Công ty Trung Quốc rời quê hương vì chiến tranh thương mại

Cũng như các doanh nghiệp nước ngoài, đòn thuế nhập khẩu của Mỹ, lương nhân công và nhiều chi phí khác tăng lên đang khiến các công ty Trung Quốc tìm cách rời quê hương. Các điểm đến được lựa chọn là Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Serbia, Việt Nam và Thái Lan.

Hãng sản xuất sản phẩm cao su Jinhua Chunguang hồi tháng 7 thông báo đầu tư 4,35 triệu USD xây thêm một nhà máy ở Đông Nam Á. Trước đó, họ đã có 3 cơ sở ở Trung Quốc và Malaysia. Lí do của quyết định này là "thay đổi trong môi trường quốc tế", và cũng là một phần kế hoạch mở rộng trước đó của công ty. Sản phẩm của Jinhua nằm trong nhóm hàng hóa trị giá 200 tỉ USD bị Mỹ đánh thuế từ năm ngoái.

Công ty Trung Quốc rời quê hương vì chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Các container tại một cảng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: CNBC).

Trên thực tế, Trung Quốc cũng có chính sách khuyến khích công ty mở rộng sản xuất sang nước ngoài kể từ năm 2001, nhưng ít doanh nghiệp cảm thấy đây là điều cần thiết, do thị trường nội địa quá lớn. "Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến xu hướng này tăng tốc", Darren Tay - nhà phân tích rủi ro tại Fitch Solutions nhận định.

Giới phân tích cho rằng chi phí tăng cũng là lí do các công ty chuyển ra nước ngoài, kể cả trước khi chiến tranh thương mại diễn ra. Trong giai đoạn 2012 - 2017, lương danh nghĩa tại Trung Quốc đã tăng 44% lên gần 6.200 nhân dân tệ mỗi tháng, theo Tổ chức Lao động Quốc tế. Mức tăng này khá lớn, so với 28% của Malaysia hay 11% của Mexico trong cùng kì.

Dù vậy, lương cạnh tranh không phải là điểm thu hút duy nhất. "Lực lượng lao động tay nghề cao, có kiến thức, cơ sở vật chất tốt và lợi ích từ hiệp định thương mại tự do, như EVFTA hay Khu vực mậu dịch tự do ASEAN cũng là các yếu tố được cân nhắc", Rajiv Biswas - nhà kinh tế học tại IHS Markit giải thích.

Ở nhiều quốc gia, việc chuyển hướng đầu tư được áp dụng khi các dự án cơ sở hạ tầng trong sáng kiến Vành đai và Con đường bị phản ứng mạnh. Jiangsu Xinquan Automotive Trim hồi tháng 5 thông báo sẽ rót 64,4 triệu ringgit (15 triệu USD) vào Malaysia. Khoản đầu tư này nhằm hỗ trợ khách hàng chính của họ - Zhejiang Geely Holding. Geely hiện sản xuất xe liên doanh với Proton Holdings (Malaysia) để bán hàng tại thị trường này.

"Malaysia hoan nghênh các khoản đầu tư của Trung Quốc có đi kèm chuyển giao công nghệ, sử dụng nhân lực địa phương và không đưa sang hàng loạt lao động Trung Quốc", một quan chức thương mại Malaysia cho biết.

Thủ tướng Malaysia - Mahathir Mohamad chỉ trích rất mạnh các khoản đầu tư của Trung Quốc được phê duyệt dưới thời người tiền nhiệm. Năm ngoái, ông từng nói với Thủ tướng Trung Quốc Lí Khắc Cường rằng họ sẽ không chấp nhận cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong nước được thực hiện bởi công ty Trung Quốc. Các dự án này nằm trong sáng kiến Vành đai và Con đường vốn chịu nhiều chỉ trích do khiến một số nước mới nổi chìm trong nợ nần.

Việc Trung Quốc đa dạng hóa đầu tư, chuyển từ tập trung vào tài nguyên và cơ sở hạ tầng sang sản xuất sẽ được nhiều quốc gia đang phát triển chào đón, Biswas nhận định. "Rất nhiều nước đang phát triển vẫn còn phụ thuộc vào xuất khẩu. Các chính phủ cũng đang đặt ưu tiên cao vào việc hỗ trợ sản xuất để đa dạng hóa nền kinh tế và tạo thêm việc làm mới", ông nói.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.