Hôm 21/5, thấy bể chứa nhà mình (thể tích 75 m3 - 75.000 lít) còn ít xăng, ông Nguyễn Mạnh Cường (chủ một cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội) đi nhập hàng về bán. Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu mối chỉ cho ông Cường nhập 5 m3 xăng, đủ bán trong vòng 2-3 ngày.
Không chỉ cắt giảm lượng nhập, chiết khấu (hoa hồng) cũng bị doanh nghiệp đầu mối giảm từ 1.000-1.200 đồng/lít xuống còn 50 đồng/lít. Tức là sau khi trừ chi phí vận chuyển, xăng về đến cửa hàng, ông Cường đã chịu lỗ 200 đồng/lít, bán ra lỗ khoảng 400 đồng/lít.
Do nhu cầu tiêu thụ xăng tăng cao so với những tháng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, 5 m3 xăng nhập hôm 21/5 bán 2 ngày đã hết. Ông Cường liên hệ với đầu mối ngỏ ý muốn nhập thêm, thậm chí sẵn sàng không nhận chiết khấu, doanh nghiệp đầu mối nói đợi đến sau ngày điều chỉnh giá xăng dầu (28/5) mới cho nhập.
“Nếu không nhập được, cửa hàng tôi sẽ phải tạm đóng cửa vì không còn xăng để bán. Hơn nữa, dự báo giá xăng kỳ tới tăng hơn 1.000 đồng/lít nên tôi muốn nhập sớm, nhập nhiều để ăn phần chênh lệch”, ông Cường nói.
Gặp khó trong việc tìm nguồn cung, ông Cường chủ động liên hệ với các đầu mối xăng dầu khác. Sau khi gọi nhiều nhà phân phối bán lẻ, một doanh nghiệp đồng ý cho ông Cường nhập 18 m3, với “chiết khấu hữu nghị” 0 đồng/lít.
“Đợt Covid-19 đã lỗ lắm rồi, đến giờ giá xăng tăng, muốn nhập chịu lỗ cũng không được. Từ ngày xây cây xăng, tôi chưa bao giờ gặp trường hợp này”, ông Cường chia sẻ.
Trong một nhóm kín về kinh doanh xăng dầu trên mạng xã hội, nhiều đại lí cho biết đang gặp tình cảnh tương tự ông Cường. “Giá xăng mới tăng trở lại mà đầu mối đã cắt sạch hoa hồng. Nếu kéo dài, nhiều cây xăng sẽ phải bỏ cuộc chơi, nhượng lại hoặc cho thuê”, một thành viên bình luận.
Nhiều ý kiến khác cho rằng các doanh nghiệp đầu mối đang găm hàng, chờ giá tăng cao mới bán để bù lỗ khi giá xăng giảm từ đầu năm.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM xác nhận với Zing việc các cây xăng đang phải chịu lỗ. Cụ thể, chiết khấu giảm còn 200-300 đồng/lít, trong khi chi phí tối thiểu để 1 lít xăng bán ra thị trường là 500 đồng.
Lí giải về việc hạ mức chiết khấu, vị này cho biết giá xăng thành phẩm nhập khẩu tăng, còn trong nước chưa đến kì điều chỉnh giá.
“Thực tế, nhiều doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng trước đó rồi. Tuy nhiên, giá bán ra cho khách phụ thuộc vào từng thời điểm, nên chiết khấu thấp là để bù lại lỗ khi giá thế giới giảm từ đầu năm”, vị này nói.
Cũng do lỗ lớn, hiện một số doanh nghiệp đầu mối phải tạm ngừng nhập khẩu. Vị chuyên gia cho rằng có trường hợp nhà phân phối còn xăng cũ, nhưng chờ giá tăng mới bán để bù lỗ lúc xăng giảm giá.
“Đến khi khan hàng, đầu mối bán theo lượng mua trung bình của cây xăng. Do đó, những cây xăng phải đóng cửa nhiều khả năng chỉ nhập của đầu mối một phần, nhập trôi nổi phần nhiều”, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu này nhận định.
Trao đổi với Zing, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết hiện nay, nhu cầu sử dụng xăng dầu sau giãn cách xã hội đối với các hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng tại thị trường nội địa tăng mạnh.
Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu trong nước và quốc tế lại đang cắt giảm công suất, tận dụng thời gian dịch bệnh để thực hiện việc bảo dưỡng khiến nguồn cung xăng dầu giảm.
Trước tình hình nêu trên, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cung cấp đủ hàng. Ngoài ra, 2 nhà máy lọc dầu là Bình Sơn và Nghi Sơn cũng được yêu cầu cung ứng đủ hàng ra thị trường.
Ông nhấn mạnh ở khu vực nào có phản ánh thiếu hàng, Vụ Thị trường trong nước trực tiếp can thiệp và điều hàng để đảm bảo cung ứng.
Các địa phương cũng đảm bảo điều phối cung ứng đủ hàng trong địa bàn mình. Nếu địa bàn không tự cân đối được, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ bằng các điều hàng ở địa bàn khác về. Hiện, Bộ đã điều hàng theo hình thức này ở Hưng Yên, Bắc Giang…