Công ty nào tại Việt Nam bị đặc vụ Mỹ nghi rửa nguồn cho 4,3 tỉ USD nhôm Trung Quốc vào Mỹ?

Mỹ đang áp mức thuế đối với sản phẩm nhôm Trung Quốc lên tới 374% trong khi con số này đối với Việt Nam là chưa đến 15%. Đây được cho là động lực dẫn đến các hành vi gian lận nguồn gốc xuất xứ.
Công ty nào tại Việt Nam bị đặc vụ Mỹ nghi rửa nguồn cho 4,3 tỉ USD nhôm Trung Quốc vào Mỹ? - Ảnh 1.

Kho nhôm khổng lồ tại Vũng Tàu. (Ảnh: The Wall Street Journal)

Ngày 29/10, truyền thông trong nước dẫn lời Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan Nguyễn Văn Cẩn cho hay đã chặn đứng vụ việc 1,8 triệu tấn nhôm nhập về Việt Nam (có giá trị ước tính lên tới 4,3 tỉ USD) để giả mạo xuất xứ nhằm xuất khẩu sang Mỹ và các nước.

Đáng chú ý, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Cẩn, các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra về sự việc này.

"Liên quan đến vụ 1,8 triệu tấn nhôm mà cơ quan hải quan đã phát hiện và ngăn chặn, ông Cẩn cho hay một tập đoàn có công nghệ, dây chuyền nhưng lại nhập khẩu nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm nhằm đưa ra các sản phẩm để xuất khẩu đi Mỹ và một số nước khác", một tờ báo viết.

Nhưng danh tính "tập đoàn có công nghệ, dây chuyền" bị nghi thực hiện rửa nguồn cho nhôm Trung Quốc này cụ thể là cái tên nào?

Theo phân tích của VietTimes, không loại trừ khả năng, cái tên đó chính là Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam (tên tiếng Anh: Global Vietnam Aluminum Co - GVA, viết tắt: Nhôm toàn cầu Việt Nam), đóng tại KCN Mỹ Xuân B1-Conac, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp này chính là đối tượng mà các đặc vụ Mỹ đang hướng đến.

Thứ nhất, đây là đơn vị đứng ra nhập khẩu số lượng nhôm lớn bất thường vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra do Bộ Công thương chủ trì vào cuối tháng 5/2016, công ty Nhôm toàn cầu Việt Nam cho biết đã nhập khoảng 1,5 triệu tấn nhôm, chủ yếu là nhôm hình và được nhập chủ yếu từ Trung Quốc. Lượng nhôm trên có giá trị tới hàng tỉ USD.

Trong khi đó, số liệu từ hãng Global Trade Information Services (GTIS) công bố vào cuối năm 2016 cũng chỉ ra những thương vụ nhập khẩu nhôm “khủng” của công ty Nhôm toàn cầu Việt Nam, bao gồm lô hàng 500.000 tấn nhôm đùn từ San José Iturbide (Mexico) trong nửa cuối năm 2016, hay 1,7 triệu tấn nhôm đùn trị giá 5 tỷ USD từ Trung Quốc, Mỹ (vào đầu năm 2015).

Thứ hai, công ty Nhôm toàn cầu Việt Nam cũng là chủ kho nhôm khổng lồ tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo báo chí quốc tế, những kho hàng của công ty được phủ bạt đen, canh giữ cẩn mật bởi nhân viên an ninh tuần tra bằng xe máy, mang theo dùi cui…

"Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các cơ quan khác kiểm tra, xác định và ngăn chặn kịp thời.

Tổng cục Hải quan còn phối hợp với Hải quan Mỹ xác minh về vụ việc nêu trên. Đặc biệt, các đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ đã đến Việt Nam để phối hợp điều tra.

Vì vậy, hiện toàn bộ số nhôm này chưa thể xuất khẩu. Theo báo cáo của Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu, số lượng tồn lên đến 1,8 triệu tấn, trị giá khoảng 4,3 tỉ USD", với thông tin này trên tờ Tuổi trẻ, hẳn công ty mà người đứng đầu Tổng cục Hải quan ám chỉ phải đặt cơ sở tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đặc biệt, cái tên đứng sau pháp nhân đang sở hữu kho nhôm khủng tại Việt Nam nêu trên được cho chính là “vua nhôm Trung Quốc” Lưu Trung Điền (Liu Zhongtian) - người sáng lập và chủ sở hữu của công ty nhôm lớn nhất Trung Quốc, là Công ty hữu hạn cổ phần Trung Vượng Trung Quốc (China Zhongwang Holdings Co., Ltd).

Cũng theo nguồn tin quốc tế, ông Lưu Trung Điền đã bị bồi thẩm đoàn Mỹ khởi tố với cáo buộc buôn lậu và trốn thuế. Văn bản khởi tố đã được giao từ hồi tháng 5/2019 nhưng phải sau đó 2 tháng mới được công bố.

Theo đó, bồi thẩm đoàn liên bang Mỹ đã cáo buộc công ty của ông Lưu Trung Điền đã thực thi một số chương trình lừa đảo khổng lồ trong nhiều năm, vận chuyển nhôm từ một số nước trên thế giới nhập lậu vào Mỹ bằng cách che giấu xuất xứ.

Cụ thể, “vua nhôm Trung Quốc” cùng cộng sự bị cáo buộc đã cung cấp tiền mặt cho công ty vỏ bọc, thông qua các công ty này để mua sản phẩm nhôm từ Công ty hữu hạn cổ phần Trung Vượng Trung Quốc, sau đó bán cho khách mua người Mỹ nhằm che đây nguồn gốc của các sản phẩm nhôm.

Số tiền trốn thuế của ông Lưu Trung Điền đã lên tới gần 2 tỉ USD. Nếu tội danh lừa đảo và rửa tiền quốc tế được thành lập, ông Điền sẽ phải đối mặt với tối đa là 465 năm tù.

Được biết, Mỹ hiện đang áp mức thuế đối với sản phẩm nhôm Trung Quốc lên tới  374% trong khi con số này đối với Việt Nam là chưa đến 15%. Cơ quan Hải quan đã và đang tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi gian lận xuất xứ, không để Việt Nam trở thành điểm đến trung chuyển của hàng hóa gian lận.

Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam được thành lập vào ngày 8/8/2011, đăng kí địa chỉ trụ sở chính tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac, Xã Mỹ Xuân, Huyện Tân Thành, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tính tới cuối tháng 1/2018, quy mô vốn điều lệ của công ty tăng mạnh từ mức 1.025 tỉ đồng lên mức 4.978,27 tỉ đồng. Cơ cấu cổ đông được giữ ổn định với sự tham gia góp vốn của 2 cổ đông cá nhân có cùng quốc tịch Úc, cùng địa chỉ đăng kí thường trú, là Jacky Cheung và Wang Tong, với tỉ lệ sở hữu lần lượt là 10% và 90% vốn điều lệ.

Trong đó, ông Jacky Cheung (sinh năm 1981) nhiều năm liền đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu Việt Nam.

Theo thay đổi đăng kí kinh doanh gần nhất, cập nhật ngày 7/10/2019, ông Wang Tong đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ cho một pháp nhân là Công ty Triple Wins Globals. Công ty này đăng ký địa chỉ tại “thiên đường thuế” British Virgin Islands.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.