Anh Hòa, người nuôi cua biển ở Trà Vinh cho biết, năm nay lượng cua cung ứng ra thị trường không nhiều nên giá cao hơn so với năm ngoái. Mặt khác, ảnh hưởng của cơn bão số 3, sản lượng khai thác các loại hải sản từ biển như ghẹ, tôm, mực, cá... hạn chế, nên cua biển nuôi được thị trường tiêu thụ mạnh.
Đặc biệt, anh Hòa dự báo, giá cua sẽ còn tăng cao khi nhu cầu sử dụng sản phẩm này vào lễ 2/9 và xuất sang Trung Quốc dịp Trung thu sắp tới.
Cua biển ở Cà Mau tăng giá khá mạnh. (Ảnh: Phúc Hưng).
Ông Hạnh ở huyện Châu Thành (Trà Vinh) cho biết, vụ này sản lượng cua nhà ông đạt hơn 300 kg. Với giá bán xô 200.000 - 300.000 đồng một kg, ông lãi khoảng 40 triệu đồng sau 4 tháng nuôi.
Không chỉ giá cua tại Trà Vinh tăng, tại Cà Mau loại này cũng đang được mua với giá 290.000 - 350.000 đồng một kg cho cua thịt, và 400.000 - 430.000 đồng một kg cua gạch.
Theo nông dân địa phương, sở dĩ giá cua tăng là do nhu cầu tăng cao, đặc biệt, nửa cuối năm nhu cầu cua xuất khẩu lớn nên nguồn cung giảm khiến giá liên tục đi lên.
Cũng vì giá tại địa phương tăng nên ở TP HCM, các vựa hải sản đang tăng giá bán. Hiện, cua Cà Mau loại 1 có giá 530.000 - 650.000 đồng một kg, với cua loại 2 giá 390.000 - 480.000 đồng.
Tại Trà Vinh, theo ngành nông nghiệp tỉnh này, diện tích nuôi cua biển trong tỉnh hơn 8.500 ha, tăng so cùng kỳ năm trước khoảng 500 ha, trong đó có hơn 30% diện tích nuôi thâm canh, năng suất đạt 0,8 - 1,2 tấn một ha. Còn ở Cà Mau, nông dân đa phần nuôi cua biển kết hợp với tôm sú trên diện tích khoảng 248.000 ha (kể cả trong diện tích tôm – rừng) và nuôi thâm canh, bán thâm canh (nuôi cua hầm đất) khoảng 2.000 ha.