Sáng 13/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng tổ đại biểu số 1 Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ.
Cuộc tiếp xúc diễn ra ngay sau hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV (khai mạc cuối tháng 5).
"Qua lắng nghe ý kiến các bác các đồng chí, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là ý kiến đóng góp của các đồng chí sâu sắc, phong phú. Các ý kiến vạch ra các vấn đề từ cơ sở tới vĩ mô, rất nhiều vấn đề, cuộc sống muôn hình muôn vẻ được các cử tri phản ánh rất trách nhiệm", Tổng bí thư mở đầu phần trả lời ý kiến cử tri.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết qua buổi tiếp xúc lần này ông đã thu hoạch được rất nhiều hiểu thêm về tâm tư nguyện vọng của bà con.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư và các đại biểu cùng tổ chia sẻ với ý kiến của nhiều cử tri. Theo đó, gần đây công tác này có nhiều tiến bộ, nhất là từ năm 2016 tới nay, nhiều vụ việc được đưa ra xử.
Nhiều vụ việc được công bố, không công bố, có vụ việc Trung ương làm, có vụ việc địa phương làm. Đã kết luận điều tra 11 vụ, đã xét xử sơ thẩm nhiều bị cáo và tuyên phạt 2 án tử hình, 4 án chung thân.
"Trung ương đã xử lý các vụ án như Phạm Công Danh, Giang Kim Đạt, Hà Văn Thắm. Gần đây là Trịnh Xuân Thanh và một loạt đồng phạm tại dầu khí cũng đang được làm rõ", Tổng bí thư nêu.
Tuy nhiên, theo Tổng bí thư, còn nhiều việc phải làm "vì đấu tranh phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh gian khổ và phải kiên trì".
"Mong muốn phải nghiêm nhưng cũng phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Pháp luật của chúng ta cũng nhân văn, đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại. Nhưng nói như vậy không để vin cớ để xử nhẹ", Tổng bí thư chia sẻ.
Tổng bí thư cho hay vừa qua, hàng loạt cán bộ đã bị xử lý như ông Vũ Huy Hoàng, Huỳnh Minh Chắc, Trần Lưu Hải… Hay như ông Võ Kim Cự cũng nguyên là bí thư, chủ tịch tỉnh.
"Riêng trường hợp với đồng chí Đinh La Thăng, nhiều đồng chí cho rằng ta đụng tới Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM lớn như thế mới xử về trách nhiệm. Nhưng các bác nhớ đây mới là xử về kết quả kiểm tra dấu hiệu vi phạm về mặt Đảng còn hình sự chúng ta đang làm", Tổng bí thư nói.
Theo Tổng bí thư, vừa rồi ở Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, một loạt nhân vật chúng ta mới xử lý về mặt đảng. Kết quả Hội nghị trung ương 5 cho thấy dư luận rất là tốt. Còn bên ngoài nói xấu, kích động về việc đấu đá nội bộ, phe này phe kia thì chúng ta phải cảnh giác.
"Trung ương xem xét, tỉnh táo, tính toán nhiều mặt và sắp tới chúng ta còn làm tiếp. Còn làm thế nào chưa thể nói trước nhưng sẽ làm đúng luật pháp, trách nhiệm, lương tâm", Tổng bí thư khẳng định.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri trong giờ giải lao, trước khi giải đáp hàng loạt câu hỏi. Ảnh: Thắng Quang. |
Trước đó, trong phần đầu buổi tiếp xúc, nêu kiến nghị với Quốc hội và Trung ương, ông Phan Đăng Tĩnh (quận Tây Hồ) cho rằng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, việc phòng chống tham nhũng đã quyết liệt hơn và đã đạt được những kết quả nhất định. Kết quả này đã tạo được niềm tin của nhân dân với đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, cử tri băn khoăn tình hình tham nhũng còn phức tạp, vẫn còn tình trạng trên nói dưới không làm. Về việc xử lý cán bộ, nhất là người đứng đầu mới chỉ gắn với trách nhiệm chính trị chứ chưa gắn với trách nhiệm tài chính.
Ông Phan Đăng Tĩnh (quận Tây Hồ). Ảnh: Thắng Quang. |
Cử tri Trần Viết Hoàn (Vĩnh Phúc, Ba Đình) cho biết người dân hoan nghênh quyết tâm của Tổng bí thư trong việc xử lý các vụ án tham nhũng. Song, việc có quá nhiều cán bộ được bổ nhiệm tràn lan như vụ bổ nhiệm lãnh đạo ở Hải Dương, vụ bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa, hay tài sản lớn của bà Hồ Thị Kim Thoa (Thứ trưởng Bộ Công Thương) khiến người dân bất bình.
Rồi câu chuyện Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng bỏ trốn ra nước ngoài sau sai phạm. Cử tri rất muốn biết các cơ quan chức năng đã bắt được ba nhân vật bỏ trốn kia chưa.
"Người dân đùm bọc yêu thương nhau như qua những chương trình Lục lạc vàng, Vì bạn xứng đáng, Cặp lá yêu thương để… chia sẻ với nhau từng miếng cơm manh áo, dìu nhau qua khó khăn. Thế nhưng nhiều kẻ lại tham nhũng hàng nghìn tỷ đồng. Tham nhũng là giặc, Đảng và Nhà nước đánh đổ giặc tham nhũng sẽ cứu được dân", ông Hoàn nói.
Cử tri Nguyễn Hồng Toán (Tây Hồ) phát biểu, sau 6 ngày theo dõi hội nghị lần thứ 5 (Ban chấp hành Trung ương khóa XII), người dân rất hoan nghênh và phấn khởi khi Trung ương đã ra được những quyết định quan trọng.
Cử tri Nguyễn Hồng Toán (Tây Hồ). Ảnh: Thắng Quang. |
Về ông Đinh La Thăng, cử tri này cho rằng đây là con người xông xáo và có tài. Năm năm làm Bộ trưởng GTVT và thời kỳ đầu làm Bí thư TP.HCM, ông Thăng đã thể hiện được nhiều việc quan trọng. Nhưng trong 2 năm 2009-2011 khi phụ trách Tập đoàn PVN, ông Thăng đã để lại những sai sót như Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố.
Cá nhân ông và nhiều cử tri không đồng thuận với hình thức kỷ luật cảnh cáo với ông Đinh La Thăng.
"Tôi biết rằng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xử lý có lý có tình, nhưng nhân dân cho rằng sai lầm nhưng thế mà chỉ cảnh cáo là chưa thỏa đáng. Các hình thức cảnh cáo của Đảng cũng không có hình thức nào cho thôi chức, mà phải là cách chức. Cụ thể là cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TP.HCM và kể cả Ủy viên Trung ương Đảng", ông Toán nói.
Ngày 10/5, tại TP.HCM, Bộ Chính trị công bố quyết định phân công ông Đinh La Thăng thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM (nhiệm kỳ 2015-2020), về giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Ngày 11/5, ông Đinh La Thăng chính thức nhận nhiệm vụ tại Ban Kinh tế Trung ương. |
Theo ông, có làm như vậy các đảng viên mới thấy đảng nghiêm minh, nếu không nhiều người cho rằng cứ làm sai đi, sau này chỉ bị cảnh cáo nhẹ nhàng.
"Theo tôi công là công, nhưng khuyết điểm là khuyết điểm. Không để Ban Kinh tế Trung ương là túi đựng các đồng chí có vấn đề. Nhân dân thấy rất ám ảnh việc cán bộ cứ bị kỷ luật lại được điều động về các vị trí khác", ông Toán bày tỏ.
"Việc cho thôi chức Ủy viên Bô Chính trị, thôi chức Bí thư Thành ủy TP.HCM đối với ông Đinh La Thăng nhưng lại cho giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương thì có phù hợp hay không?", cử tri Đinh Vũ Khuynh tiếp lời.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri 2 quận Ba Đình, Tây Hồ sáng 13/5. Ảnh: Công Khanh. |
Chia sẻ quan điểm, cử tri Trần Quang Minh (Tây Hồ) đặt câu hỏi ông Thăng bị cảnh cáo và thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, việc thôi chức này là cho thôi chức hay Đảng buộc phải thôi. Theo Bộ Luật Hình sự thì chỉ cần 2 triệu đồng tham nhũng là phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng đối với sai phạm hàng nghìn tỷ thì sẽ xử lý ra sao.
"Chúng tôi đề nghị Tổng bí thư cho ý kiến về vấn đề này để chúng tôi có thể về trao đổi với bà con tại cơ sở", ông Minh đề nghị.
Chiều 10/5, tại diễn văn bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tuy đạt được kết quả rất đáng khích lệ, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Còn chậm chỉ đạo xử lý tình trạng thua lỗ, thất thoát nghiêm trọng về vốn và tài sản tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cũng tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng do có khuyết điểm và vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý và công tác cán bộ trong thời kỳ ông Thăng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, để lại hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp uỷ, tổ chức đảng và cá nhân đồng chí. Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII. "Đây là bài học sâu sắc không chỉ đối với đồng chí Đinh La Thăng mà đối với tất cả chúng ta", Tổng bí thư nói. |
Pháp luật 15:50 | 06/04/2018
Pháp luật 01:31 | 19/03/2018
Pháp luật 03:14 | 27/12/2017
Thời sự 12:14 | 26/12/2017
Thời sự 03:15 | 26/12/2017
Pháp luật 23:48 | 24/12/2017
Pháp luật 13:09 | 24/12/2017
Thời sự 05:58 | 24/12/2017