Cover ca khúc, coi chừng bị phạt!

Theo quy định của pháp luật, hành vi sao chép tác phẩm mà không xin phép tác giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong một dịp nghe nhạc trên mạng, tôi tình cờ phát hiện bài hát của mình bị một bạn trẻ đạo nhạc một cách trắng trợn. Phần lời bài hát sao chép toàn bộ lời bài hát của tôi, còn phần nhạc thì chỉnh sửa lại. Như vậy, xin cho tôi hỏi việc người khác không phải là tác giả bài hát này lấy lời bài hát của tôi và chỉnh sửa lại phần nhạc thì tôi phải xử lý như thế nào?

Đỗ Mỹ Linh (Một nhạc sĩ trẻ)

cover ca khuc coi chung bi phat
Ảnh minh họa.

Có thể tạm phân chia vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ làm hai nhóm: Nhóm vô tình vi phạm do thiếu hiểu biết và nhóm cố tình vi phạm vì lòng tham lợi nhuận, lòng tham danh tiếng...

Nhóm nào cũng đáng lên án cả, nhưng đối tượng đáng phải nói nhất là nhóm 2, những người được coi hoặc tự coi là người có hiểu biết nhưng vẫn cố tình đạo văn, đạo nhạc, đạo giáo trình, đạo giáo dục, làm hàng giả, hàng nhái...

Ở một số nước, người nào đó bị phát hiện "ăn cắp" sáng tạo thì coi như sự nghiệp của họ cũng tiêu tan mà không cần phải có luật pháp nào phán xử. Lúc đó, đại đa số người dân và đặc biệt là giới học thuật, giới sáng tác và giới sáng chế sẽ “ném sự phẫn nộ” vào những người vô tình hoặc cố ý "ăn cắp" quyền sở hữu trí tuệ.

Tại Việt Nam, theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 (Luật Sở hữu trí tuệ), quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu mà đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

Ca khúc do tác giả sáng tác là một tác phẩm âm nhạc vì được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn đều thuộc đối tượng quyền tác giả được bảo hộ. Tác giả có quyền đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả…

Bạn cũng có các quyền tài sản bao gồm làm tác phẩm phái sinh như truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác... Quyền sở hữu trí tuệ của bạn đối với ca khúc do bạn sáng tác phát sinh kể từ khi ca khúc của bạn ra đời, dù ca khúc này đã hoặc chưa công bố đến công chúng.

Tùy theo tính chất và mức độ thực hiện, hành vi sao chép tác phẩm mà không xin phép tác giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể:

- Về xử lý hành chính

Xử phạt vi phạm hành chính đối với quyền tác giả và quyền liên quan thì hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 35 triệu đồng. Người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi trên.

Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm (Điều 18 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP)

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

- Trong trường hợp phải truy cứu trách nhiệm hình sự

Bộ luật Hình sự cũng quy định hành vi sao chép tác phẩm không được phép của chủ thể quyền tác giả mà xâm phạm quyền tác giả đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại thì phạm tội xâm phạm quyền tác giả và bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.

Sắp tới Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thì mức xử phạt với hành vi này sẽ tăng. Cụ thể mức phạt nhẹ nhất sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Tội xâm phạm quyền tác giả (Điều 131 Bộ luật Hình sự 1999)

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm

a) Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;

b) Mạo danh tác giả trên tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;

c) Sửa đổi bất hợp pháp nội dung của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình;

d) Công bố, phổ biến bất hợp pháp tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí, chương trình băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015)

1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm

a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;

b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500 triệu đồng trở lên;

đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

4. Pháp nhân phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Pháp nhân thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng;

b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 2 năm;

c) Pháp nhân còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Như vậy, trong trường hợp ca khúc chỉ mới tung ra chứ chưa khai thác quy mô thương mại lớn thì chỉ xử phạt hành chính mà chưa được tính đến trách nhiệm hình sự.

“Nhận vơ” ca khúc, Mờ Naive bị xử phạt

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH,TH&DL) có công văn gửi công ty TNHH IPCOM Việt Nam (đại diện pháp lý của Hoàng Thu Trang (nghệ danh Chim Sâu), tác giả của tác phẩm “Điều còn lại” (trước đây có tên là “Điều em muốn nói”) thông báo kết quả xử phạt vi phạm hành chính đối với Trần Hà My.

Công văn do ông Trần Văn Minh, phó chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL ghi rõ: Thanh tra Bộ VH,TT&DL nhận được đơn yêu cầu xử lý xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của công ty TNHH IPCOM Việt Nam về việc bà Trần Hà My (nghệ danh Mờ Naive) đã sử dụng tác phẩm “Điều em muốn nói” mà không nêu tên thật tác giả (Hoàng Thu Trang) trong chương trình “Bữa trưa vui vẻ” trên kênh VTV6 ngày 08/7/2016.

Thanh tra Bộ đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chị Trần Hà My vì có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

Thanh tra Bộ cũng có công văn ngày 3/8/2016 thông báo Cục Bản quyền tác giả và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam về sự việc trên.

Nguồn: Dân Trí

Luật gia ĐỒNG XUÂN THUẬN

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.