Cử tri lo ngại Trung Quốc làm cao tốc, Bí thư Nhân trấn an

Trả lời cử tri TP HCM, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định công trình tầm cỡ quốc gia như cao tốc Bắc - Nam đòi hỏi chủ đầu tư phải đảm bảo năng lực, độ tin cậy và trách nhiệm.

Ngày 19/6, các đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Bí thư Thành ủy TP HCM), Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ), Trương Trọng Nghĩa (Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) và Phạm Khánh Phong Lan (Trưởng ban Quản lí an toàn thực phẩm TP HCM) có buổi tiếp xúc cử tri quận Bình Thạnh sau kì họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.

Ngoài những vấn đề của thành phố, cử tri quận Bình Thạnh có nhiều thắc mắc liên quan đến những vấn đề khác trên phạm vi cả nước.

1

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân gặp cử tri tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Quang Huy.

Lo ngại nhà thầu Trung Quốc làm cao tốc Bắc - Nam

Bày tỏ lo ngại về việc nhà thầu Trung Quốc tham gia xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, cử tri Ngô Thanh Loan chia sẻ Chính phủ nên cẩn trọng trong việc lựa chọn nhà thầu xây dựng.

Cử tri Loan cho rằng không chỉ nhà thầu của Trung Quốc mới đủ năng lực mà còn có thể lựa chọn các nhà thầu khác trên thế giới. "Nên cẩn trọng vì công trình này có thể ảnh hưởng đến an ninh từ Nam chí Bắc", bà Loan nhận định.

2

Nhiều cử tri bày tỏ lo ngại khi Trung Quốc là nhà thầu cho cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Quang Huy.

Đồng tình, cử tri Trần Phú Đức (phường 6) đưa ra dự đoán việc nhà thầu Trung Quốc xây dựng cao tốc này sẽ vấp nhiều phản đối từ dư luận.

Một cử tri khác của quận Bình Thạnh nêu ý kiến cần xem lại năng lực, tính hiệu quả của các nhà thầu Trung Quốc. Người này dẫn chứng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã đội vốn gần 10.000 tỉ và lỡ hẹn với người dân 5 năm.

Trả lời ý kiến của cử tri, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thông tin những vấn đề về thực hiện dự án, độ tin cậy của chủ đầu tư đã được Quốc hội đưa ra thảo luận. Công trình mang tầm cỡ quốc gia như cao tốc Bắc - Nam đòi hỏi chủ đầu tư phải đảm bảo năng lực, độ tin cậy và trách nhiệm.

Theo ông, nhà thầu được lựa chọn qua việc đấu thầu công khai, khách quan. "Trách nhiệm của Quốc hội là giám sát chặt chẽ công trình này. Đây là lợi ích quốc gia, cử tri không cần lo lắng không đảm bảo cái này hay cái kia", Bí thư Thành ủy khẳng định.

Chưa có những quyết định đột phá trong kì họp

Nhiều ý kiến của cử tri quận Bình Thạnh thể hiện sự quan tâm lớn tới vấn đề môi trường, ô nhiễm kênh rạch và rác thải trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Văn Bội, cử tri phường 13, bày tỏ băn khoăn với hiện tượng rác thải nhựa tràn lan khắp địa bàn. Tại nhiều khu vực của TP, đường xá cứ mưa lại ngập ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân.

3

Nhiều cử tri quận Bình Thạnh bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Ảnh: Quang Huy.

Cử tri trên chia sẻ dù thành phố có nhiều dự án chống ngập quy mô lớn, vốn đầu tư lớn nhưng chưa thu được hiệu quả tích cực. "Tôi cho rằng do hệ thống thiếu đồng bộ, sử dụng thời gian ngắn đã gặp sự cố. Nếu không có biện pháp khác, người dân sẽ tiếp tục sống chung với ngập lụt", cử tri phường 13 nói.

Cử tri Lương Hùng Vĩ của phường 25 cho biết gia đình ông sống gần con rạch của kênh Thanh Đa. Phường đã có nhiều biện pháp tuyên truyền nhưng việc xả rác thẳng xuống kênh không thay đổi.

"Tôi chứng kiến nhiều người ném rác thải xuống kênh vô tư, từ to đến nhỏ, thậm chí tôi từng thấy có người ném cả tấm nệm lớn", ông Vĩ bức xúc.

Ông cho rằng nếu chỉ tuyên truyền, giáo dục thì khó hiệu quả. Dẫn chứng một số nước trên thế giới, ông Vĩ đề nghị có chế tài, hình phạt để thể cải thiện môi trường.

4

Kênh Xuyên Tâm chảy qua quận Bình Thạnh có nhiều đoạn ngập trong rác thải. Ảnh: Hoàng Việt.

Một cử tri khác của quận Bình Thạnh nhận định: "Các vấn đề về rác thải, nạn chặt phá rừng, buôn bán ma túy đang ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường và đời sống người dân. Tuy nhiên chúng tôi chưa thấy các quyết sách mang tính đột phá trong kì họp Quốc hội".

Trả lời thắc mắc của cử tri về lĩnh vực vệ sinh môi trường, ông Hồ Phương, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết từ năm 2014, quận đã thực hiện chỉ thị của UBND TP về tập trung giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Tháng 4, Thủ tướng có gửi thư đến các địa phương, cơ quan truyền tải nội dung hạn chế rác thải sinh hoạt bằng nhựa, vật chất khó phân hủy.

Đồng tình với ý kiến của cử tri, Phó chủ tịch UBND quận đánh giá việc khó khăn nhất trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường là nâng cao nhận thức, ý thức của người dân. UBND quận đã tuyên truyền, kêu gọi nhưng kết quả còn hạn chế.

Về ý kiến cho rằng cần có chế tài cụ thể, nghiêm khắc, ông Phương cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị định 155 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

"Đây là quy định rất chặt chẽ, rõ ràng trong việc xử phạt. Tuy nhiên, thực tế có nhiều khó khăn trong thực hiện và hiệu quả cũng chưa cao", ông Phương bày tỏ.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.