công ty có thể nghĩ đến thực hiện các thương vụ M&A tương tự như việc mua lại The Coffee Bean & Tea Leaf trị giá 350 triệu USD vào năm 2019", CEO Jollibee Foods chia sẻ.

"Chúng tôi đang quan tâm tới một số thương hiệu. Song hiện tại, chúng tôi chưa thể tiết lộ vì đang trong quá trình thẩm định và đánh giá", vị CEO nói thêm.

Dự kiến, khoảng 80% cửa hàng mới mở thêm năm 2021 của Jollibee Foods sẽ nằm tại nước ngoài, chia đều cho các thị trường như Trung Quốc, Bắc Mỹ và Đông Nam Á. Mục tiêu của Jollibee Foods là đến năm 2025, một nửa doanh số của công ty sẽ đến từ thị trường bên ngoài Philippines. Năm 2020, 58% doanh số bán hàng của Jollibee đến từ thị trường trong nước.

"Chúng tôi đã sẵn sàng để mở rộng, chuẩn bị cho sự phục hồi trên toàn cầu sau đại dịch và điều này sẽ được duy trì trong một vài năm tới", ông Ernesto Tanmantiong nói. "Chúng tôi đang đầu tư nhiều hơn vào các thị trường nước ngoài, đặc biệt là tại các quốc gia đã phục hồi nhanh chóng sau đại dịch."

CEO Jollibee Foods nói rằng ông có kế hoạch đưa doanh thu và tăng trưởng của công ty trở lại mức trước đại dịch vào năm 2022, đồng thời tăng gấp đôi hoạt động đầu tư kinh doanh bên ngoài trong vòng 4-5 năm tiếp theo.

Tính đến cuối năm 2020, Jollibee đang sở hữu hơn 5.800 cửa hàng tại 33 thị trường trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, Jollibee Foods đang sở hữu 60% vốn tại SF Vũng Tàu - đây là công ty nắm giữ 100% cổ phần tại CTCP Dịch vụ Cà phê Cao Nguyên, đơn vị vận hành chuỗi cửa hàng đồ uống Highlands Coffee.

Highlands Coffee đang là chuỗi cà phê có doanh thu lớn nhất tại Việt Nam, đạt 2.199 tỷ đồng năm 2019. Đứng sau là tên tuổi ngoại như Starbucks (783 tỷ đồng) hay The Coffee House (863 tỷ đồng).

Công ty mẹ Highlands Coffee lần đầu tiên thua lỗ sau 3 thập kỷ - Ảnh 2.

Bất chấp sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường chuỗi cà phê trong những năm gần đây, Highlands Coffee vẫn giữ được đà tăng trưởng doanh thu với mức tăng 35%, đạt 2.200 tỷ đồng năm 2019. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty đã giảm 35% so với năm trước đó do các chi phí bán hàng và quản lí tăng mạnh.

Công ty mẹ Highlands Coffee lần đầu tiên thua lỗ sau 3 thập kỷ - Ảnh 3.

 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.